MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu lãi suất tăng 1%, 'siêu tập đoàn' đóng góp 9,2% GDP Việt Nam 2023 sẽ phải chi thêm 2.400 tỷ/năm

Năm 2023, tổng doanh thu toàn tập đoàn này đạt 942.800 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11.600 tỷ đồng so với kỷ lục năm 2022.

Sáng 14/3, Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô đã diễn ra với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Nhiều lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp đã tham luận, tham dự.

Tại đây, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam, PVN) nhấn mạnh rằng: Việc điều hành chính sách tiền tệ giữ rất vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của chúng ta là một trong những nước cao nhất thế giới.

Chủ tịch Petrovietnam cho biết, tín dụng trong toàn tập đoàn hợp nhất đến nay khoảng 240.000 tỷ đồng. Nếu tăng 1% lãi suất thì chi phí vốn của tập đoàn sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỷ/năm, chính vì thế nên việc cơ cấu lại vốn, tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các dự án đầu tư của Petrovietnam là rất quan trọng, giúp cho các dự án đầu tư nói riêng. Và toàn tập đoàn giảm được chi phí sử dụng vốn bình quân trong từng dự án, giống như ở dự án đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn mà Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo trong việc tái cấu trúc lại vốn vay của các tổ chức tín dụng, từ các ngân hàng trên thế giới.

“Chúng tôi đánh giá cao sự điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng đã bảo đảm được ổn định lãi suất, lạm phát và tỷ giá, giúp cho các doanh nghiệp lớn như Petrovietnam có sự ổn định và đạt được những kết quả như trong thời gian qua”, ông Lê Mạnh Hùng phát biểu.

Hiện nay, PVN đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng để tái cấu trúc lại các khoản vay bằng các khoản vay mới có chi phí vốn sử dụng bình quân thấp hơn, giúp cho chi phí sản xuất kinh doanh của công ty liên doanh này tối ưu hơn, từng bước vượt qua khó khăn.

Nếu lãi suất tăng 1%, 'siêu tập đoàn' đóng góp 9,2% GDP Việt Nam 2023 sẽ phải chi thêm 2.400 tỷ/năm- Ảnh 1.

Tín dụng trong toàn Petrovietnam hợp nhất đến nay khoảng 240.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Trong thời gian tới, theo kế hoạch 2021-2025, Petrovietnam có kế hoạch huy động khoảng 250.300 tỷ đồng từ tín dụng để cho đầu tư phát triển.

Với ảnh hưởng độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn của PVN, lãnh đạo tập đoàn mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.

Cùng đó, rủi ro tỷ giá cũng được lãnh đạo PVN nêu. Hiện dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1,5 tỷ USD, do đó biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá.

“Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định”, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch PVN, nói.

Hồi đầu năm 2024, thông báo tình hình kinh doanh tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của tập đoàn, Petrovietnam khai thác dầu năm 2023 đạt 10,41 triệu tấn, vượt 12,1% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3, vượt 25,7% so với kế hoạch.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942.800 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11.600 tỷ đồng so với kỷ lục năm 2022, tương đương 9,2% GDP cả nước.

Nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn đạt 151.800 tỷ đồng, vượt 94% lần kế hoạch năm, chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tập đoàn năm 2023 đạt 54.500 tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch năm.


Theo Dy Khoa

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên