Nếu mua năng lượng tái tạo trực tiếp, Samsung vẫn phải trả chi phí truyền tải, phân phối cho Tổng công ty Điện lực?
Theo thông tin từ Nikkei Asia, Samsung đang đàm phán với Việt Nam về việc tham gia dự án thí điểm mua bán trực tiếp năng lượng tái tạo. Vậy nếu mua bán điện trực tiếp, các chi phí truyền tải, phân phối, điều độ vận hành hệ thống điện... sẽ được chi trả ra sao?
- 04-05-2021Nikkei Asia: Samsung đề nghị được mua điện mặt trời, điện gió không qua EVN
- 04-05-2021PMI tháng 4 tăng lên 54,7 điểm, đạt mức cải thiện mạnh nhất kể từ tháng 11/2018
- 04-05-2021Tỷ lệ gỡ cài đặt ứng dụng mua sắm tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á nói lên điều gì?
Tập đoàn này đã đề xuất Bộ Công thương hướng dẫn triển khai thí điểm cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp). Hiện Samsung vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận của Nikkei Asia.
Vậy nếu đề xuất của Samsung được chấp thuận, việc mua bán điện trực tiếp sẽ diễn ra như thế nào?
Theo dự thảo Thông tư Quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện, đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo (đơn vị phát điện) là các tổ chức, cá nhân sở hữu dự án nhà máy điện nối lưới sử dụng công nghệ phát điện từ sức gió hoặc bức xạ mặt trời (có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW).
Còn khách hàng sử dụng điện tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp sẽ sử dụng điện phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp tại cấp điện áp từ 22 kV trở lên. Thông qua dự thảo này khách hàng sẽ được trực tiếp đàm phán, thỏa thuận mua bán điện với đơn vị phát điện thông qua việc ký kết một hợp đồng có kỳ hạn. Các giao dịch mua bán điện giữa các bên được thực hiện qua thị trường điện giao ngay theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.
Trước đó, ngày 12/6/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến rộng rãi về thiết kế và kế hoạch thí điểm mua bán điện trực tiếp cho Việt Nam với sự tham gia của các đại biểu đến từ nhiều tổ chức đối tác quốc tế (như World Bank, ADB, GIZ, AfD và VEPC), các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và khách hàng tiềm năng mua năng lượng tái tạo (như: Sunseap; Norsk Solar, Heineken, ABB, Apple…).
Theo đó, mô hình mua bán điện trực tiếp thông qua hợp đồng tài chính (mô hình Synthetic PPA) được lựa chọn áp dụng tại Việt Nam. Trong mô hình này, khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện sẽ ký kết một hợp đồng tài chính song phương dạng hợp đồng kỳ hạn với mức giá và sản lượng điện cố định do hai bên tự thỏa thuận.
Tiếp đó, khách hàng sử dụng điện sẽ mua điện từ Tổng công ty điện lực theo giá điện được tham chiếu đến giá thị trường điện giao ngay trong từng chu kỳ giao dịch theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành (có tính tới tổn thất lưới điện phân phối) cộng với chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp tính cho một đơn vị điện năng (gồm các thành phần: chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối điện, chi phí điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, chi phí dịch vụ phụ trợ trên hệ thống điện) theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
Bên cạnh đó, khách hàng sẽ thanh toán cho Tổng công ty điện lực chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp cho toàn bộ sản lương điện tiệu thụ bao gồm các chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối điện, chi phí vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện và chi phí dịch vụ phụ trợ.
Như vậy, theo dự thảo, tổng chi phí mua điện của khách hàng từ Tổng công ty Điện lực trong kỳ thanh toán theo Hợp đồng mua bán điện ký kết giữa hai bên sẽ bằng tổng của chi phí điện năng và thành phần chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp.