MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu tiền thực sự là mục tiêu lớn nhất bạn khát khao, tại sao bạn vẫn chưa thấy hạnh phúc?

05-11-2018 - 13:07 PM | Sống

Hầu hết mọi người đều cho rằng, tiền là mục tiêu, động lực để họ làm việc, có nhiều tiền họ có thể sở hữu được mọi thứ. Nếu đều đó là chính xác, tại sao chúng ta vẫn không bằng lòng khi nhận lương mỗi tháng? Phải chăng, lòng tham của con người không giới hạn?

(1) Tiền để làm gì?

Có một câu chuyện về hai người đàn ông làm nghề đánh cá ở một làng chài bên bờ biển, một người "cần cù" làm quật quật cả ngày lẫn đêm và một người "lười biếng", chỉ làm vừa đủ rồi dành thời gian còn lại thư giãn và chơi đùa bên vợ con. Chuyện có nhiều phiên bản khác nhau nhưng tôi xin được kể lại theo cách của mình.

Nếu tiền thực sự là mục tiêu lớn nhất bạn khát khao, tại sao bạn vẫn chưa thấy hạnh phúc? - Ảnh 1.

Một ngày nọ, thấy anh "lười biếng" đang nằm trên bãi biển phơi nắng, anh "cần cù" chỉ trích:

- Tạo sao anh không lo đi đánh cá?

- Tôi kiếm đủ số cá cho hôm nay rồi. Tôi muốn dành thời gian còn lại để nghỉ ngơi thư giãn. Còn anh bận rộn cả ngày cả đêm đánh cá như vậy để làm gì?

- Tôi muốn đánh được nhiều cá, bán lấy tiền để tích góp mua thuyền.

- Mua thuyền để làm gì?

- Tôi sẽ đánh được nhiều cá hơn, kiếm được nhiều tiền để mua chiếc thuyền lớn hơn nữa.

- Có thuyền lớn hơn nữa để làm gì?

- Tôi sẽ mua thuyền lớn hơn nữa! Khi có nhiều tiền rồi tôi sẽ nghỉ ngơi không đi đánh bắt cá nữa, mỗi ngày nằm dài trên bãi biển phơi nắng, nghỉ ngơi, nghe tiếng sóng biển. Anh "cần cù" vừa nghĩ về tương lai tươi sáng vừa tự đắc trả lời. 

Lúc này anh "lười biếng" mới nói: "Anh xem, tôi hiện tại mỗi ngày chẳng phải vẫn nằm phơi nắng và nghe tiếng sóng biển đó sao?!"

Trong câu chuyện trên, rõ ràng cả hai người ngư dân đều theo đuổi một giá trị trong cuộc sống là "tận hưởng cuộc sống". "Anh lười biếng" vẫn đang hạnh phúc với cuộc sống mỗi ngày vì giá trị mình theo đuổi đã được đáp ứng. 

Trong khi đó "anh cần cù" cảm thấy hạnh phúc lâng lâng khi hình dung đến cảnh mình "tận hưởng cuộc sống", dù việc đó chưa xảy ra. Anh đang chấp nhận hi sinh thời gian hiện tại và hi vọng cái ngày tươi sáng kia sẽ đến, bất chấp hiện thực rằng không cần có nhiều cá, nhiều tiền mới làm được điều ấy.

Nếu tiền thực sự là mục tiêu lớn nhất bạn khát khao, tại sao bạn vẫn chưa thấy hạnh phúc? - Ảnh 2.

Trên đây là một ví dụ điển hình về sự ngộ nhận đối với tiền bạc. Nếu ngay từ đầu, thay vì tập trung vào tiền, anh "cần cù" tập trung vào thứ mình thật sự mong muốn trong cuộc đời thì những hành động mỗi ngày của anh ta đã khác đi. Rất tiếc, chuyện này dường như xảy ra rất phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay.

(2) Bằng lòng và ham muốn

Chẳng hạn, phụ huynh nào cũng mong muốn con cái có cuộc sống hạnh phúc và thành đạt. Nhiều người cho rằng để có được điều đó, con cái họ phải được ăn ngon mặc đẹp và học ở trường tốt nhất. Và vì khao khát đó nên họ hi sinh cả đời, làm lụng đầu tắt mặt tối để kiếm tiền lo cho con. Tôi gọi đây là dạng "bằng lòng ít, ham muốn nhiều" đối với những gì mình cho con.

Hệ quả của cách sống này là người ta sẽ luôn thấy gánh nặng làm cha mẹ đè lên vai mình, thậm chí thấy có lỗi vì không lo được cho con cái bằng bạn bằng bè. Và vì họ phải gồng mình kiếm tiền đáp ứng cho các ham muốn của mình, nên luôn trong trạng thái căng thẳng, trong khi thời gian cho con cái cũng không còn.

Nếu tiền thực sự là mục tiêu lớn nhất bạn khát khao, tại sao bạn vẫn chưa thấy hạnh phúc? - Ảnh 3.

Bạn có nhận ra một điều, nhóm phụ huynh kể trên cũng giống anh đánh cá chăm chỉ đi chệch mục tiêu ban đầu, trong trường hợp này là "để con cái có cuộc sống hạnh phúc và thành đạt"? Làm sao chúng hạnh phúc thành đạt được khi mỗi ngày cha mẹ dành cho chúng một hai tiếng qua loa đại khái, dễ dàng cáu bẳn, luôn luôn cằn nhằn? Làm sao chúng hạnh phúc được khi thấy ba mẹ đang không hạnh phúc?

Làm sao chúng thành đạt khi được ngậm thìa vàng thìa bạc từ bé, cuộc đời đã được trải nhung trải lụa, để chỉ cần một va vấp nhỏ trong cuộc đời cũng có thể bị đánh gục?

Ngược lại với kiểu phụ huynh trên là kiểu phụ huynh "bằng lòng nhiều, ham muốn ít". Tôi nghĩ giữ được điều này thì không còn gì tuyệt vời hơn, bởi người ta sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc vì biết như thế nào là đủ. Đây chẳng phải là điều mà Phật giáo vẫn hướng con người ta đến đấy sao! 

Tôi chưa đến được cảnh giới ấy, nhưng cũng không có ý định đến cảnh giới ấy, bởi tôi đang ở một cảnh giới khác sôi động và rực rỡ sắc màu hơn. Đó là "vừa bằng lòng, vừa ham muốn" đối với những gì mình cho con.

Hồi mới về nước, bạn bè hay hỏi sao không sống luôn ở Đức cho con cái có môi trường tốt để sống. Tôi nói vì tôi thích sống ở Việt Nam. Và thể nào họ cũng sẽ nói "Biết là vậy, nhưng hi sinh đời bố củng cố đời con chứ!". Tôi chỉ có thể nói rằng:

- Tôi có thể hi sinh mạng sống của tôi cho con, nhưng không thể hi sinh cuộc sống của tôi cho nó. Tức là, tôi có thể chết vì con, nhưng tôi không thể sống vì nó. Tôi có cuộc sống của tôi, nó có cuộc sống của nó!

Thấy vợ chồng tôi suốt ngày đi du lịch và ăn các món ngon, cha mẹ chồng tôi cũng luôn khuyên nhủ hai đứa tiêu pha tiết kiệm để dành tiền lo cho con cái, như bà đã làm với các con mình. Nhưng tôi thấy đó là một cái vòng giết người. 

Cả đời ông bà cố hi sinh mong cho cha mẹ chồng tôi được sung sướng, sau đó cha mẹ chồng tôi chưa sung sướng được giây phút nào thì lại tiếp tục hi sinh cho chồng tôi được sung sướng. Giờ nếu chồng tôi tiếp tục hi sinh cuộc đời mình, liệu sau này chúng tôi sẽ nói với con tôi như thế nào? Có phải là "Con thôi hưởng thụ cuộc sống của mình đi, hãy sống vì con vì cái", và lại thêm một thằng hết sung sướng. Tôi muốn là người cắt đứt cái vòng luẩn quẩn ấy.

Có thể đến đây, ai đó sẽ nghĩ tôi là bà mẹ ích kỉ, chỉ lo cho bản thân mình. Tôi kệ. Vì tôi đang thấy rất bằng lòng với những gì mình cho con cái. Về tinh thần, chúng tôi luôn có thừa mứa thời gian vui vẻ bên con và không ngừng học hỏi để trở thành những ông bố và bà mẹ tốt. Còn về vật chất, tôi bằng lòng vì chúng tôi lo đủ ăn đủ mặc cho con, gửi con học một trường dù chưa phải là tốt nhất nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều trường khác. 

Chúng tôi tin tưởng con mình chắc chắn đang hạnh phúc và rồi sẽ thành đạt, bất chấp chuyện nó có được chuyển lên trường mới tốt hơn hay không. Chỉ bấy nhiêu đó, tôi nghĩ con tôi cần phải biết ơn cha mẹ chúng và không có quyền đòi hỏi nhiều hơn. Bản thân tôi cũng sẽ không đòi hỏi ở mình nhiều hơn để đỡ cảm thấy áp lực.

Nhưng tôi có ham muốn có nhiều hơn như vậy không? Có! Rất rất nhiều là đằng khác! Tôi mơ một ngày con tôi sống trong một căn biệt thự có sân vườn rộng rãi, có phòng riêng đẹp như phòng Hoàng tử nhỏ, học trường sang chảnh kiểu dành cho con cháu hoàng gia. Những mơ ước ấy không hão huyền, vì đó là điều tôi đã đặt vào trong mục tiêu của mình.

Có điều, tôi đang tiến đến mục tiêu ấy với một tâm trạng rất hân hoan và hạnh phúc. Bởi bất kể có đến được đó hay không, thì điểm đứng của tôi hiện tại bây giờ đã quá tuyệt vời và những gì tôi cho nó đã quá đủ.

Và vì tôi vẫn bám chắc lấy mục tiêu to lớn hơn của mình, đó là "giúp con có cuộc sống hạnh phúc và thành đạt".

Sống ở cảnh giới "vừa bằng lòng, vừa ham muốn" này, được cái rất hồn nhiên!

(3) Tập trung vào mong muốn chứ không phải tiền

Đồng ý rằng "tiền rất quan trọng", có điều tôi tin hiếm ai lao vào kiếm tiền vì tiền quan trọng. Nói cách khác, hiếm có một ai thực sự kiếm tiền vì "mê tiền", xem tiền là giá trị cần theo đuổi trong cuộc sống. Tiền kiếm được đem về làm cảnh, vẫn ăn mì gói uống nước lã, hạnh phúc ôm ấp tiền sống qua ngày. Rõ ràng tiền quan trọng bởi vì tiền giúp mình đạt được những điều quan trọng trong cuộc đời.

Phía sau động cơ kiếm tiền luôn là những giá trị mà chúng ta khao khát hướng đến. Khao khát phải là thứ mà khi nghĩ tới, chúng ta cảm thấy sung sướng, hào hứng đến vỡ òa. Như có người khao khát tự do, có người khao khát an toàn, có người khao khát được công nhận, có người khao khát yêu thương, và cũng có người khao khát được "phụng sự con cái" như ở phần trước.

Về lý thuyết, tiền là phương tiện để người ta thực hiện những điều cao cả trong cuộc sống. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều người do bộn bề cuộc sống mà quên mất điều này. Họ hùng hục chạy theo đồng tiền để mong có một cuộc đời tốt đẹp hơn, nhưng rốt cuộc cả đời vẫn là một cuộc đuổi bắt, bắt được rồi lại muốn bắt nhiều hơn. 

Cuối cùng dù thu nhập có tăng lên bao nhiêu thì cuộc sống cũng không tốt đẹp lên, tinh thần cũng không hạnh phúc hơn. Chung quy cũng vì họ quên mất điều mình thật sự khao khát là gì (mục tiêu) và hành động kiếm tiền ở giây phút hiện tại có ý nghĩa gì trong việc đưa họ đến gần hơn với mục tiêu ấy.

Một phút thôi nghĩ về tiền, nghĩ về một giá trị lớn lao nhất mà bạn khao khát. Mỗi giây mỗi phút bạn đang sống, giá trị ấy có đang được đáp ứng?

Nếu có, tại sao mình vẫn chưa thấy hạnh phúc? Nếu không, tại sao không? Mình có thể làm gì để đáp ứng được giá trị ấy.

Nếu tiền thực sự là mục tiêu lớn nhất bạn khát khao, tại sao bạn vẫn chưa thấy hạnh phúc? - Ảnh 4.

Khi mục tiêu cuộc đời rõ ràng, bạn sẽ thấm thía được vai trò của đồng tiền trong đó. Lúc này thật sự đồng tiền sẽ trở thành một phương tiện, chứ không còn là mục đích nữa. Đó cũng chỉ là "một trongnhững phương tiện" chứ không phải là tất cả. 

Bạn sẽ lờ mờ thấy được việc kiếm tiền là một niềm vui, vì nó đang giúp chúng ta tiến đến gần mục tiêu, chứ không phải là một nghĩa vụ mệt mỏi vì cuộc sống vốn phải khắc nghiệt như vậy.

* Trích từ cuốn sách Người Tối Giản, tác giả Phạm Quỳnh Giang

Hà Lê

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên