MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

New York thảm kịch nối tiếp thảm kịch: Y tá mặc túi đựng rác thay đồ bảo hộ, nhiều người nhiễm bệnh khi đang làm việc và cơn ác mộng chưa có hồi kết

10-04-2020 - 15:39 PM | Tài chính quốc tế

“Tôi phải làm gì với nó đây? Đây là cái gì vậy? Ồ không, đây là túi đựng rác mà”, một nữ y tá làm việc tại Trung tâm Bệnh viện Brooklyn mô tả về bộ “quần áo bảo hộ” mà cô vừa nhận được!

Những ngày gần đây, đường phố trung tâm New York – nơi sôi động và sầm uất bậc nhất nước Mỹ trở nên vắng vẻ và yên tĩnh lạ thường. Tuy nhiên, bên trong các bệnh viện là những cuộc vận lộn và chiến đấu không ngừng để giành giật từng hơi thở cho các bệnh nhân Covid-19.

Tính đến tối thứ 5 ngày 9/4, Mỹ ghi nhận 16.513 người chết vì Covid-19 trong đó New York chiếm tới 7,067 người; tăng 779 người so với ngày thứ Tư. Người da đen và người gốc Latinh ở New York có tỷ lệ tử vong cao gấp đôi so với người gốc châu Á và người da trắng tại thành phố này.

Theo số liệu thống kê của Đại học john Hopkins, khoảng 159.937 trong tổng số 462.135 ca nhiễm Covid-19 của Mỹ đến từ thành phố New York; tăng tới hơn 10.000 ca nhiễm chỉ trong vòng 24 giờ. Thế giới hiện tại ghi nhận 1.596.496 ca nhiễm và hơn 95.000 người tử vong vì Covid-19 (tính đến ngày 9/4).

Kay, một nữ y tá hiện đang làm việc tại bệnh viện Brooklyn từ chối tiết lộ họ tên đầy đủ của bản thân vì lo ngại sự trả thù từ người thân của những bệnh nhân Covid-19 khi họ không được phép tới thăm, chia sẻ với David Begnaud - phóng viên đài CBS: "Những gì đang diễn ra ở New York hiện nay như một buổi chiều hoàng hôn nhuốm màu bi kịch. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cả thế giới sẽ có ngày cùng trải qua một thứ cảm xúc hỗn độn giống nhau như thế này".

"Tôi muốn có một chiếc khẩu trang giống như cái mà anh đang đeo. Tất cả những người đồng nghiệp khác của tôi đều muốn có một chiếc khẩu trang như vậy. Nhưng hãy nhìn xem, tôi đang mặc cái gì lên người thế này? Đó là một chiếc túi đựng rác, anh biết không", Kay nói với David Begnaud – nam phóng viên mặc một bộ đồ bảo hộ chống khuẩn với khẩu trang và đồ che kín mặt trong khi tác nghiệp.

Trong khi đó, một y tá khác tại bệnh viện Brooklyn xuất hiện trong bộ đồ bảo hộ làm từ túi đựng rác trong suốt chia sẻ rằng cô vừa phải nghỉ tại nhà 2 tuần với các triệu chứng của coronavirus và mới trở lại làm việc sau khi hồi phục.

Tất nhiên, Kay không phải là trường hợp duy nhất ở New York. Rất nhiều nhân viên y tá tại các bệnh viện trung tâm New York đã xuất hiện với đồ bảo hộ làm từ túi đựng rác lan tràn trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Và hầu hết trong số họ, sau đó đều được xét nghiệm dương tính với Covid-19!

Theo Telegraph, ba nhân viên y tá đầu tiên nhiễm bệnh tại bệnh viện công viên Northwick thuộc London trước đây từng chia sẻ "đó là tai nạn không thể tránh khỏi khi bạn điều trị cho các bệnh nhân Covid-19".

New York thảm kịch nối tiếp thảm kịch: Y tá mặc túi đựng rác thay đồ bảo hộ, nhiều người nhiễm bệnh khi đang làm việc và cơn ác mộng chưa có hồi kết - Ảnh 1.

"Chúng ta phải thừa nhận rằng sẽ có rất nhiều nhân viên y tế bị nhiễm bệnh trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Đây là một sự thật đáng buồn, nhưng cũng là điều không tránh khỏi. Bởi đó cũng là trải nghiệm chung của tất cả nhân viên y tế trên toàn thế giới", phát ngôn viên của Trung tâm chăm sóc sức khoẻ NHS thuộc Đại học London chia sẻ.

Trước bối cảnh đó, Andrew Cuomo – Thị trưởng thành phố New York cho biết bang này đã đạt đến đỉnh dịch bởi tỷ lệ gia tăng số người chết đang dần chững lại khi số lượng người thở máy trong một thời gian dài đã qua đời. Ông cũng nhấn mạnh rằng New York không cần thêm máy thở mặc dù nguồn cung khẩu trang y tế N95 đang trở nên khan hiếm tại hầu hết các bệnh viện.

"Rất nhiều bệnh nhân của chúng tôi đang trong tình trạng suy hô hấp nặng", Joshua Rosenberg – Giám đốc Khoa truyền nhiễm thuộc Trung tâm Bệnh viện Brooklyn chia sẻ trên CBS. Ông nói rằng các nhân viên của mình đã nỗ lực hết sức trong việc điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.

"Ban đầu họ đều ổn, sau đó một vài người xuất hiện triệu chứng ho hoặc đau họng. Và cuối cùng, họ đều không ổn. Giờ đây mỗi lần nghe thấy tiếng xe cứu thương trong thành phố, tôi đều tự hỏi: Có phải lại là bệnh nhân Covid-19? Và liệu họ có đang trong tình trạng nguy kịch hay không?", vị giám đốc này chia sẻ.

Ông cho biết một trong số các bệnh nhân của mình, dù không hề có bệnh lý nền nào trước đó, nhưng đã bị suy hô hấp và tổn thương thận sau khi nhiễm Covid-19. "Đó là một người đàn ông tương đối trẻ. Tôi đoán chỉ khoảng 50 tuổi. Anh ta cần 100% oxy và không khí để giữ cho phổi không bị xẹp. Hầu hết các bệnh nhân ở đây là người da đen và họ đều cần tới máy thở. Trong đó rất nhiều người còn trẻ và không hề có tiền sử bệnh lý nào trước đây", Rosenberg nói.

Joshua Rosenberg sau đó đã đeo một cặp kính bảo hộ với khẩu trang và quần áo bảo hộ trước khi vào phòng bệnh thay ống thở cho một bệnh nhân. "Đây là một căn bệnh nguy hiểm. Hàng ngàn người đã chết vì nó. Người già có, người trẻ có. Nó là căn bệnh chết người". Tính đến thứ 6 tuần trước, Trung tâm Bệnh viện Brooklyn đã có 27 bệnh nhân Covid-19 qua đời.

New York thảm kịch nối tiếp thảm kịch: Y tá mặc túi đựng rác thay đồ bảo hộ, nhiều người nhiễm bệnh khi đang làm việc và cơn ác mộng chưa có hồi kết - Ảnh 2.

Mới đây, Uỷ ban Hỗn hợp Hoa Kỳ – tổ chức phi lợi nhuận đang cung cấp hơn 22.000 dịch vụ và chương trình chăm sóc y tế khắp nước Mỹ - cho biết trong một tuyên bố rằng họ "hỗ trợ và cho phép nhân viên mang theo khẩu trang cá nhân đạt tiêu chuẩn tới nơi làm việc trong bối cảnh hiện tại khi rất nhiều trung tâm chăm sóc y tế hay bệnh viện đều thiếu hụt nguồn cung khẩu trang và đồ bảo hộ. Việc này giúp đối phó với rủi ro lây nhiễm có thể gặp phải khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19".

"Chúng tôi chứng kiến có rất nhiều bệnh nhân trẻ và hoàn toàn khoẻ mạnh, mắc Covid-19", một bác sĩ khác tại Trung tâm Bệnh viện Brooklyn chia sẻ.

"Các bệnh viện có thể dự trữ đồ bảo hộ trong trường hợp nguồn cung khan hiếm và nhiều y bác sĩ phải đối mặt với rủi ro cao hơn. Mặc dù việc sử dụng khẩu trang và đồ bảo hộ cá nhân tự chế có nhiều rủi ro, nhưng ít nhất chúng phát huy tác dụng ở thời điểm hiện tại", tuyên bố cho biết.

Vào hôm thứ Sáu tuần trước, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cũng đã thay đổi điều khoản quy định về khẩu trang. Theo đó, họ khuyến khích đeo khẩu trang vải tự chế hoặc dùng khăn che kín mặt ở những nơi công cộng như hiệu thuốc hoặc siêu thị. Mới đây, Jerome Adams – một bác sỹ phẫu thuật Hoa Kỳ cũng giành được rất nhiều sự chú ý sau khi đăng tải video hướng dẫn cách tự may khẩu trang vải trên Twitter.

Trong khi đó, ở những ngày đầu khi dịch Covid-19 mới lây lan tại nước Mỹ, CDC – Trung tâm chăm sóc sức khoẻ và dịch vụ nhân sinh New York từng khuyến cáo người dân không nên đeo khẩu trang ra ngoài trừ khi họ cảm thấy không khoẻ hoặc phải tới bệnh viện chăm sóc người ốm. Tuy nhiên đến nay tình thế đã hoàn toàn đảo lộn khi New York trở thành trung tâm của đỉnh dịch Covid-19 tại Mỹ.

Tham khảo Market Watch

New York thảm kịch nối tiếp thảm kịch: Y tá mặc túi đựng rác thay đồ bảo hộ, nhiều người nhiễm bệnh khi đang làm việc và cơn ác mộng chưa có hồi kết - Ảnh 4.

Hà My

Tổ Quốc

Trở lên trên