[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Lướt sóng bị kẹp T+3, tham lam để rồi mất tiền
Dù đoán biết người ta mua vì nhầm lẫn, cổ phiếu tăng vì nhầm lẫn, nhà đầu tư Võ Văn Đạt vẫn mua theo với kỳ vọng sẽ "ăn dày" nhờ sự nhầm lẫn đó. Tuy nhiên, đầu tư không phải là mơ.
Tác giả Võ Văn Đạt kể câu chuyện tưởng đùa mà mất tiền thật. Không ít nhà đầu tư trên thị trường cũng thế, đoán rằng "có cái gì đó sai sai" trong việc tăng giá bất thường của một cổ phiếu nhưng vẫn lao theo để hy vọng kiếm lời từ cái sai đó.
Mời quý độc giả đọc bài viết Lướt sóng bị kẹp T+3, tham lam để rồi mất tiền và đừng quên gửi bài viết dự thi của mình đến ban biên tập chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Tính đến nay, tôi đã tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam được hơn một năm. Còn tính luôn từ lúc tìm hiểu về chứng khoán là hơn hai năm, vì tôi đã bỏ ra gần một năm để đọc sách và tìm hiểu nó. Trước đó, khi đọc sách "Dạy con làm giàu" tôi rất thích khái niệm về Kim tứ đồ và tôi chọn cho mình hướng đi của một nhà đầu tư, nghĩa là dùng tiền để tạo ra nhiều tiền hơn.
Cái duyên đến với chứng khoán cũng thật ngẫu nhiên. Lần đó, khi tôi còn làm trong công ty về thương mại điện tử, chị giám đốc nhân sự dọn tủ sách và cho tôi gần chục cuốn sách nhiều lĩnh vực nhưng phần lớn là sách về tài chính. Cuốn sách tôi đọc đầu tiên trong số đó là "Nóng lạnh chứng khoán" của tác giả Hải Lý, với tư cách là một nhà báo chuyên ngành tài chính - chứng khoán của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tác giả đã theo sát thời sự để phản ánh những diễn biến đáng chú ý trên thị trường chứng khoán nước ta từ lúc mới hình thành đến giai đoạn phát triển hiện nay. Từ lúc thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa ngày 20/7/2000 đến nay đã trải qua biết bao thăng trầm, những cái tên vang bóng một thời như SAM, REE, GMD... người ta xếp hàng để tranh nhau mua cho bằng được. Đến thời điểm hiện tại, sau những chu kỳ kinh tế dường như trật tự đã thay đổi. Không còn ai nhắc đến những cổ phiếu "vang bóng một thời" nữa, SAM không bao giờ tìm lại "đỉnh" vinh quang.
Cuốn thứ hai tôi đọc là "Bí quyết đầu tư và kinh doanh chứng khoán của tỷ phú Warren Buffett và George Soros" của tác giả Mark Tier. Đây là cuốn sách tôi mê nhất, đọc một mạch vài ngày là hết trơn 407 trang sách. Trường phái đầu tư của tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều từ cuốn sách này, những điều mà tỷ phú Warren Buffett đối với tôi rất thấm. Tôi đã theo phương pháp đầu tư giá trị của ông là chiến lược đầu tư dài hạn. Trường phái này cũng khá hợp với tính cách của tôi, vì tôi không có máu cờ bạc.
Rồi tình cờ một hôm, có cô bạn mới vào làm ở công ty chứng khoán gọi điện thoại rủ tôi tham gia chứng khoán, như "cá gặp nước" thế là tôi quyết định gặp mặt và mở tài khoản ngay. Chưa từng giao dịch chứng khoản ảo trước đó, tôi chỉ nạp vài triệu để tập làm quen các thao tác giao dịch qua mạng. Khi đã quen với cách thức đặt lệnh mua, bán, hủy, đặt giá như thế nào cho khớp.
Vì tiền vốn ít, chiến lược mua cổ phiếu của tôi lúc đó là "thả lưới", mua hơn chục cổ phiếu với số lượng mỗi cổ phiếu rất ít. Đó là cách để tôi trải nghiệm cảm xúc trong thị trường chứng khoán như thế nào khi thị trường giá lên và giá xuống. Có lần gặp lại cô bạn, cố ấy bảo: "Anh nổi tiếng nhất trong công ty em luôn đó", tôi hỏi sao vậy thì cô ấy bảo, môi giới trong công ty em ai cũng ngạc nhiên vì cách mua cổ phiếu lạ đời của anh...
Thời điểm này, thị trường chứng khoán Việt Nam đang xu hướng uptrend (thị trường giá lên), hầu như mua cổ phiếu nào là thắng của cổ phiếu đó bởi vậy tâm lý nhà đầu tư rất hưng phấn. Có rất nhiều thông tin tích cực được đăng tải trên các trang báo, chuyên trang tài chính. Một trong số đó có thông tin về thoái vốn các công ty nhà nước, rất nhiều nhà đầu tư chờ cổ phiếu lên sàn để mua. Thông tin tôi để ý lúc đó là Tổng công ty dầu Việt Nam (OIL) sắp lên sàn đang được rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm và muốn mua lại cổ phần. Sau khi phân tích các thông tin và xem biểu đồ kỹ thuật, tôi phát hiện ra cổ phiếu PVO (Công ty CP dầu nhờn PVOIL) tăng trần 10 ngày liền. Tôi nghĩ là nhiều người đã nhầm lẫn cái tên hai cổ phiếu này vì nó viết tắt giống nhau PVOIL, nên họ đổ xô gom mua với hy vọng khi lên sàn cổ phiếu sẽ còn tăng nữa. Thế là tôi kể lại câu chuyện với cô bạn môi giới sẽ đánh cược game này vì còn 5 ngày nữa cổ phiếu OIL mới lên sàn, ăn T+3 là đủ ấm no.
Tối đó, tôi đặt 3 lệnh cùng số lượng với mức giá khác nhau nằm giữa biên độ giá của phiên hôm sau và yên tâm đi ngủ. Sáng hôm sau, sau giờ mở cửa giao dịch khoảng 15 phút cô ấy gọi điện báo là cổ phiếu PVO tăng gần chạm trần rồi anh ơi, nếu anh đồng ý thì em sửa giá trần để khớp hết nha. Và tôi đồng ý "OK em", câu trả lời đó đã khiến tôi lỗ gần 40% trong thương vụ này. Vì phiên giao dịch hôm đó là ngày cuối cùng mà cổ phiếu PVO tăng trần, những ngày sau đó cổ phiếu này liên tục giảm sàn vì câu chuyện cổ phiếu OIL lên sàn đã dần sáng tỏ. Luật của thị trường chứng khoán Việt Nam là chỉ được bán cổ phiếu sau 3 phiên giao dịch kể từ lúc mua, tức là mức thanh khoản 3 ngày (hay còn gọi là T+3). Sàn UPCOM với biên độ giá bằng 15% giá tham chiếu thì việc nhìn tài khoản của mình bốc hơi từng ngày mà không làm gì được cảm xúc khó tả lắm, rất đau xót. Một lần thất bại mất tiền nhiều hơn tất cả các lần chốt lãi các cổ phiếu trước đó. Cuối cùng tôi cũng đã thoát được hàng và nhận về rất nhiều bài học xương máu.
Biểu đồ giá cổ phiếu PVO.
Đã chọn con đường đầu tư chứng khoán thì hãy xác định lâu dài, không có con đường nào làm giàu nhanh chóng nếu bạn không có đủ nền tảng kiến thức. Vì cơ bản tiền chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác mà thôi. Theo một thống kê chỉ có 5% những người thành công trên thị trường chứng khoán, có nghĩa là tiền của 95% những người còn lại đã vào túi những người thắng cuộc.
Nếu bạn muốn nằm trong top 5% đó thì đừng quên học hỏi và trau dồi kiến thức cho bản thân mình từng ngày. Với những bài học được đút kết:
- Đừng bao giờ để mất tiền vốn. Vì khi đó sức mạnh của bạn sẽ yếu đi, tiền mặt là vua.
- Đừng bao giờ quyết định vội vã nghe theo lời môi giới. Vì quyết định sai bạn sẽ mất tiền, không ai khác cả.
- Đừng đầu tư theo lời các trang tin tức. Vì thông tin bạn nhận được là sau cùng, rất nhiều người đã có thông tin nội bộ trước đó.
- Không nên mua khi giá giảm. Vì cổ phiếu giảm giá đều có lý do của nó, cổ phiếu giảm sâu sẽ rất khó để trở về mức giá cũ nếu giá trị nội tại không tốt.
- Không có con đường làm giàu nhanh nên hãy chậm rãi suy nghĩ và đưa ra quyết định thật nhanh.
- Không đầu tư dàn trải. Nên đầu tư có kiểm soát cảm xúc, chỉ mua cổ phiếu khi thực sự hiểu rõ và quan sát chúng.
- Thời điểm là quan trọng. Hãy bình tĩnh chờ cơ hội đến, không nên mua hết số tiền mặt đang có. Nên đặt ra mục tiêu chốt lời và cắt lỗ từ đầu.
Trí Thức Trẻ