MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Tôi là một "chết đơ"

Việt Nam cũng như thế giới đang ở giai đoạn phát triển trong chu kỳ chứng khoán, dòng tiền thông minh đã luồn lách đến mọi ngóc ngách để tìm kiếm cơ hội. Việc tìm được một cổ phiếu đáp ứng tiêu chí biên an toàn về giá (safe of margin) là vô cùng khó.

Con đường đi tìm một VNM thứ 2 của Việt Nam đã dẫn nhà đầu tư Phạm Thị Mai đến với HPG. Dường như mọi phân tích đều đúng với một cổ phiếu cơ bản tốt nhưng nhà đầu tư Mai đã thua lỗ.

Kính mời quý độc giả đọc bài chia sẻ Tôi là một "chết đơ" của tác giả Phạm Thị Mai và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến ban biên tập chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Tôi đã đọc rất kỹ từng bài viết của các độc giả tham gia cuộc thi "TÔI MẤT TIỀN". Những sai lầm và bài học mà họ rút ra, chúng ta đã thấy đâu đó ở những bài chia sẻ của những nhà đầu tư huyền thoại. Vấn đề là chúng ta đã được cảnh báo hầu như tất cả các sai lầm có thể mắc phải nhưng tránh được hay không lại là chuyện khác. Tâm lý đầu tư của con người là giống nhau. Điều quyết định bạn có khác biệt hay không là sau những lần thực chiến, bạn rút ra bài học gì và kiểm soát chúng ra sao trong những lần sau. Khác với các bài dự thi khác, bài viết của tôi chỉ đơn giản là lời tự sự, là thước phim kể về quá trình khám phá và định vị bản thân từ một "investor" thành một "trader".

Một người thầy của tôi đã bảo: "Sự lặp đi lặp lại của việc đầu tư khiến nó trở nên rất nhàm chán, đến khi nào em chấp nhận được sự nhàm chán này tức là em đã thành công. 95% nhà đầu tư chứng khoán bị thua lỗ, em có cơ hội rất lớn để lấy tiền từ họ". Tuy nhiên, hành trình để đạt được sự "nhàm chán" quả thực không dễ dàng.

Tôi biết đến thị trường chứng khoán một cách rất tình cờ qua cuốn sách mà một người bạn đã tặng: "Cha giàu, cha nghèo". Cuốn sách đã thay đổi tư duy cuộc đời tôi. Từ một cô bé tự cho mình là kém cỏi, tôi đã trở thành người có tham vọng làm giàu và tự do tài chính. Đầu tiên, thông qua câu lạc bộ Cash flow - game về tài chính mà Robert Kiyosaki đã đề cập đến trong cuốn "Cha giàu, cha nghèo", tôi được tiếp cận với thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi tham gia câu lạc bộ, tôi được một chị đầu tư rất thành công giới thiệu một cơ hội tuyệt vời là VNM. 

Hồi đó là sinh viên, tôi phải nhịn ăn sáng để có tiền đi sinh hoạt câu lạc bộ nên việc dành tiền để đầu tư là rất xa vời. Hơn nữa, việc đầu tư lúc chưa có nền tảng kiến thức không khác gì đánh bạc. Hành trình tự học và nghiên cứu chứng khoán của tôi bắt đầu từ đó. Tôi đã đọc đủ các sách dạy đầu tư, sai lầm khi đầu tư chứng khoán, kiểm soát tâm lý trong đầu tư, đọc vị hành vi, cách chọn cổ phiếu tốt và rất nhiều thứ khác mà tôi cho là quan trọng. Cuối năm 2017, tôi tốt nghiệp đại học với tâm thế rất tự tin dấn thân vào thị trường chứng khoán. Từ việc tăng giá bằng lần của cổ phiếu VNM, tôi đã quyết định theo phương pháp "đầu tư tăng trưởng" và cố gắng lục tìm một VNM thứ 2 ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như thế giới đang ở giai đoạn phát triển trong chu kỳ chứng khoán, dòng tiền thông minh đã luồn lách đến mọi ngóc ngách để tìm kiếm cơ hội. Việc tìm được một cổ phiếu đáp ứng tiêu chí biên an toàn về giá (safe of margin) là vô cùng khó. 

HPG đến với tôi sáng và quý như một viên kim cương. Lúc đó là đầu tháng 1/2018, hầu hết các công ty tốt đã có mức P/E >15, thậm chí là 3x. Vậy mà một cổ phiếu tuyệt vời, đáp ứng tất cả các tiêu chí của cổ phiếu dài hạn theo phương pháp CANSLIM như HPG chỉ có P/E dao động xung quanh 9. Công việc của tôi lúc này là chờ HPG điều chỉnh và mua vào. Và cuối cùng cơ hội đã đến, trong đợt điều chỉnh gần 2 tuần hồi đầu tháng 2/2018, phiên càng giảm mạnh tôi càng mua nhiều HPG. Sau đó, HPG cứ thế tăng giá mạnh mẽ và vượt đỉnh cũ. Chưa bao giờ tôi thấy câu :"Hãy tham lam khi người khác sợ hãi" của Warren Buffett lại đúng đến thế. Tiếp sau đó là chuỗi ngày nước ngoài bán ròng HPG, các nhà đầu cơ nhỏ lẻ lúc này cũng thi nhau bán theo vì họ thấy đồ thị kỹ thuật của HPG đang rất xấu. Còn tôi thì nghĩ đơn giản, nước ngoài họ lãi HPG thì việc chốt lời là chuyện bình thường, sẽ có quỹ khác mua và tôi lại tiếp tục mua. Khác với lần trước, lần này HPG trượt dài trong chuỗi ngày giảm giá, có tăng thì chỉ là những phiên bulltrap. Lúc này, hàng loạt các bài phân tích đánh giá HPG không còn hấp dẫn nữa do nhà máy mới đi vào hoạt động chưa full công suất, chi phí khấu hao lớn, chi phí lãi vay lớn, bất động sản dự báo là đạt đỉnh trong năm 2018-2019...Tất cả được hợp lý hóa vào giá. Một người bạn chuyên lướt sóng khuyên tôi bán HPG vì đã gãy trend dài hạn, tức là thời hoàng kim đã hết. Tôi bắt đầu thấy hoang mang và không chắc chắn về những phân tích của mình trước đó. Tôi tìm đến sự trợ giúp của người chị cách đây 3 năm đã khuyến nghị tôi mua VNM. Điều tôi nhận được không phải là quan điểm của chị về HPG mà là những câu hỏi và tôi phải tự trả lời:

1. Lý do em mua HPG là gì? Em đã tìm hiểu đủ kỹ để có niềm tin giữ HPG trong thời gian dài? Giá em mua đã đủ ở mức an toàn để em sẵn sàng mua tiếp khi giảm mạnh?

2. Em sẵn sàng nắm giữ trong bao lâu?

3. Em đầu tư HPG lúc thị trường đang quan tâm hay không quan tâm nó?

4. Em đã thực sự coi HPG như công ty của mình: đi khảo sát thực tế các dự án, khảo sát thị trường, tìm hiểu đối thủ của HPG chưa?

Sau khi viết ra giấy những câu trả lời thì tôi rút ra rằng: "TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ DÀI HẠN NỬA MÙA". Bởi vì:

1. Nhà đầu tư dài hạn sẽ đầu tư vào công ty mà họ không tìm được lý do để không mua. Nhưng thay vì thế, tôi lại cố gắng tìm những luận điểm để mua HPG. Điều này dẫn tới việc tự vẽ ra một bức tranh màu hồng cho doanh nghiệp và không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra.

2. Tôi dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động giá trong ngắn hạn, hay bị sốt ruột khi thị trường chung tăng mà HPG không tăng.

3. "Đúng cổ, sai thời điểm": Thời điểm để mua một cổ phiếu dài hạn là khi thị trường không để ý đến nó, nhưng tôi lại mua lúc đám đông đang rất săn đón nó. Từ những nhà đầu tư lâu năm đến những người mới vào thị trường đều biết đến HPG như là một cổ phiếu hoa hậu, các công ty chứng khoán cũng thi nhau viết báo cáo định giá HPG. Khi thị trường đánh giá tốt thì chính là thời điểm nhà đầu tư dài hạn chốt lời vì đây thường là đỉnh của chu kỳ giá 3-5 năm.

4. Tưởng chừng như tôi đã tìm hiểu rất kỹ HPG nhưng xem xét lại thì tất cả những gì tôi biết về HPG đều là cop nhặt từ những báo cáo phân tích của công ty chứng khoán ABC và các chuyên gia XYZ. Tôi chưa thực sự một lần đọc kỹ bản báo cáo kết quả kinh doanh hay báo cáo thường niên để tìm hiểu về sức khỏe tài chính của HPG. Tôi cũng chưa một lần đi thực tế để biết trên thực tế Hòa Phát phân phối sản phẩn như thế nào, khách hàng đánh giá sản phẩm ra sao... Chính sự không chắc chắn này khiến quan điểm của tôi rất dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.

Trong lúc mất phương hướng về phương pháp đầu tư, tôi đọc được một bài viết có nội dung: "Với một thị trường mất cân bằng về thông tin, tin ra là bán như Việt Nam, P/E thị trường Việt Nam cũng không còn rẻ nữa thì rất khó khăn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm được cổ phiếu nắm giữ dài hạn. Chúng ta chỉ có thể theo dấu chân Bigboys thông qua phân tích kỹ thuật để kiếm lời theo từng nhịp sóng". 

Quan điểm này đã gây không ít tranh cãi, nhưng ít nhất nó đúng với tôi tới thời điểm hiện tại. Nó giúp tôi biết thế nào là cắt lỗ, chốt lời để bảo toàn lãi thay vì cứng đầu ôm lỗ những cổ phiếu tôi chưa thực sự hiểu rõ. Tôi tự nhận thấy bản thân chưa có đầy đủ nguồn lực cũng như kinh nghiệm và cả sự quyết tâm để tiếp cận doanh nghiệp như những nhà đầu tư dài hạn thành công. Có thể họ cho rằng sẽ có ngày tôi "chết đơ" trong cái đống code vớ vẩn ấy. Vì bản chất phân tích kỹ thuật là đầu tư theo tâm lý đám đông, với họ thì đám đông luôn sai. Với tôi, trong thị trường không có đúng có sai, chỉ có lãi và không lãi, phương pháp phù hợp và không phù hợp. Nhưng dù bạn theo phương pháp nào thì cũng cần xây dựng nguyên tắc đầu tư riêng, tuân thủ và hoàn thiện nó hàng ngày để chinh phục được sự "nhàm chán" của đầu tư.

Đầu tư là trò chơi tâm lý, chúc bạn sớm làm chủ được trò chơi này!

Phạm Thị Mai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên