MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Con người cần ký ức nhưng thị trường chứng khoán thì không

Ký ức về giá cổ phiếu là con dao hai lưỡi, khi phát huy rất nhiều hiệu quả trong một nhịp sóng tăng dài hạn, nhưng trong nhịp sóng giảm thì hoàn toàn ngược lại.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xoay vần từng ngày và có thể tốt lên, xấu đi chỉ trong một thời gian ngắn nhưng với nhiều nhà đầu tư, ấn tượng về việc mình từng lãi đậm ở 1 cổ phiếu kéo dài cả chục năm. Những ấn tượng khó xóa đó khiến những đánh giá về cơ hội đầu tư hiện tại trở nên không đúng.

Kính mời quý độc giả đọc bài chia sẻ Con người cần ký ức nhưng thị trường chứng khoán thì không của nhà đầu tư Hồ Ngọc Phương Trầm và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Đối với con người thì kí ức là một phần quan trọng và gắn liền với suy nghĩ cũng như tiềm thức của bản thân. Nhưng còn đối với thị trường chứng khoán thì kí ức có vai trò ra sao, liệu có ảnh hưởng đến quyết định mua bán hay không, khi đa phần nhà đầu tư chúng ta thường mua bán có yếu tố cảm tính và thấy quen thuộc với một số mốc giá cụ thể của các cổ phiếu.

Bài học từ thị trường chứng khoán của tôi cũng như thế, ký ức về giá cổ phiếu là con dao hai lưỡi, khi phát huy rất nhiều hiệu quả trong một nhịp sóng tăng dài hạn, nhưng trong nhịp sóng giảm thì hoàn toàn ngược lại, hay nói rõ hơn đó là việc bắt đáy các cổ phiếu đang trong một nhịp giảm điểm dài hạn.

Trải nghiệm thực tế trong quá trình đầu tư

Có rất nhiều bài học mà nhà đầu tư trải qua trong suốt quá trình đầu tư. Tôi muốn đề cập tới chủ đề ký ức về giá cổ phiếu hay nói đúng hơn là những thành kiến bản thân áp đặt lên thị trường mà tôi đã trải qua trong năm 2018 - một năm chứng khoán biến động mạnh.

Giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018 hòa theo sự hưng phấn về dòng tiền khối ngoại đổ vào thị trường chứng khoán với liên tục các thương vụ IPO thành công doanh nghiệp nhà nước. Tôi cũng với tâm thế tự tin nhờ các thành công nhỏ trong quá khứ. Một viễn cảnh tôi mường tượng ra khi năm 2018 là năm đỉnh điểm thoái vốn nhà nước, câu chuyện nâng hạng thị trường và đặc biệt dòng tiền ngoại không ngừng đổ vào thị trường. Với những câu chuyện hỗ trợ thị trường như vậy thì tôi tin năm 2018 là một năm nhiều triển vọng.

Cuối năm 2017 tôi có tham gia vào hai cổ phiếu VCB và NLG với nhiều lý do khác nhau.

Đầu tiên là cổ phiếu VCB sau khi Chính Phủ thông qua nghị định xử lý nợ xấu. Tôi nhận thấy VCB là ngân hàng đã trích lập gần như hết nợ xấu và là ngân hàng lành mạnh nhất trong nhóm. Nếu như ngân hàng bán các mảnh đất này sẽ ghi nhận vào lợi nhuận tài chính cho doanh nghiệp. Chưa kể ngân hàng còn lên kế hoạch thoái vốn tại các ngân hàng khác để giảm tỷ lệ sở hữu chéo dưới 5% tại MBB, EIB. Đó là câu chuyện về kết quả kinh doanh, còn về thoái vốn và nới room cũng là một kỳ vọng của tôi và thị trường. Với những đánh giá và nhận định như vậy, tôi lựa chọn VCB vào danh mục đầu tư. Tôi liên tục mua và nắm giữ cổ phiếu từ tháng 7/2017 và hưởng được một sóng tăng khá tốt. Tuy nhiên, chính thói quen và kỳ vọng quá mức của bản thân về doanh nghiệp mà phớt lờ đi các tín hiệu của thị trường.

Về cổ phiếu NLG, với việc nhìn nhận chuỗi giá trị ngành sẽ dịch chuyển theo thời gian từ vật liệu xây dựng, xây dựng và cuối cùng là BĐS. Tôi nhận thấy, các doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh thực hiện dự án từ giai đoạn cuối 2014 và đầu 2015, thời điểm bàn giao dự án và ghi nhận lợi nhuận của nhóm ngành này sẽ nằm vào cuối 2017 và năm 2018. Trước đó, lợi nhuận đã dịch chuyển từ nhóm phụ trợ là vậy liệu xây dựng giai đoạn 2014-2015 như NNC, C32, DHA… sau đó tới lượt nhóm trực tiếp là xây dựng với cổ phiếu CTD. Và gần như các cổ phiếu này đều đạt đỉnh trước đó. Do đó, tới cuối 2017 đầu 2018 sẽ là đỉnh điểm nhóm BĐS bàn giao dự án ghi nhận lợi nhuận. Có nhiều doanh nghiệp đã thu tiền theo tiến độ công trình khá chắc chắn. Do đó, tôi quyết định đầu tư vào nhóm BĐS giai đoạn cuối 2017 đầu 2018. Sau khi tìm lọc nhóm này, tôi nhận thấy cổ phiếu NLG thỏa mãn nhiều tiêu chí để thêm vào danh sách lựa chọn cổ phiếu.

Trong quá trình đầu tư cuối năm 2017 và đầu năm 2018 khi Việt Nam là thị trường hút dòng vốn rất nhiều từ khối ngoại, tuy nhiên thị trường bắt đầu xuất hiện các phiên cảnh báo đầu tháng 2 và sau đó tiếp tục tăng lên. Sự hưng phấn đỉnh điểm khi các dự báo P/E thị trường vẫn rẻ và hơn hết rất nhiều báo chí phát đi thông điệp thị trường còn tiếp tục tăng nữa. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường tôi nhận biết được rằng không có bữa tiệc nào là mãi mãi và thị trường sẽ phải giảm điểm. Sau đó, tôi ra ngay giữa tháng 2 và chờ đợi thị trường điều chỉnh. Tuy nhiên, thị trường vẫn không điều chỉnh và xuất hiện nhiều phiên tạo hưng phấn, hút dòng tiền hơn. Sự lạc quan trên các diễn đàn chứng khoán ngày một gia tăng.

Sau đó mãi tới cuối tháng 3 khi Fed tăng lãi suất lần đầu tiên và cũng là lần thứ 7, các thị trường chứng khoán toàn cầu bắt đầu cho thấy xu hướng bán tháo sau nhiều lần chịu đựng kể từ lần tăng đầu tiên tử cuối 2015. Giờ là thời điểm các thị trường bị bán tháo trên toàn cầu. Chứng khoán Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi theo chung xu hướng giảm điểm toàn cầu.

Tôi bắt đầu quan sát thị trường và chờ đợi cơ hội để có thể mua lại những cổ phiếu có điểm rơi lợi nhuận trong năm 2018 như VCB và NLG. Khi thị trường gãy tiếp vùng 1000 điểm về vùng 950 điểm, tôi bắt đầu quan sát nhận thấy những cổ phiếu mất hơn 30% giá trị như VCB, hơn 27% với NLG và rất nhiều cổ phiếu khác giảm trên 30%, lòng tham đã thôi thúc tôi quay trở lại thị trường thời điểm này. Tôi bắt đầu mua thăm dò trở lại thị trường. Tuy nhiên, sau đó thị trường hồi phục 7 phiên liên tiếp không có dấu hiệu chỉnh và cũng nhanh chóng tôi vẫn chưa kịp chốt, thị trường tiếp tục xu hướng giảm điểm sau một ít thời gian đi ngang tích lũy.

Trước đây, trong quá trình đầu tư từ 2013, tôi nhận thấy thị trường đi giống như lý thuyết Dow. Cứ mỗi đợt điều chỉnh của thị trường từ 20%-30%, cộng thêm các phiên rũ hàng lần cuối và dòng tiền quay trở lại thị trường sau các phiên bắt đáy từ T+5 trở đi là tín hiệu cho nhà đầu tư như tôi quay trở lại một trend tăng mới. Mỗi nhịp tăng như vậy luôn tạo được các vùng đỉnh cao mới. Tuy nhiên, một sự khác biệt khá rõ ràng trong lần giảm điểm này là thị trường rớt 30%, các cổ phiếu tiếp tục rớt thêm 20% nữa trước khi hồi phục trở lại. Đợt hồi phục tháng 7 kéo dài 3 tháng trong khi chỉ cần 2 tuần thị trường lại quay lại đáy tháng 7 và điều đặc biệt dòng tiền không có dấu hiệu quay trở lại thị trường như trước kia mà khối ngoại có dấu hiệu rút ròng trên sàn. Sự khác biệt này làm tôi càng suy nghĩ và đặt thêm những câu hỏi về thị trường. Tôi nhận ra có sự thay đổi này không phải ngẫu nhiên mà là sự trùng khớp nhiều yếu tố với đặc điểm chu kỳ nền kinh tế mà mọi người hay nói là chu kỳ kinh tế 10 năm với nhiều dấu hiệu đặc điểm chu kỳ. Điều mà dễ thấy nhất là các cổ phiếu chu kỳ tạo đỉnh tháng 4 mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng nhưng chỉ hồi phục lại được 50% giá trị so với đỉnh cũ.

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Con người cần ký ức nhưng thị trường chứng khoán thì không - Ảnh 1.

Điều rút ra ở hiện tại và xây dựng chiến lược phòng thủ

Trước đây tôi chỉ hình dung ra chu kỳ kinh tế và đoán trước lợi nhuận sẽ dịch chuyển về nhóm cổ phiếu BĐS và ngân hàng ở cuối chu kỳ. Nhưng tôi không ngờ cổ phiếu đã phản ảnh trước thực trạng và tới khi thị trường hồi phục tháng 7 tới tháng 10 sau đó giảm tiếp mặc dù các doanh nghiệp BĐS hay ngân hàng đều ra báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh mà giá chỉ hồi phục lại 50% đỉnh cũ. Điều này càng cũng cố cho tôi về chiến lược phòng thủ. Khi nền kinh tế thuận lợi, những ký ức về đáy cũ, vùng hỗ trợ mạnh cũng như những lần điều chỉnh là cơ hội cho nhà đầu tư như tôi tham gia lại vào thị trường. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi chiến lược này đã không phát huy tác dụng mặc dù doanh nghiệp tôi mua vẫn hoạt động kinh doanh tăng trưởng. Điều tôi nhận thấy ở đây dòng tiền suy yếu và thị trường cần xây dựng một chiến lược tiếp cận khác đi với ưu tiên bảo toàn vốn lên trên hết.

Trước đây, tôi không quan tâm quá lớn tới cổ tức mà chỉ cần doanh nghiệp đúng điểm rơi lợi nhuận, đòn cân nợ cao cũng không phải vấn đề lớn. Sau khi nhìn nhận lại năm 2018 và cũng thấy rõ hơn xu hướng thị trường sắp tới. Tôi chọn những cổ phiếu phòng thủ thay vì tấn công, ưu tiên hoạt động kinh doanh cốt lõi mang dòng tiền ổn định, hoạt động kinh doanh không liên quan chu kỳ và đặc biệt cổ tức những cổ phiếu này phải vượt lãi suất ngân hàng đó là ưu tiên xây dựng chiến lược phòng thủ của tôi trong thời gian sắp tới bởi vì chỉ có các doanh nghiệp như vậy mới giúp tôi có thể vượt qua được giai đoạn mới của thị trường sắp tới.

Kinh nghiệm trong quá trình đầu tư

Ký ức về cổ phiếu rất tốt trong một uptrend dài hạn để nhà đầu tư có thể tận dụng vào các nhịp giảm điểm để tham gia. Tuy nhiên, khi thị trường bước sang một giai đoạn khác, ký ức về cổ phiếu, về các vùng đáy cũ, vùng hỗ trợ mạnh chính là kẻ thù của nhà đầu tư khi tham gia vào các cổ phiếu. Do vậy, tôi nhận ra được việc nên xác định được trend dài hạn và từ đó điều chỉnh chiến lược phù hợp với từng giai đoạn cụ thể của thị trường. Không có một chiến lược nào luôn luôn đúng mà tùy vào từng thời điểm khác nhau và nền kinh tế đang ở đâu trong chu kỳ.

Thông thường nhà đầu tư chúng ta thường thích mua cổ phiếu điều chỉnh giảm về vùng hỗ trợ trước đây tích lũy rồi mua hơn. Tuy nhiên, chiến lược này thường không phát huy hiệu quả bởi chỉ là rẻ mang tính chất tương đối so với giai đoạn trước đó.Việc mua trung bình giá xuống là cách rất nhanh chóng làm cháy tài khoản. Một nhà đầu tư cá nhân như tôi với thông tin hạn chế, khi tôi biết thông tin là thị trường đều biết và giá đã ở một mức quá xa. Chưa kể các thông tin nội gián và ban lãnh đạo cố tình lừa nhà đầu tư bên ngoài. Do đó, tôi không bao giờ bảo thủ nói rằng thị trường sai và tôi đúng. Việc cố tình phớt lờ tín hiệu thị trường và trung bình giá xuống không nên làm trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, khi sai phải biết nhận sai và bảo toàn vốn. Chỉ khi nhà đầu tư còn vốn sẽ còn rất nhiều cơ hội phía trước chờ đợi. Công cuộc đầu tư là sự nghiệp cả đời, chứ không phải là đánh cược hoặc tôi thắng tôi ăn cả và hoặc tôi sai tôi mất hết mà là gia tăng tài sản bền vững theo thời gian từ việc hưởng sức mạnh của lãi kép.

Do đó, tôi muốn đúc kết cũng như chia sẻ lại sau những bài học từ việc thua lỗ trong nửa cuối năm 2018 vừa qua, vừa để nhìn nhận lại những sai lầm vừa để học hỏi lại:

Thứ nhất, việc xác định được xu hướng dài hạn trong năm, ít nhất là 3 tháng có thể giúp chúng ta trong việc mua bán ngắn hạn và hạn chế những sai lầm trong việc bắt đáy cổ phiếu. Không phải lúc nào khi cổ phiếu về vùng giá cũ là mua. Thị trường càng biến động càng mạnh, thị trường càng rủi ro. Trong giai đoạn này, chúng ta không nên mua bán theo ký ức về vùng đáy cũ, vùng hỗ trợ mạnh của các cổ phiếu.

Thứ hai, không nên bình quân giá xuống. Nếu sai phải nhanh chóng cắt lỗ. Đầu tư chứng khoán quan trọng là đi đường dài, chứ không phải nhất thời. Đặc biệt không nên bắt đáy trong các phiên giảm điểm liên tục và đột ngột.

Thứ ba, mỗi chiến lược đầu tư chỉ có hiệu quả ở mỗi thời điểm nhất định. Chúng ta phải linh hoạt, thay đổi và thích nghi theo thị trường, chỉ có vậy mới giảm thiểu rủi ro trong đầu tư.

Hồ Ngọc Phương Trầm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên