[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Nhiều lần cháy tài khoản, tôi nghiệm ra rằng bản lĩnh nhà đầu tư sẽ lộ diện trong sai lầm
Theo nhà đầu tư Lợi, để chiến thắng trên thị trường chứng khoán, phải không ngừng sáng tạo, tức ta phải bổ sung thêm vào quy tắc để nó ngày càng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả đầu tư, ví dụ như tự tìm ra kiểu đầu tư mới, tìm ra cách thức chiến đấu mới để khắc phục triệt để điểm yếu của mình.
- 09-01-2019[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Đừng vay tiền để mua cổ phiếu
- 08-01-2019[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Con người cần ký ức nhưng thị trường chứng khoán thì không
- 07-01-2019[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Mất đơn, mất kép
Cháy tài khoản là từ giới đầu tư sợ nhất, chắc thế bởi thua lỗ thì còn nước, còn tát còn cháy tài khoản rồi thì chẳng còn gì ngoài tinh thần của bản thân để cứu chính mình.
Kính mời quý độc giả đọc bài viết Nhiều lần cháy tài khoản, tôi nghiệm ra rằng bản lĩnh nhà đầu tư sẽ lộ diện trong sai lầm của tác giả Nguyễn Đức Lợi để hiểu được cảm xúc của anh khi nhiều lần cháy tài khoản và học hỏi từ kinh nghiệm đau thương mà anh đã trải qua. Đừng quên gửi bài dự thi của mình cho chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Được biết Cafef tổ chức cuộc thi viết: "TÔI MẤT TIỀN" là một nhà đầu tư cá nhân, bản thân tôi trải qua quá trình tìm hiểu và tham gia thị trường chứng khoán xin chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm cũng như kiến thức tự đúc rút ra khi đã hết lần này đến lần khác cháy tài khoản.
Trước khi chia sẻ quan điểm cá nhân của tôi, đầu tiên tôi xin chúc những bạn đọc thực sự quan tâm, yêu thích và đam mê đầu tư luôn có tinh thần và bản lĩnh để cùng vượt qua những giai đoạn khó khăn của thị trường nói chung và dành niềm vui chiến thắng của bản thân nói riêng.
Ngoài ra cũng xin chúc các bạn hãy mắc thật nhiều sai lầm, được nếm trải cảm giác đau đớn khi nhìn tài khoản cháy bốc khói ngùn ngụt, vì chỉ có trải qua những cái đó thì bản lĩnh và tố chất của nhà đầu tư mới thực sự lộ diện.
Chính cái sự đau đớn khi mất tiền, đổ mồ hôi sôi nước mắt hay chính những đồng tiền dành dụm được từ những hôm thức khuya làm đêm, bóp mồm bóp miệng hay cắn răng mang số tiền lương vừa lĩnh nạp ngay vào tài khoản với một mong ước không chỉ của riêng cá nhân tôi mà của hàng nghìn người: X2,3,... tài khoản.
Nhưng sự thật thì thường phũ phàng, của đau con xót, mất tiền rồi giờ ngẫm lại mới thấy mình mắc phải những sai lầm đến tệ hại, xin phép được chia sẻ với anh chị em như sau (lau nước mắt):
Thứ nhất, phải nói thật với anh chị em rằng "chúng ta chưa đủ lớn"
Khi chúng ta bước vào 1 môi trường mới, ấy là chúng ta là lính mới, là những chú gà con (không phân biệt tuổi tác nhé) sao khôn và tinh ranh bằng những anh chị đã có thâm niên ở thị trường, đã cùng trải qua các giai đoạn của thị trường, cũng ăn uống, ngủ nghỉ điêu đứng vì lõm tài khoản, vì bị lừa bởi truyền thông, tự thấy những niềm tin của mình sai bét vì khi ta thua, độ tự tin giảm xuống rõ rệt. Khi ta đã trót đặt lệnh, và cái lệnh ấy lại tràn đầy quyết tâm đến mức ta còn thay đổi, sửa lệnh, đua giá liên tục khi muốn mua đuổi bằng được em cổ phiếu này khi thấy nó tím, khi thấy nó có thông tin hỗ trợ, vân vân và mây mây. Lỡ đặt lệnh rồi mà t3 hàng mới về, vậy là trong ngày hôm nay nó đỏ (vẫn còn quyết tâm lắm) mai nó đỏ tiếp (bắt đầu cảm thấy hoang mang và phảng phất nỗi tuyệt vọng) ngày kia nó xanh, niềm tin trở lại, cao su thêm 1 tí... thôi quyết tâm giữ hàng cố thủ đến cùng, trong đầu hiện lên, cùng lắm thì...haizz. Nào ai ngờ, nó lại đỏ, kiên định đi, hôm sau lại xanh mà, nhưng rốt cuộc khi đã chìm trong cuộc say chứng như say tình, say rượu rồi thì bất giác ngộ ra thì đã quá muộn. Ta không những bị thị trường, bị chính cái màu xanh đỏ tím vàng kiểm soát tâm lí, vần lên vần xuống như vần mấy chú gà, mà còn phải bắt buộc chấp nhận cái sự thật đau lòng: chúng ta đã mất tiền.
Thứ 2, chúng ta mất tiền do trong quá trình đầu tư chưa cân bằng được cảm xúc, và để các yếu tố xung quanh ảnh hưởng tới việc ra quyết định.
Bất kì ai thành công trong lĩnh vực này đều có cái đầu lạnh, khả năng kiểm soát cảm xúc tốt, ra quyết định đầy dứt khoát nhưng kèm với sự chắc chắn đằng sau đó.
Phải nói rằng chúng ta thường để cảm xúc làm ảnh hưởng đến tâm trí và điều khiển toàn bộ hoạt động của ta. Khi buồn hay khi phẫn nộ, hoặc kể cả vui sướng phấn khích, ấy là khi ta đã bóp méo những điều kiện xung quanh, tự lập trình lại mọi thứ bên ngoài để nó phù hợp với cảm giác ta lúc ấy. Cảm giác tự tin, cái tôi bắt đầu lên cao, ta tự đánh bóng mình bằng cách "tự sướng": lên diễn đàn hô hào gào thét sau vài lần thắng. Rồi khi thất bại liên tiếp, ta lại cảm thấy mình sinh ra không phải để đầu tư, cả thị trường chống lại mình, cơm canh nguội ngắt lại chan nước mắt ai. Rồi ta lại bắt đầu chửi rủa thị trường, cáu gắt với bất kì ai hay cái gì khi ta vừa xem bảng điện xong. Đáng lẽ ra ăn ngon ngủ yên, vợ chồng êm ấm, ai dè lại để cái bảng màu kè kia làm ta thành kẻ giận cá chém thớt. Cũng đến khổ...
Và khi ta rơi vào các trạng thái tâm lí đó, thì đều hết sức nguy hiểm, đặt lệnh nhanh để kiếm lời to hoặc vứt đó và bỏ cuộc, không dám nhìn vào báo cáo tài khoản vì khi nhìn vào rồi lại rụt rè đến ấm ức phát cáu không dám đặt bất kì lệnh nào nữa vì sợ lại sai, vì không dám cắt lỗ vv...nói ra thì dài chung quy lại ta thua vì ta không thoát khỏi "cái tôi" và không chế ngự được chính bản thân ta.
Thứ ba, ta thua vì "tính cách" ta không phù hợp với lối chơi.
Trước tiên để lựa chọn được dạng cổ phiếu nào phù hợp với phong cách của ta trước hết ta phải hiểu sở thích, ghét, sở trường, sở đoản, các giá trị sống của ta. Nếu ta vô tình mà chọn phải những cổ phiếu phù hợp thì tất nhiên là ok rồi, nhưng ngược lại, thì nó sẽ tự mâu thuẫn nhau, tự sinh tự diệt.
Vd như ta thích an toàn, tiêu chí số 1 trong cuộc sống là an toàn, ổn định, và chắc chắn thì dạng cổ phiếu mà ta chọn mặt gửi vàng phải là cổ phiếu đầu tư theo cổ tức và giá ít biến động, tỉ lệ cổ tức/thị giá cao, tầm tư 12-15% là đủ để ta có niềm tin, đầu tư có lời hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.
Hoặc ví dụ ta ưa mạo hiểm, ngay trong thường ngày ta thích xông xáo, náo nhiệt, thích theo trào lưu, thích trải nghiệm và hơi máu cờ bạc thì đầu cơ chọn penny, theo game, nguồn tin nội bộ vv sẽ là hợp lí...
Nhưng lưu ý quan trọng là cái gì cũng có cái giá của nó.
Ngoài ra còn rất rất nhiều sai lầm khác như chưa biết cách phân tích, định giá doanh nghiệp, chưa biết đặt lệnh ra vào hợp lí, chưa có kế hoạch cắt lỗ chốt lãi cụ thể vvv... những lỗi này thường gặp nên các bài trước các anh chị đã chia sẻ, em không nói thêm, mà trên đây là những vấn đề em muốn chia sẻ và bổ sung thêm để mọi người có cái nhìn khách quan toàn diện hơn. Quyết định vẫn ở mọi người mà, không ai làm thay được.
Qua hàng loạt những sai lầm mang tính chất cố hữu đã kể trên, em xin phép mạnh dạn đề ra một số giải pháp cũng như kinh nghiệm sau để nhà đầu tư quản lí và làm chủ được tình hình, không bị rối trước những lần lên xuống bập bùng của thị trường.
Trước hết sau mỗi lần đặt lệnh mua, ta hãy ghi vào sổ và đánh dấu mốc thời gian cụ thể, ghi thêm các điều kiện thị trường tương ứng như yếu tố vĩ mô thời điểm đó, sức khỏe doanh nghiệp, thông tin hỗ trợ (nếu có), yếu tố kĩ thuật (tự ta phân tích đó nhé), và quan trọng nhất là cảm giác của ta lúc đó, lí do tại sao ta đặt lệnh?
Sau đó đến lệnh bán, ta cũng làm tương tự nhưng ghi chú thêm phần lãi lỗ, tương ứng bao nhiêu tiền vào đó.
Cứ như vậy sau 1 cơ số lần, ta đánh dấu lên đồ thị các mốc thời gian tương ứng như vừa rồi đã ghi vào sổ, sau đó đến bước tiếp theo vô cùng quan trọng, đó chính là "quan sát".
Ở bước này bạn hãy dõi theo từng điểm ghi chú trên biểu đồ, đánh dấu những lần thắng màu xanh còn lần thua là màu đỏ. Sau đó hãy tổng hợp những lần bạn thắng thì điều kiện tương ứng lúc đó là gì? Vĩ mô ra sao, tình hình công ty lúc đó thế nào? Yếu tố hỗ trợ có không? Thông tin liên quan đến công ty là gì? Các yếu tố kĩ thuật? Và tâm lí bạn lúc đó?
Sau đó lọc ra những lần bạn thắng mà những điều kiện tương ứng lúc đó giống nhau, từ đó đúc kết ra quy tắc đầu tư của riêng cá nhân(hay còn gọi là bí kíp) và nhất nhất tuân theo nó, tỉ lệ thành công sẽ khá cao vì yếu tố tâm lí và nguyên lí phát triển nó thường lặp đi lặp lại theo chu kì.
Tương tự như vậy với những lần thua để bạn tìm ra những sai lầm của riêng cá nhân mình và khắc phục bằng cách tránh nó ra.
Tôi lấy ví dụ, tôi hay mua cổ phiếu ở những vùng hỗ trợ cứng, mua 1 ít thôi, sau đó quan sát và mua rải ra ở các phiên tiếp theo, mỗi lần 1 ít vì rất có thể thị trường hồi phục giả tạo, hồi phục theo kĩ thuật hoặc hỗn loạn theo kiểu đánh T3 từng được ưa chuộng 1 thời.
Nếu thị trường hồi phục giả tạo (chưa đạt được các yêu cầu về giá và khối lượng) thì bán ngay nếu có hàng về, kể cả ăn non hoặc chưa lỗ.
Nếu thị trường đi lên thì tôi lại tiếp tục mua rải và cũng bán dần khi gần tới các mốc kháng cự cứng.
Ngoài ra phải luôn có 1 danh sách theo dõi các cổ phiếu thuộc danh mục "bộ lạc" của bản thân (phù hợp với tính cách) nhưng nhớ là ít nhất các yếu tố cơ bản phải tốt nhé.
Đánh giá tương quan so sánh về tốc độ tăng, giảm giá của cổ phiếu đó so với thị trường (tính % tăng, giảm rồi so sánh).
Ưu tiên chọn cổ phiếu có tốc độ giảm thấp hơn và tốc độ bật tăng lại nhanh hơn thị trường để đầu tư.
Cuối cùng phải không ngừng sáng tạo, tức ta phải bổ sung thêm vào quy tắc để nó ngày càng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả đầu tư, ví dụ như tự tìm ra kiểu đầu tư mới, tìm ra cách thức chiến đấu mới để khắc phục triệt để điểm yếu của mình, thử chiến thuật mua rải trong 200 ngày xem sao, mỗi ngày mua 1 ít thôi...vv và mây mây, miễn sao cuối cùng các quy tắc vẫn phải là tự bạn lập ra và tuân thủ nó chặt chẽ như là một sự bảo vệ chính chúng ta trước những cơn bốc đồng ẩm ương của thị trường. Hãy like và share nếu bạn đồng cảm với tôi và thích bài viết này, lời chia sẻ chân thành. Chúc các bạn thành công. Thân ái!
Trí Thức Trẻ