Nga phát hiện thêm mỏ dầu thô khổng lồ ở Bắc Cực
Mỏ dầu này có trữ lượng khoảng 82 triệu tấn - được mô tả là loại dầu nhẹ, ít lưu huỳnh và độ nhớt thấp.
- 19-06-2022Thị trường dầu thô đang mắc kẹt trong một 'cơn bão hoàn hảo'
- 15-06-2022Vì sao xuất dầu thô nhiều rồi lại nhập về lọc?
- 09-06-2022Bộ trưởng Năng lượng UAE: Giá dầu thô có thể tiếp tục tăng cao hơn
Công ty Rosneft do nhà nước Nga điều hành xác nhận đã phát hiện một mỏ dầu có trữ lượng 82 triệu tấn ở biển Pechore thuộc Bắc Cực.
Rosneft phát hiện ra mỏ này nhờ một chiến dịch khoan ở khu vực Mendynsko-Varandeysky. "Trong các cuộc thử nghiệm, dòng chảy dầu đo được với tốc độ dòng chảy tối đa là 220 mét khối mỗi ngày", công ty đưa ra tuyên bố vào tuần trước. Họ cũng tiết lộ thêm đây là loại dầu nhẹ, ít lưu huỳnh và có độ nhớt thấp.
Rosneft mô tả phát hiện này chứng minh cho "tiềm năng dầu mỏ rất lớn của khu vực Timan Pechora".
Theo truyền thông Nga, Rosneft có giấy phép kiểm soát 28 khu vực ở ngoài khơi Bắc Cực, 8 trong số đó nằm ở Biển Pechora.
Hồi giữa tháng 6, Rosneft cho biết họ đang tiến hành dự án Vostok Oil ở Bắc Cực – dự án họ mô tả là "duy nhất trên thế giới có thể mang lại tác động ổn định thị trường dầu mỏ".
Theo Rosneft, Vostok sẽ sản xuất khoảng 115 triệu tấn dầu mỗi năm vào năm 2033. Lượng dầu này tương đương 20% tổng sản lượng dầu của Nga trong ănm 2021.
Trong khi các nhà phân tích phương Tây suy đoán Nga không có đủ công nghệ cần thiết để tăng sản lượng dầu, Rosneft không đồng ý với quan điểm này. "Chúng tôi có đủ năng lực, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết và trong những dự án kiểu này, 98% công nghệ sẽ được sản xuất tại Nga", Igor Sechin – người đứng đầu Rosneft cho biết.
Hiện tại, Bắc Cực là một trong những khu vực được quan tâm bậc nhất của các công ty năng lượng toàn cầu. Dữ liệu của Cơ quan giám sát khí hậu Reclaim Finance (Pháp) chỉ ra có đến 599 mỏ dầu và khí đốt giàu tài nguyên ở khu vực Bắc Cực, trong đó mới chỉ có khoảng 220 điểm đã được khai thác.
120 ngân hàng lớn trên toàn cầu đã chi hơn 314 tỷ USD để đầu tư phát triển khai thác tài nguyên ở khu vực Bắc Cực trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020.