Nga vẫn bán dầu ồ dạt dù thiếu tàu chở dầu, nhờ đâu?
Ít nhất 4 siêu tàu chở dầu thuộc sở hữu của Trung Quốc đang vận chuyển dầu thô Urals của Nga đến Trung Quốc trong bối cảnh Moscow tìm kiếm tàu để xuất khẩu dầu.
- 13-01-2023Doanh thu từ dầu khí giảm 1/3, ngân sách Nga bị ảnh hưởng nặng nề, quỹ đầu tư quốc gia sắp cạn kiệt
- 10-01-2023Một tháng sau khi bị áp trần, giá dầu thô chủ lực của Nga chưa bằng 1/2 giá dầu quốc tế
- 09-01-2023Ngốn hàng triệu thùng dầu từ Trung Đông mỗi ngày: Trung Quốc lộ một điểm yếu "chí mạng", phải dựa vào Nga để giảm thiểu rủi ro
Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm tàu chở dầu sau khi lệnh áp trần giá dầu của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hạn chế Moscow sử dụng các dịch vụ vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm của phương Tây.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã tiếp tục mua dầu của Nga bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh về quan hệ đối tác không giới hạn.
Các tàu chở dầu ở tỉnh Giang Tô - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Các nguồn tin cho biết siêu tàu chở dầu thứ 5, tàu chở dầu thô siêu lớn (VLCC), đang vận chuyển dầu thô đến Ấn Độ, quốc gia tương tự Trung Quốc đã tiếp tục mua dầu của Nga được bán với giá chiết khấu khi nhiều bên mua phương Tây chuyển sang các nhà cung cấp khác.
Tất cả 5 chuyến hàng đã được lên kế hoạch từ ngày 22-12-2022 đến ngày 23-1, theo các nguồn tin và dữ liệu theo dõi tàu bằng phần mềm Eikon.
Lệnh áp giá trần đối với dầu Nga của G7 được đưa ra vào tháng 12-2022 cho phép các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển nhưng lại cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trừ khi chúng được bán với giá dưới 60 USD/thùng.
Giám đốc điều hành của một công ty Trung Quốc tham gia vận chuyển các lô hàng dầu Nga cho biết: "Với giá dầu Urals thấp hơn nhiều so với giá trần, hoạt động mua bán dầu Urals về cơ bản là hợp pháp".
Khi Mỹ và các đồng minh cố bóp nghẹt nguồn thu từ năng lượng của Moscow để hạn chế khả năng tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã nhanh chóng chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ từ châu Âu hồi năm ngoái, chủ yếu sang châu Á. Việc sử dụng tàu chở dầu siêu lớn trên các tuyến đường châu Á giờ đây có thể cắt giảm chi phí vận chuyển.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết Ấn Độ sẽ mua dầu từ bất cứ nơi nào có thể đảm bảo mức giá rẻ nhất.
Giám đốc điều hành của công ty Trung Quốc tham gia chuyển dầu Nga ước tính tổng cộng 18 siêu tàu chở dầu của Trung Quốc và 16 tàu cỡ Aframax (có trọng lượng từ 80.000 đến 120.000 tấn) có thể được sử dụng để vận chuyển dầu thô của Nga trong năm 2023, số lượng đủ để vận chuyển 15 triệu tấn mỗi năm, tương đương khoảng 10% tổng lượng dầu Urals xuất khẩu.
Trong khi hầu hết dầu thô của Nga đang hướng đến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ bằng các tàu của Nga hoặc các nước ngoài phương Tây, lệnh trừng phạt của G7 đã gây ra sự thiếu hụt tàu chở dầu phá băng nhỏ mà Nga cần để vận chuyển dầu thô từ các cảng Biển Baltic vào mùa đông.
Theo các thương nhân, Nga và Trung Quốc không có đội tàu phá băng lớn và việc sử dụng các tàu VLCC của Trung Quốc giúp họ vận chuyển dầu dễ dàng từ các cảng Baltic rồi chuyển sang tàu chở dầu lớn hơn ở vùng biển quốc tế.
Người Lao động