MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngấm đòn khủng hoảng, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới của Manulife giảm hơn một nửa, toàn ngành giảm 38% trong nửa đầu năm

21-08-2023 - 15:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngấm đòn khủng hoảng, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới của Manulife giảm hơn một nửa, toàn ngành giảm 38% trong nửa đầu năm

Với việc giảm gần 58%, Manulife đã đánh mất vị trí quán quân về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới vào tay đối thủ đứng kế sau là Prudential, thậm chí còn thấp hơn cả Dai-ichi Life.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 61,2% giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 45% giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2% giảm 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái); Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,7% giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 0,7% giảm 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái; Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 7,4%, giảm 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 6,5%; sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 0,05%; sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm tỷ trọng 0,77%.

Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 13.354.376 hợp đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỉ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (52,3%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (23,2%).

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 15.508 tỷ đồng giảm 38,2 % so với cùng kỳ năm trước.

Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Prudential với 2.741 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 2.046 tỷ đồng, Manulife với 1.976 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 1.912 tỷ đồng và Sun Life với 1.183 tỷ đồng.

Trước đó, dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là Manulife với 4.685 tỷ đồng, Prudential với 4.490 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 3.322 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 2.678 tỷ đồng và MB Ageas với 2.197 tỷ đồng.

Như vậy, với việc giảm gần 58%, Manulife đã đánh mất vị trí quán quân về doanh thu phí khai thác mới vào tay đối thủ đứng kế sau là Prudential, thậm chí còn thấp hơn cả Dai-ichi Life.

Cũng theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 55,2%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,9%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,78%, trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,3%, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,7%, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,05%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,46%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,0004%.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm và thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường cụ thể như sau: Bảo Việt Nhân thọ (16.036 tỷ đồng và 20,6%), Manulife (13.357 tỷ đồng và 17,2%), Prudential (12.842 tỷ đồng và 16,5%), Dai-ichi Life (9.737 tỷ đồng và 12,5%), AIA (7.874 tỷ đồng và 10,1%), FWD (2.611 tỷ đồng và 3,4%), Sun Life (2.361 tỷ đồng và 3,03%), MB Ageas (2.357 tỷ đồng và 3,03% ), Generali (2.122 tỷ đồng và 2,7%), Chubb Life (2.092 tỷ đồng và 2,7%), Hanwha Life (1.908 tỷ đồng và 2,5%), Cathay Life (1.408 tỷ đồng và 1,8%), MVI (1.133 tỷ đồng và 1,46%), BIDV Metlife (792 tỷ đồng và 1,02%), các doanh nghiệp bảo hiểm: FWD Assurance, Mirae Asset Prevoir, Phú Hưng Life, Fubon Life, Shinhan Life (1.199 tỷ đồng và 1,5%).

Trước đó, trong báo cáo mới công bố về Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2023, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết, trong giai đoạn đầu năm 2023, ngành bảo hiểm – “người bảo vệ” giúp khách hàng sẵn sàng ứng phó những giai đoạn khó khăn lại phải đối mặt cuộc khủng hoảng xảy ra với chính mình. Loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam.

Theo Vietnam Report, năm 2023, thị trường Bảo hiểm đã được phen lao đao khi những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Có đến 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report cho rằng việc Xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong năm 2023.

Vietnam Report dẫn thống kê từ các nền tảng mạng xã hội cho thấy, sau khi các thông tin tiêu cực về kênh bancassurance và hai vụ việc tố nhân viên tư vấn sai, thiếu trách nhiệm với khách hàng đã đẩy lượng tin thảo luận về ngành bảo hiểm tăng gấp 15 lần, từ 4,7 nghìn lượt thảo luận/ngày trong năm 2022 lên 73 nghìn lượt thảo luận/ngày vào tháng 4/2023.

Không chỉ dừng lại tăng lượng tin thảo luận, những sự việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ của khách hàng về ngành Bảo hiểm, đẩy chỉ số cảm xúc tiêu cực tăng cao nhất trong 3 năm qua.

Kết quả phân tích cho thấy các cuộc thảo luận về chủ đề bảo hiểm trong năm 2022, cảm xúc chủ đạo của khách hàng đa số là trung tính (chiếm 61,5%) trong khi tiêu cực chỉ có 2,2%. Tuy nhiên, sau khi những sự việc trên liên tiếp xảy ra, chỉ số cảm xúc tiêu cực của khách hàng đã được đẩy lên 54,0% (gấp 19 lần).

"Khi chỉ số cảm xúc tiêu cực tăng cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành bảo hiểm nói chung và DNBH nói riêng, thậm chí có thể làm gia tăng lượng khách hàng muốn hủy hợp đồng bảo hiểm", Vietnam Report đánh giá.

Quốc Thụy

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên