MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng đổi tướng, khách hàng có nên chung thủy?

30-10-2018 - 16:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Chúng tôi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất cần đến hỗ trợ của ngân hàng để hoạt động và phát triển. Và tất nhiên, điều chúng tôi thực sự muốn là quan hệ, đồng hành duy nhất với 1 ngân hàng trong suốt chặng đường của mình. Tuy nhiên, điều này có vẻ không dễ thực hiện...

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của một tác giả xin được giấu tên ở Hà Đông, Hà Nội gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

---------------

Tôi có 2 anh bạn làm kinh doanh, một anh rất "chung thủy" và một anh thì khá "lăng nhăng" trong việc quan hệ với các ngân hàng. Tôi hoàn toàn không có ý gì đến các mối quan hệ khác của các anh nhé.

Anh "chung thủy" gắn bó với duy nhất với 1 ngân hàng lớn từ khi startup. Đấy cũng là ngân hàng đồng hành với anh qua nhiều năm, nhiều cảnh, nhiều phen trong hoạt động kinh doanh. Bản thân anh thấy rất hài lòng với dịch vụ ngân hàng mà anh được cung cấp. Từ gửi tiền, thanh toán, vốn vay, tài trợ thương mại và cho đến những dịch vụ nhỏ lẻ khác. Hoạt động kinh doanh của anh hiệu quả, nên lãi suất vốn vay ngắn hạn anh thấy cũng khá thấp (8 – 8,5% tùy kỳ hạn khoản vay). Mối quan hệ này không làm anh bận lòng cho đến 1 ngày: Lãnh đạo Chi nhánh ngân hàng đổi tướng.

Tướng mới của chi nhánh ngân hàng là một lãnh đạo "có tiếng" trong hệ thống, mối quan hệ rất rộng, mạng lưới khách hàng nhiều, đặc biệt là các khách hàng lớn. Và đương nhiên, hoạt động của chi nhánh theo đó có rất nhiều khởi sắc. Nhưng với anh, thì không khởi sắc tí nào.

XEM THÊM TẤT CẢ CÁC BÀI DỰ THI của cuộc thi viết "Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn tới ước mong" tại đây

Đang là khách hàng được xếp ở mức tương đối VIP, công ty anh giờ được chuyển xuống nhóm khách hàng nhỏ lẻ, và không còn được quan tâm như trước đây.

Đầu tiên, lãi suất có điều chỉnh tăng 0,5% cho tất cả các kỳ hạn. Hoạt động kinh doanh có lãi, với lý do tương đối thuyết phục là lãi suất huy động cuối năm tăng cao, anh chấp nhận.

Tiếp theo, đến tết âm lịch, quay cuồng với lịch công tác, lịch làm việc, chăm sóc khách hàng, anh cứ thấy năm nay có gì đó thiếu thiếu mà chưa nhớ ra là cái gì. Mãi đến ngày cận tết, anh mang giỏ hoa quả đến ngân hàng chúc tết, thì mới phát hiện ra là năm nay mình chưa đi hội nghị khách hàng ở ngân hàng. Và cũng phát hiện thêm nữa là hội nghị vừa được tổ chức mà không có mình. Anh bắt đầu lờ mờ nhận ra có gì đó "sai sai" khi mà gần chục năm liên tục, năm nào anh cũng đi hội nghị này.

Còn không đầy 1 tháng nữa là hết hạn hợp đồng tín dụng hạn mức, mà chưa thấy cán bộ ngân hàng hỏi anh các số liệu trên báo cáo tài chính. Hỏi kế toán trưởng mới biết là các đồng chí cán bộ ngân hàng còn chưa giục công ty gửi hồ sơ. Anh gọi điện cho bạn cán bộ quản lý trực tiếp, thì nhận được câu trả lời " Vâng anh, em biết hợp đồng tín dụng của công ty anh sắp hết hạn, nhưng thú thật với anh, em đang phải xử lý cùng lúc gần chục bộ hồ sơ của các khách hàng mới và khách hàng lớn. Em hứa sẽ cố gắng xem sớm giúp bên anh ạ". 

Anh bắt đầu tính nhẩm, với thủ tục thông thường của cán bộ tín dụng: 1 tuần để các bạn ý đôn đốc hết toàn bộ hồ sơ (báo cáo tài chính kèm chi tiết phát sinh của tất cả các tài khoản, phương án – kế hoạch kinh doanh và vay vốn, các hợp đồng đầu ra đầu vào, vân vân và mây mây) cùng với nghiền ngẫm, tính toán, phân tích số liệu, 03 ngày để hoàn thiện báo cáo thẩm định và trình lãnh đạo chi nhánh, 1 tuần để trình trụ sở chính, 02 ngày để hoàn thiện chứng từ sau phê duyệt, vậy thì nhanh nhất anh vẫn bị chậm mất 1 tuần, đấy là anh chưa tính thời gian là bao giờ các bạn ý bắt tay vào hồ sơ của anh đây và trong quá trình trình bẩm không có gì vướng mắc. 

Sốt ruột, lo lắng cho lô hàng nhập khẩu sắp về, anh quyết định đến gặp lãnh đạo ngân hàng tìm hướng giải quyết. Anh có nhận được một số cam kết, nhưng quả như anh tính, hợp đồng tín dụng của anh bị ngắt quãng 2 tuần hết hiệu lực, và anh bị cắt hợp đồng với 1 đối tác nước ngoài do thanh toán không đúng hạn, bị phạt 40 triệu đồng tiền lưu kho lưu bãi hàng nhập khẩu.

Đến trường hợp này thì anh thấy sai thật, chứ không còn "sai sai" nữa. Sau nữa, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Một số món giải ngân của anh vẫn bị chậm so với thời hạn. Cho đến lúc này anh vẫn rất "chung thủy".

Một ngày, ba thằng chúng tôi đi uống café, chia sẻ chuyện kinh doanh, gia đình và cả …chính trị. Khi nói đến ngân hàng, ông bạn "chung thủy" của tôi như trút được nỗi lòng. Cái thằng "lăng nhăng" nó cười phá lên và bảo:

- Tao bảo mày rồi, chung thủy với vợ thì được, chứ chung thủy với ngân hàng, không ổn đâu. Đầu mày mọc chi chít sừng mà mày chưa nhận ra đấy thôi. Như tao đây này, giao dịch hẳn 3 ngân hàng. Lãi suất có 6,5%/năm. Giá mua USD bao giờ cũng giảm 20 điểm so với giá niêm yết. Chưa kể lần nào tao mua EUR thì còn được giảm tận 100 điểm. Thời gian tái cấp tín dụng hàng năm của các ngân hàng cách nhau 3 – 4 tháng, nên chẳng bao giờ tao phải lo đến việc tắc nghẽn giải ngân. Mà các ông ngân hàng ý, còn giành thị phần giao dịch từ công ty tao, ra sức ưu đãi.

Ông bạn "chung thủy" của tôi như sáng mắt hơn sau chầu café thì phải. Và sau hôm đấy, anh ra quyết định, anh phải "lăng nhăng". Nhưng ngặt một nỗi, sau 10 năm quan hệ duy nhất với 1 ngân hàng, anh đã đem toàn bộ tài sản của gia đình anh để thế chấp vào đây. Để rút dần tài sản sang ngân hàng khác không phải là chuyện ngày một ngày hai. Và tôi biết đó là điều anh đang làm.

Gửi các lãnh đạo ngân hàng:

Chúng tôi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất cần đến hỗ trợ của ngân hàng để hoạt động và phát triển. Và tất nhiên, điều chúng tôi thực sự muốn là quan hệ, đồng hành duy nhất với 1 ngân hàng trong suốt chặng đường của mình. Tuy nhiên, điều này có vẻ không dễ thực hiện, đặc biệt là khi ngân hàng đổi tướng, chính sách có rất nhiều thay đổi. Với quan điểm cá nhân, tôi xin có một vài mong muốn và góp ý sau:

Một, ngân hàng muốn chào đón thêm khách hàng mới, trước hết hãy phục vụ thật tốt lượng khách hàng mà ngân hàng đang có. Không có lời quảng cáo nào hay bằng lời quảng cáo từ người thân hay bạn bè.

Hai, ngân hàng muốn mở rộng quy mô, khi thực sự có đủ nhân lực cho việc phát triển. Cùng với số lượng cán bộ như thế, khó có thể xử lý đúng thời hạn cho số lượng khách hàng tăng đột biến trong thời gian ngắn. Trường hợp đã xử lý xong cho khách hàng mới, cũng khó để tiếp tục duy trì tốc độ xử lý kịp thời cho chính khách hàng này trong quá trình quan hệ lâu dài sau này.

Ba, với khách hàng có quy mô nhỏ và vừa, biên lợi nhuận cao hơn so với các khách hàng lớn, việc duy trì và phát triển nhóm khách hàng này vẫn đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng cũng như tính an toàn khá cao.

Bốn, tăng cường khả năng giữ chân cán bộ giỏi của ngân hàng. Giờ đi vào các phòng làm nghiệp vụ cho vay, tôi thấy đâu đâu cũng toàn gương mặt trẻ măng. Tôi biết tuyển dụng không khó, nhưng giữ người không phải là việc dễ dàng, trong bối cảnh công việc mà dân trong nghề hay gọi nhau là "công nhân ngân hàng" thì việc cán bộ nhảy việc diễn ra rất thường xuyên.

Còn tôi, tôi không "lăng nhăng" nhưng tôi vẫn quan hệ song song với 2 ngân hàng. Ít nhất cũng có ông nọ ông kia để mà so sánh hay dự phòng chứ nhỉ.

Tác giả dự thi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên