Ngân hàng đua nhau vạch ra lộ trình thăng tiến, hứa tăng lương để hút nhân tài
Câu chuyện muốn vào được ngân hàng A hay ngân hàng B phải “chạy” tới cả trăm triệu đồng đã đi vào dĩ vãng.
Cứ khoảng cuối quý 1 hàng năm, các ngân hàng lại đồng loạt triển khai các kế hoạch tuyển dụng. Song một điểm chung là các kế hoạch tuyển dụng lớn ở các ngân hàng phổ biến là tuyển chuyên viên liên quan đến khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Mới ngày hôm nay 23/3, HDBank thông báo tuyển dụng 1.500 nhân sự - đợt tuyển dụng với số lượng lớn nhất trong hệ thống từ đầu năm tới nay.
Ngày 21/3, Ngân hàng ACB cũng công bố kế hoạch tuyển dụng lớn nhất từ trước tới nay của ngân hàng này với 800 chỉ tiêu ngay trong tháng 3 và tháng 4 này, làm việc tại khu vực miền Bắc, miền Trung, TP.HCM và miền Tây Nam Bộ.
Trước đó, ngày 3/3, Sacombank cũng công bố tuyển hơn 1.000 nhân sự, trong đó cần 300 Chuyên viên Tư vấn và Giao dịch viên, 600 Chuyên viên Khách hàng cá nhân, 150 Chuyên viên Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, 20 Chuyên viên Khách hàng doanh nghiệp FDI làm việc tại các Chi nhánh, Phòng giao dịch của Sacombank trên toàn quốc.
Ngoài ra hầu hết các ngân hàng từ lớn đến nhỏ cũng thường xuyên có các đợt tuyển dụng, từ theo tháng cho đến theo quý, song mỗi đợt chỉ tuyển vài đến vài chục người.
Câu chuyện muốn vào được ngân hàng A hay ngân hàng B phải “chạy” tới cả trăm triệu đồng đã trở thành dĩ vãng. Thời ấy, ngân hàng giống như một “chĩnh gạo” mà những “con chuột” có cơ may “sa” vào đều ăn nên làm ra nhờ chế độ đãi ngộ tốt, công việc an nhàn, lương cao, lại được khách hàng “bám riết”.
Vài năm gần đây tình thế đã thay đổi, dù lĩnh vực này vẫn “hot” và là nơi đáng mơ ước của nhiều sinh viên cũng như các bậc phụ huynh song những áp lực nghề nghiệp, những đòi hỏi về nghiệp vụ, chuyên môn cùng sự cạnh tranh khốc liệt với cả trăm nghìn nhân sự ở các ngân hàng bạn thì nghề ngân hàng đã vơi đi hấp dẫn.
Và thay vì ngân hàng kê cao gối chờ đợi nhân viên đến nộp hồ sơ, nay các nhà băng lại phải đua nhau đưa ra các chính sách mời chào hấp dẫn để có được người giỏi.
Như tại ngân hàng VIB từ cuối năm ngoái đã chuyển sang cách tính lương mới cho các chuyên viên kinh doanh dựa theo năng suất lao động. Theo một vị lãnh đạo của ngân hàng này, cách tính lương mới đã giúp thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể, phổ biến là 20-30%, thậm chí có người được tăng gấp đôi nên ai nấy đều hồ hởi.
Còn ở ACB, để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, ngân hàng này đang thực hiện một số thay đổi về chính sách nhân sự như thiết kế lộ trình thăng tiến phù hợp cho từng vị trí hoặc từng cá nhân; đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu, nâng cao kiến thức cho nhân viên với các chuyên gia đầu ngành; điều chỉnh mức lương không thấp hơn thị trường cùng các khoản thưởng hợp lý khác tương xứng với sự đóng góp.
Ở Sacombank, ngân hàng đưa ra cam kết khi trở thành nhân viên của Sacombank, ngoài mức thu nhập ổn định, các ứng viên còn được hưởng lương thưởng kinh doanh; được đào tạo chuyên nghiệp với lộ trình và cơ hội thăng tiến minh bạch (99% cán bộ quản lý của Sacombank đều được quy hoạch từ Chuyên viên/Nhân viên).
VPBank thì cam kết mức thu nhập hấp dẫn và cạnh tranh so với các ngân hàng khác, nhiều cơ hội thăng tiến vì ngân hàng đánh giá hiệu quả làm việc 2 lần/năm và xem xét điều chỉnh lương định kỳ mỗi năm 1 lần.
Nhiều ngân hàng ngoài chính sách lương thưởng và cơ hội thăng tiến còn có thêm chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, dùng thẻ không mất phí, có chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện…để tăng thêm tính hấp dẫn trước các ứng viên.
Không chỉ với các chỉ tiêu nhân viên chính thức mà ngay cả với các chương trình thực tập sinh tiềm năng các ngân hàng đang triển khai như Techcombank, Sacombank, HDBank…, họ cũng đưa ra những cam kết hấp dẫn ứng viên như được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có cơ hội trở thành nhân viên chính thức…thậm chí như Techcombank còn cho biết có tới 60% nhân sự mới mà họ tuyển dụng hàng năm là những sinh viên mới ra trường.
Nhận xét về vấn đề nhân sự hiện nay, đặc biệt là nhân sự mảng bán lẻ ở các ngân hàng, Th.S Trịnh Minh Thảo cho rằng, rõ ràng vấn đề làm đau đầu các ngân hàng thời gian qua đó là nhân sự bán lẻ luôn thiếu và biến động. Dự kiến trong năm 2017 các ngân hàng vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự bán để tăng năng lực phân phối. Và ông nhận xét, một chính sách nhân sự để thu hút và giữ chân cũng như quy trình đào tạo bài bản để cải thiện kỹ năng là những mục tiêu quan trọng.
“Kinh nghiệm cho thấy, đối với mảng bán lẻ, một chính sách KPI và lương kinh doanh có tính tạo động lực cao và môi trường làm việc nhiều cơ hội thăng tiến là rất cần thiết. Ngân hàng nào có đầy đủ hai yếu tố này sẽ là thỏi nam châm thu hút lực lượng bán hàng giỏi và tâm huyết năm 2017”, ông Thảo nói.
Theo báo cáo được mạng nghề nghiệp Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố ngày 22/3 cho thấy trong top 10 nơi đáng làm việc nhất ở Việt Nam năm 2016 có 1 cái tên trong lĩnh vực ngân hàng tài chính đó là Vietcombank.
Còn hạng mục doanh nghiệp có nguồn nhân lực hạnh phúc với các tiêu chí đánh giá sự gắn kết cả về tình cảm và lý trí của người lao động với doanh nghiệp, từ đó họ sẽ nỗ lực tự nguyện giúp công ty thành công và cam kết gắn bó cũng có tên 1 ngân hàng đó là VPBank.