MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng lãi lớn để làm gì?

17-04-2019 - 16:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều ngân hàng lãi lớn, nhưng hàng loạt trường hợp xin không trả cổ tức hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu năm nay.

Câu lạc bộ nghìn tỷ

Nối tiếp năm 2017, 2018 tiếp tục được coi là một năm kinh doanh thành công đối với ngành ngân hàng khi hàng loạt nhà băng ghi nhận kết quả khả quan, lợi nhuận tăng trưởng tốt so với năm trước.

Thống kê tại 25 ngân hàng công bố báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, có tới 21 ngân hàng (tương đương 84%) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, trong đó, có tới 16 nhà băng góp mặt trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ.

Với lợi thế về tài sản, quy mô, Vietcombank vẫn đang giữ vị trí quán quân với mức lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 lên tới 18.269 tỷ đồng, tăng trưởng 61% so với năm 2017, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, vị trí thứ hai lần đầu có sự xuất hiện của một ngân hàng tư nhân. Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đạt 10.661 tỷ đồng, tăng 32,7% so với năm trước. Đây cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên đạt được con số này.

Đứng ở vị trí thứ ba và thứ tư là BIDV và VPBank với mức lợi nhuận đạt được lần lượt là 9.473 tỷ đồng (tăng 9,3%) và 9.200 tỷ đồng (tăng 13%).

Các ngân hàng như MBBank, Agribank cũng đều ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục năm qua với mức lần lượt 7.767 tỷ đồng và 7.525 tỷ đồng.

Tiếp tục nói không với cổ tức bằng tiền

Sau một năm kinh doanh khả quan, ắt hẳn nhiều cổ đông đang thấp thỏm chờ tin vui cổ tức.

Tuy nhiên, năm nay, có lẽ họ sẽ tiếp tục thất vọng khi hàng loạt nhà băng xin không trả cổ tức hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Lý do được đưa ra là để nâng cao năng lực tài chính và đảm bảo tuân thủ, đáp ứng các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

ACB là một ví dụ. Trong năm 2017, ngân hàng đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% và sang năm 2018, ngân hàng sẽ trình cổ đông tiếp tục thông qua kế hoạch chi cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% và con số này sang năm 19 dự kiến là 20%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức mới đây, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) cũng đã thông qua phương án chia cổ tức với tỷ lệ 16% bằng cổ phiếu.

Theo lãnh đạo NamABank, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là nhằm tăng vốn điều lệ, tăng năng lực tài chính cho ngân hàng. Hiện tại, vốn điều lệ của ngân hàng này mới vỏn vẹn 3.350 tỷ đồng.

Hay ngay cả “vua cổ tức tiền mặt” thời gian qua là HDBank năm nay lần đầu tiên sau nhiều năm kể từ sau sáp nhập DaiABank có trả cổ tức cũng đã dự kiến chỉ trả hoàn toàn bằng cổ phiếu (10%).

Trong khi đó, cũng từ nhu cầu bổ sung vốn, một loạt các nhà băng khác quyết định giữ lại lợi nhuận và không chia cổ tức như Techcombank, VPBank hay Kienlongbank…

Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 1/2019, CAR của toàn hệ thống tiếp tục sụt giảm khi chỉ ở mức 11,57%, so với mức 12,14% hồi cuối năm 2018.

Trong đó, CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục ở mức thấp nhất, đạt 9,31%, so với mức 9,52% 1 tháng trước đó. CAR nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm từ mức 11,24% xuống còn 10,56%.

Điều đáng nói, đó là con số có được nếu áp dụng tính CAR theo chuẩn hiện tại. Còn nếu áp dụng theo chuẩn Basel II, thì rất nhiều ngân hàng đang dưới chuẩn.

Rõ ràng, việc tăng vốn đang là nhu cầu hết sức bức thiết khi thời hạn áp dụng chuẩn Basel II đang gần kề. Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước với quy định chính thức áp dụng tiêu chuẩn vốn này cũng chỉ còn 7 tháng nữa có hiệu lực.

Trong khi đó, trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng lần lượt đưa ra nhiều dự thảo thông tư mới, theo hướng siết lại các tiêu chuẩn an toàn hệ thống.

Trong đó, đáng chú ý là dự thảo thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo dự thảo này, các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.

Điều này cũng có nghĩa, nếu thông tư được thông qua, thì việc chia cổ tức sẽ không chỉ xuất phát từ mong muốn chủ quan của các ông chủ nhà băng, mà sẽ còn bị chi phối bởi quy định chính thức.

Thống kê từ 24 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 cho thấy, đến cuối năm 2018, có tới 19 ngân hàng vẫn còn trái phiếu đặc biệt của VAMC, với tổng giá trị lên tới 126,7 nghìn tỷ đồng.

Thực tế, việc ngân hàng xin “hoãn” trả cổ tức hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu không còn là điều mới lạ trong những năm gần đây. Và với những đòi hỏi tất yếu của lĩnh vực đặc biệt cùng những quy định mới, dự báo tình trạng lợi nhuận được giữ lại sẽ vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên