MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nào sẽ gặp khó khăn trong việc tăng vốn đáp ứng Basel II?

17-01-2018 - 08:25 AM | Tài chính - ngân hàng

CAR của các NHTM cổ phần tham gia thí điểm Basel II, gồm ACB, VPB, MBB, TCB, VIB, và MSB luôn ở mức rất cao. Do vậy, các ngân hàng này có thể sẽ không gặp nhiều trở ngại đối với lộ trình trên. Ngược lại, sẽ có một số ngân hàng sẽ gặp khó khăn vấn đề này.

Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo cập nhật mới đây về ngành ngân hàng của CTCK Rồng Việt (VDSC). Theo đó, thực hiện Basel II từ năm 2019 đối với 10 ngân hàng tham gia thí điểm và từ năm 2020 đối với các ngân hàng còn lại.

Từ cuối năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, 10 ngân hàng tham gia thí điểm Basel II phải chính thức áp dụng CAR theo quy chuẩn của Thông tư 41 (được xem là tiệm cận Basel II), và đến năm 2020 thì toàn bộ ngân hàng còn lại phải áp dụng CAR theo Thông tư này.

Chỉ tiêu an toàn vốn (CAR) tại thời điểm cuối quý 2/2017 giảm nhẹ so với cuối năm 2016 do tín dụng tăng trưởng mạnh. Tỷ lệ CAR phân hóa khá rõ giữa nhóm ngân hàng quốc doanh và NHTM cổ phần ngoài quốc doanh. Theo đó, CAR của các NHTM cổ phần tham gia thí điểm Basel II, gồm ACB, VPB, MBB, TCB, VIB, và MSB luôn ở mức rất cao. Do vậy, các ngân hàng này có thể sẽ không gặp nhiều trở ngại đối với lộ trình trên.

Ngược lại, CAR của VCB xấp xỉ 10% và CAR của BID và CTG thấp hơn 10%. Như vậy, các ngân hàng quốc doanh sẽ phải chạy đua trong việc tăng vốn để có thể đáp ứng được lộ trình trên. Kết quả là tiềm năng tăng trưởng cũng như rủi ro pha loãng trong khoảng 2-3 năm tiếp theo sẽ tương đối lớn ở các ngân hàng quốc doanh.

VCB với chất lượng tài sản tốt và danh mục cho vay được quản lý chặt chẽ, trích lập dự phòng rủi ro cao, thì chúng tôi cho rằng áp lực pha loãng sau khi tăng vốn của VCB sẽ không quá lớn.

Theo VDSC, sau khi xuất hiện thông tin BID đã ký biên bản ghi nhớ với Hana Bank (Hàn Quốc) thì thị trường đang kỳ vọng rằng ngân hàng này sẽ là đối tác chiến lược của BID trong tương lai gần. Nếu thương vụ này thành công, một mặt có thể dẫn đến rủi ro pha loãng, song đồng thời mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực cho ngân hàng như là sự cải thiện đáng kể về vốn cấp 1, hỗ trợ về mặt quản trị và công nghệ từ đối tác chiến lược.

Trong ba ngân hàng quốc doanh đang niêm yết, CTG là ngân hàng sẽ khó có khả năng tăng vốn nhất bởi lẽ tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại CTG đã giảm về mức tối thiểu theo quy định (~65%). Việc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu cũng khó khả thi khi mà Nhà nước chủ trương sẽ không đầu tư thêm vào ngành ngân hàng. Giải pháp hiện tại đối với tăng năng lực vốn tự có cho CTG là trả cổ tức bằng cổ phiếu, phương án này đã được Chính phủ đề cập trong phiên họp thường kỳ đầu năm 2017 và kỳ vọng sẽ được hiện thực hóa và phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết, nhằm đảm bảo quyền chi phối của NHNN.

Bên cạnh phát hành riêng lẻ, trả cổ tức bằng cổ phiếu, VDSC nhận thấy các ngân hàng cũng đang cơ cấu danh mục đầu tư nhằm tăng vốn tự có. Bởi lẽ đầu tư vào các TCTD khác và công ty bảo hiểm là các khoản mục phải loại khỏi tính toán vốn tự có cấp 1. Điển hình là VCB thoái vốn tại các TCTD và công ty tài chính tiêu dùng khác, hay CTG thoái vốn bảo hiểm Aviva. Đối với VCB, ước tính vốn cập 1 của ngân hàng có thể tăng lên hơn 12% sau khi tất thoái vốn các TCTD khác.

Theo Linh Nga

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên