Ngân hàng NCB thay đổi hàng loạt nhân sự chủ chốt
Ngân hàng Quốc Dân công bố một thành viên mới trong Hội đồng quản trị, song cũng có 3 thành viên thôi nhiệm trong đó có đương nhiệm Tổng giám đốc.
- 27-04-2019NCB tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2019
- 20-02-2019NCB chào bán 199 triệu cổ phiếu tăng vốn
- 23-01-2019Lợi nhuận trước thuế của NCB năm 2018 tăng gấp 3 lần 2017, đạt 91 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã chứng khoán NVB) vừa công bố thay đổi nhân sự chủ chốt.
Theo đó, ông Vũ Hồng Nam (sinh năm 1967), bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1978) và ông Lê Hồng Phương (sinh năm 1976) cùng thôi đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị NCB kể từ ngày 26/4/2019.
Trong khi đó, ông Phạm Thế Hiệp sinh năm 1969 được bầu đảm trách thành viên Hội đồng quản trị kể từ ngày 26/4.
Theo dữ liệu của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai là thành viên HĐQT ở NCB từ năm 2010 tới 26/4/2019. Trong giai đoạn này, bà Mai có thời điểm làm Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khách hàng VIP NCB. Bà Nguyễn Thị Mai là Cử nhân Kế toán Đại học Thương mại. Bên cạnh đó, Bà còn tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành và có các chứng chỉ về "Quản lý rủi ro Tài chính", Chứng chỉ CFO...
Ông Vũ Hồng Nam cũng là thành viên HĐQT khá nhiều năm ở NCB. Ông là Cử nhân Khoa học ngành Vật lý tại Liên Xô. Trước khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc dân Ông Vũ Hồng Nam từng làm việc nhiều năm ở các vị trí quản lý cao cấp về tài chính, quản lý quỹ.
Ông Lê Hồng Phương về công tác tại NCB từ năm 2015, trước đó ở ngân hàng VietinBank. Ông Phương được HĐQT giao đảm trách hoạt động hợp tác quốc tế và trực tiếp điều hành dự án lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài mà NCB đã ký kết với đối tác tư vấn quốc tế từ đầu năm 2017. Từ thời điểm tháng 10/2017 đến nay, ông Lê Hồng Phương là Tổng giám đốc của NCB.
Trong một diễn biến khác, tại đại hội cổ đông thường niên 2019 hôm 26/4 của NCB, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị NCB cho biết, J Trust - tập đoàn tài chính Nhật Bản - từng có ý định trở thành cổ đông chiến lược của NCB. Tại phiên họp thường niên năm 2018, hai đại diện của tổ chức này đã có mặt và khẳng định thương vụ đầu tư "sắp hoàn tất". Tuy nhiên, đến đầu năm nay, tập đoàn này lại cho biết ý định tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam, trong đó có nguyện vọng đầu tư vào Ngân hàng Xây dựng (VNCB), thay vì NCB.
Trí Thức Trẻ