MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt vi phạm

02-09-2017 - 20:28 PM | Tài chính - ngân hàng

NHNN cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này với các giải pháp và lộ trình nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.

Chiều 1-9, Thanh tra Chính phủ đã thông báo Kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Theo đó, công tác giám sát từ xa của NHNN chưa tổng hợp và phân tích sâu sắc các báo cáo của tổ chức tín dụng để đánh giá chính xác các nội dung: diễn biến về cơ cấu tài sản nợ và tài sản có; chất lượng tài sản có; vốn tự có; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh; việc thực hiện quy định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác.

Chất lượng công tác giám sát từ xa chưa cao trong việc phát hiện các tiềm ẩn rủi ro, chưa đánh giá nguy cơ tiềm ẩn đối với các tổ chức tín dụng; chưa phát huy được hiệu quả của vai trò cảnh báo hệ thống...

Trước những thông tin này, phía NHNN đã chính thức lên tiếng.

Cụ thể, liên quan đến Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ ngày 01/9/2017, NHNN sẽ nghiêm túc thực hiện đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này với các giải pháp và lộ trình nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254) và Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Đề án 843).

Trong quá trình xây dựng, triển khai và tổng kết Đề án 254 và Đề án 843, NHNN đánh giá hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng đã góp phần vào kết quả của hoạt động ngân hàng trong thời gian qua như: (i) Sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và từng bước được cải thiện; (ii) Không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước; (iii) Hệ thống các TCTD được cơ cấu lại một bước cơ bản; (iv) Hoàn thiện một bước quan trọng khuôn khổ pháp lý về an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu; (v) Quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo.

Tuy nhiên, NHNN cũng thẳng thắn nhìn nhận một cách khách quan, trong thời gian qua, hoạt động thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như (i) Khuôn khổ pháp lý, pháp quy về thanh tra, giám sát ngân hàng, an toàn hoạt động ngân hàng chưa đầy đủ và đồng bộ; (ii) Khả năng phát hiện và cảnh báo sớm, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế; (iii) Chất lượng, số lượng, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng còn một số tồn tại, hạn chế, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng; (iv) Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn chưa đáp ứng được yêu cầu và chuẩn mực quốc tế; (v) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn bất cập.

Để khắc phục những tồn tại, yếu kém của ngành Ngân hàng nói chung và hoạt động thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng nói riêng đã được NHNN nhận diện cũng như các khuyết điểm được Thanh tra Chính phủ đề cập trong quá trình thực hiện thanh tra tại NHNN, trên tinh thần đánh giá khách quan, thẳng thắn về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, NHNN đã báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Bộ chính trị Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án (Đề án 1058). Hiện nay, NHNN đã, đang và sẽ triển khai các giải pháp và lộ trình được nêu trong Đề án 1058 một cách tích cực, chủ động, trách nhiệm và đúng pháp luật.

Cụ thể, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy về thanh tra, giám sát ngân hàng, an toàn hoạt động ngân hàng để đảm bảo đầy đủ và đồng bộ. Theo đó, NHNN đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; Tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH4 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42); NHNN ban hành: Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của NHNN về việc thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058; Thông tư số 36/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành Ngân hàng; Thông tư số 08/2017/TT-NHNN ngày 01/8/2017 quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng; đồng thời đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện để ban hành các quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng; xếp hạng các tổ chức tín dụng; các quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng phù hợp, tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế… Đặc biệt trong thời gian tới, NHNN tiếp tục tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng để hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Tăng cường sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa NHNN và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng;

Nâng cao khả năng cảnh báo sớm của NHNN đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành Ngân hàng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Nâng cao chất lượng, số lượng và năng lực, đạo đức thực thi công vụ của đội ngũ thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng để đáp ứng với tốc độ phát triển của hệ thống tài chính-ngân hàng trong bối cảnh mới.

Đổi mới công tác giám sát theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác giám sát phải gắn chặt với công tác thanh tra, cấp phép và ban hành chế độ, chính sách;

Đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra toàn diện, pháp nhân TCTD, phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD; kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng, tiến tới áp dụng phương pháp dựa trên cơ sở rủi ro theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế;

Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với tình hình mới;

Tăng cường công tác giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm và rủi ro gây mất ổn định; Thực hiện giám sát rủi ro ngân hàng, phân tích, đo lường rủi ro để từ đó cảnh báo sớm các rủi ro, nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động;

Giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD; đề xuất các giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình cơ cấu lại các TCTD.

"Một số giải pháp nêu trên đã được NHNN chủ động, cầu thị thực hiện trong quá trình Thanh tra Chính phủ tiến hành hoạt động thanh tra tại NHNN. Hiện nay, toàn bộ các giải pháp tại Đề án 1058 đã, đang và sẽ được NHNN triển khai quyết liệt theo đúng lộ trình, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh, hội nhập quốc tế của ngành Ngân hàng", phía NHNN cho hay.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên