MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước siết “kỷ luật ăn kiêng”

03-10-2019 - 20:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt “kỷ luật ăn kiêng”, thể hiện rõ trong can thiệp thị trường liên tiếp những phiên đầu tuần này.

Chốt giao dịch hôm nay (3/10), lại thêm một phiên nữa thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước duy trì mức độ hút bớt tiền về với quy mô lớn. Quy mô chào thầu lên tới 18.000 tỷ đồng bắt đầu quen thuộc trong hoạt động đấu thầu trên thị trường mở.

Cụ thể, trong các giai đoạn hay thời điểm, tùy thuộc vào trạng thái dư thừa hoặc thiếu hụt vốn ngắn hạn của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ chào thầu tín phiếu để hút bớt tiền về hoặc cho vay cầm cố để hỗ trợ nguồn.

Từ cuối tháng 9/2019 đến nay, thị trường mở liên tiếp ghi nhận dày kín các phiên Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu ngắn hạn (7 ngày) để hút bớt tiền về, quy mô hút về mỗi phiên được nâng dần từ 12.000 tỷ lên 15.000 tỷ đồng, và từ đầu tuần đến nay ghi nhận mức độ đã lên tới 18.000 tỷ đồng/phiên.

Đáng chú ý, hầu hết tất cả các phiên vừa qua lượng tín phiếu đưa ra đều được các tổ chức tín dụng hấp thụ hết gần như toàn bộ.

Với kỳ hạn ngắn, sau 7 ngày, lượng tín phiếu mỗi phiên như vậy đáo hạn, nên hoạt động phát hành nói trên diễn ra liên tục để gối đầu lượng vốn hút về.

Nhưng về tổng thể, quy mô hút bớt về đó rất lớn, với số dư tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành hiện đã vượt mốc 80.000 tỷ đồng - quy mô lớn vượt trội trong những năm gần đây xét tại cùng thời điểm trong năm.

Như năm 2018, cũng tại thời điểm đầu tháng 10, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên phát hành tín phiếu hút bớt tiền về, nhưng quy mô khi đó chỉ quanh 3.000 tỷ đồng/phiên; số dư khá lớn nhưng chỉ hơn 60.000 tỷ đồng.

Hay đầu tháng 10 năm 2017, quy mô phát hành chủ yếu quanh 5.000 tỷ đồng/phiên; số dư khi đó chỉ khoảng hơn 23.000 tỷ đồng.

Nếu nhìn lại những năm gần đây như vậy, hoạt động điều tiết trên không có yếu tố bất thường về thời điểm. Khác biệt thể hiện ở lượng hút về lớn hơn, yếu tố kỷ luật điều tiết chặt hơn khi mà áp lực bình ổn lãi suất, bơm thêm tiền ra thị trường tưởng như có thể nới lỏng (nhất là đặt trong bối cảnh chính sách nới lỏng thể hiện rõ trên thế giới).

Trong cả ba mốc thời điểm đầu tháng 10/2017, 10/2018 và đầu tháng 10/2019 hiện nay, điểm chung của hoạt động trên đều gắn với việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ.

Tại họp báo quý III đầu tuần này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức xác nhận, vừa qua cơ quan này tiếp tục mua ròng ngoại tệ và dự trữ ngoại hối quốc gia đã được nâng lên kỷ lục mới với khoảng 70 tỷ USD.

Theo đó, trong thời gian ngắn gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng ngoại tệ khá lớn, đồng nghĩa với lượng tiền cung ứng đáng kể. Và như trên, nhà điều hành lập tức hút bớt tiền đồng về để trung hòa lượng cung ứng đó.

Điểm được chú ý nữa, sau khi giảm lãi suất tín phiếu từ 2,75%/năm xuống 2,5%/năm, mức thấp hơn những vẫn thu hút tốt nguồn vốn của các tổ chức tín dụng gửi vào (để hút về).

Nói cách khác, khi tổ chức tín dụng dư thừa vốn ngắn hạn, họ có thể cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Nhưng khi dư thừa lớn hoặc thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng xuống thấp, nếu xuống thấp hơn mốc 2,5%/năm đó thì họ có thể chuyển sang mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước để vừa an toàn gần như tuyệt đối vừa có lợi hơn.

Thực tế cũng cho thấy, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vừa qua và cho đến cuối tuần trước liên tục giảm mạnh và sâu. Lãi suất VND qua đêm thậm chí chỉ còn khoảng 1,74%/năm và thấp hơn lãi suất USD trên cùng thị trường ở cùng kỳ hạn so sánh.

Nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước gia tăng quy mô phát hành tín phiếu, thêm lược cầu có lãi suất 2,5%/năm, lãi suất VND liên ngân hàng đã được kéo trở lại, nhỉnh cao hơn so với lãi suất USD. Đây cũng là một điểm cân đối chênh lệch lãi suất để gián tiếp cân đối tỷ giá.

Và như đã thể hiện qua 9 tháng đầu năm, cũng như dự tính của lãnh đạo chuyên trách của Chính phủ công bố vừa qua, năm nay nhiều khả năng tiếp tục kiểm soát lạm phát ở mức thấp.

Nhưng, như trên, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang thể hiện kỷ luật hơn trong điều tiết nguồn tiền cung ứng. Dù ở một khía cạnh, liên tục phát hành tín phiếu với khối lượng số dư lớn, chi phí cũng là đáng kể với lãi suất 2,5%/năm đó.

Theo Minh Đức

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên