Ngân hàng Nhật Bản tạm lãi 11.000 tỷ đồng sau 5 năm đầu tư vào Vietcombank
Cả ba ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và Eximbank đều có cổ đông chiến lược là các ngân hàng Nhật Bản. Tuy nhiên chỉ có Vietcombank là mang lại thành công về mặt tài chính cho cổ đông chiến lược của mình.
- 14-07-2016Thử giải mã “hiện tượng” cổ phiếu ngân hàng Vietcombank, VietinBank
- 14-07-2016Sau gần 9 năm, những người tranh mua IPO Vietcombank với giá 108.000 đồng đã có lãi
- 10-01-2012VCB đã hoàn tất bán 15% cổ phần cho Mizuho, thu về hơn 11.800 tỷ đồng
Cuối năm 2011, gần 4 năm kể từ thời điểm IPO, ngân hàng Vietcombank (VCB) đã chính thức chốt cổ đông chiến lược là ngân hàng Mizuho đến từ Nhật Bản. Theo đó, Mizuho sẽ mua 15% cổ phần của Vietcombank với mức giá 34.000 đồng/cp - mức giá khá hời cho Vietcombank khi nó cao hơn 40-50% so với thị giá cổ phiếu VCB tại thời điểm đó.
Tổng cộng Mizuho đã chi ra hơn 11.800 tỷ đồng (567 triệu USD) để trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank kèm điều khoản hạn chế chuyển nhượng 5 năm.
Đây là thương vụ mua bán cổ phần có giá trị lớn nhất tại thời điểm đó nhưng kỷ lục này đã bị phá vỡ chỉ 1 năm sau đó khi Vietinbank bán 20% cổ phần cho một ngân hàng Nhật Bản khác là Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU), thu về 15.500 tỷ đồng (743 triệu USD).
Mizuho đã mua cổ phiếu VCB với giá cao hơn rất nhiều thị giá ở thời điểm phát hành. Đến tận đầu năm 2015, giá VCB mới về mức giá mà Mizuho đã mua.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ tài chính thì khoản đầu tư của Mizuho đạt được hiệu quả cao hơn BTMU rất nhiều.
Nhờ giá cổ phiếu Vietcombank tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay, hiện 15% cổ phần Vietcombank mà Mizuho đang nắm giữ có trị giá 22.400 tỷ đồng, tức xấp xỉ 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, Mizuho còn nhận về 400 tỷ đồng cổ tức tiền mặt.
Tức Mizuho đang tạm lãi 11.000 tỷ đồng (gần 100%) sau gần 5 năm đầu tư. Đây là kết quả rất ấn tượng khi mà đến tận đầu năm 2015, giá cổ phiếu VCB vẫn còn thấp hơn mức giá Mizuho đã mua.
Trong khi đó, sau gần 4 năm nắm giữ, BTMU thậm chí còn bị giảm giá trị. Lượng cổ phiếu CTG mà ngân hàng đang nắm giữ có trị giá 13.900 tỷ đồng. BTMU cũng đã nhận về 2.500 tỷ đồng cổ tức nhưng cũng đồng thời chi ra 1.000 tỷ để mua cổ phiếu phát hành thêm.
Một ngân hàng Nhật Bản khác là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) cũng đang nắm giữ 15% cổ phần của Eximbank (EIB). SMBC rót 225 triệu USD vào Eximbank từ năm 2008 nhưng tính theo giá trị thị trường thì số cổ phiếu SMBC đang nắm giữ có giá trị chưa đến 100 triệu USD.
Trí Thức Trẻ