Ngân hàng Trung ương nhiều nước chuẩn bị chạy đua kích thích tăng trưởng kinh tế?
Các chính sách nhắm đến việc thổi thêm sinh khí mới vào tăng trưởng kinh tế chứ không phải ngăn kinh tế sụp đổ. Và hiện chưa rõ liệu các công cụ của Ngân hàng Trung ương nhiều nước liệu có đủ.
Ngân hàng Trung ương nhiều nước trên thế giới nhiều khả năng sẽ tung ra hàng loạt biện pháp kích thích tiền tệ mạnh tay nhất tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 1 thập kỷ, theo Wall Street Journal.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 10/7/2019, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói: “Chúng tôi nhận thấy kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, chúng tôi cam kết sẽ sử dụng các công cụ chính sách để giúp duy trì việc đó”.
Trong biên bản cuộc họp vào tháng 6/2019, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã gửi đi tín hiệu rõ ràng, theo đó giới chức đồng thuận rằng họ cần phải sẵn sàng và chuẩn bị cho việc giảm lãi suất cũng như khôi phục lại chương trình mua tài sản để có thêm các gói kích thích kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương nhiều nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã hạ lãi suất, trong đó phải kể đến Ngân hàng Trung ương Australia, New Zealand, Ấn Độ, Malaysia và Philippines. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Indonesia hạ lãi suất trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nam Phi cũng đưa ra quyết định tương tự.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia, ông Philip Lowe, khẳng định: “Những yếu tố bất ổn có nguyên nhân từ tranh chấp thương mại và công nghệ đang tác động xấu đến đầu tư, điều đó đồng nghĩa rủi ro suy giảm với kinh tế toàn cầu đang tồn tại”.
Chủ tịch Fed và nhiều quan chức khác thuộc Fed đã nhấn mạnh rằng đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ kéo dài 1 thập kỷ vẫn vững vàng thế nhưng đối diện với không ít rủi ro khi mà kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và bất ổn liên quan đến chính sách thương mại.
Biên bản cuộc họp tháng 6/2019 của Fed cho thấy nhiều dấu hiệu về khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, trong đó phải kể đến việc số lượng đơn đặt hàng thấp, dự báo lợi nhuận doanh nghiệp tư nhân suy giảm từ nhóm các chuyên gia phân tích, hoạt động sản xuất sụt giảm cũng như doanh số hàng hóa xuất khẩu Mỹ yếu đi. Việc hạ lãi suất là cần thiết để ngăn triển vọng kinh tế ngày một xấu đi.
Thế nhưng chiến lược này bộc lộ không ít rủi ro. Khi mà lãi suất chính sách tại Mỹ vốn đã thấp, lãi suất ở Nhật dưới 0%, châu Âu cũng tương tự, việc tung ra thêm gói kích thích kinh tế sẽ có thể tạo ra thêm nhiều bất ổn trong lĩnh vực bất động sản và nhiều thị trường tài sản khác.
BizLIVE