Ngân hàng từng thắng lớn từ Brexit: Sắp tới là thời của USD
Theo Julius Baer, bây giờ là thời của đồng bạc xanh. Trong 3 tháng tới đồng tiền này sẽ tăng giá mạnh.
- 03-06-2016Đồng USD giảm sâu sau báo cáo việc làm tệ nhất kể từ 2010
- 19-03-2016Vì sao gọi đồng tiền của Mỹ là USD?
- 16-03-2016Cú lội ngược dòng của đồng USD
Đối với các chiến lược gia tiền tệ, Brexit và đồng bảng Anh là chủ đề duy nhất của toàn bộ quý II. Còn ở thời điểm hiện tại, sự trỗi dậy của đồng USD là điều họ quan tâm nhất.
Trong bảng xếp hạng các nhà đầu tư tiền tệ của Bloomberg, Julius Baer là cái tên đứng đầu danh sách hoạt động hiệu quả nhất vì họ đã dự đoán chính xác về đà lao dốc của đồng bảng trước thềm cuộc trưng cầu dân ý của người Anh. Ngân hàng này cũng đoán được đồng yên sẽ tăng vọt vì trở thành hầm trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư tránh bão.
Tuy nhiên, theo Julius Baer, bây giờ là thời của đồng bạc xanh. Trong 3 tháng tới đồng tiền này sẽ tăng giá mạnh.
Julius Baer đặt cược vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. David Kohl, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối của Julius Baer, cho rằng kinh tế Mỹ sẽ hồi phục trở lại sau 1,5 năm nữa. Các nhà đầu tư trên thị trường tương lai đang đánh giá quá thấp về triển vọng Fed nâng lãi suất và điều này sẽ giúp đồng USD hồi phục mạnh mẽ sau khi có 6 tháng đầu năm tệ nhất kể từ năm 2011.
Kohl dự đoán đến cuối quý III đồng euro sẽ giảm hơn 2%, xuống còn 1,08 USD đổi 1 euro so với mức 1,11 USD của phiên 5/7. Yên Nhật – đồng tiền vừa có 6 tháng đầu năm tốt nhất kể từ 1995 – được dự báo sẽ giảm 4%, xuống còn 106 yên đổi 1 USD.
Julius Baer là một trong những tổ chức bi quan nhất về đồng bảng, dự báo đến ngày 30/9 đồng tiền này sẽ giảm xuống chỉ còn 1,16 USD, tức giảm thêm 10% so với đáy 31 năm được lập hôm nay. Thậm chí Kohl nhận định khi năm 2016 kết thúc 1 bảng chỉ có thể đổi được 1,16 USD.
Ngân hàng Imperial Bank of Commerce cũng dự báo đồng bạc xanh sẽ hồi phục trong quý III. CIBC cho rằng lực đẩy sẽ là sự đối lập trong chính sách tiền tệ của Mỹ và phần còn lại của thế giới bao gồm Anh, eurozone và Nhật Bản. Dù Brexit khiến xác suất Fed nâng lãi suất giảm mạnh, về dài hạn thì Fed vẫn đi theo con đường thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi các NHTW khác trên thế giới vẫn phải tìm đủ mọi cách nới lỏng chính sách để hồi phục nền kinh tế.
“Đồng USD sẽ là kẻ hưởng lợi từ những bất ổn hiện nay. Đến cuối quý này euro sẽ chỉ còn 1,06 – 1,07 USD”, Jeremy Stretch – chiến lược gia đến từ CIBC nhận định.
Kinh tế Mỹ hiện đang hoạt động tốt hơn so với phần lớn các nước phát triển khác, với GDP dự kiến sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay so với mức trung bình 1,5% của nhóm G8. Theo nhiều chuyên gia phân tích, đây chính là yếu tố khiến đồng USD trở thành một trong những nơi tốt nhất để đầu tư trong môi trường đầy rủi ro bất ổn hiện nay.