Ngân hàng và đích đến Basel II
Áp dụng Basel II là yêu cầu tất yếu đối với các NHTM tại Việt Nam và theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41), kể từ 1/1/2020, các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.
- 28-08-2019“Ông lớn” ngân hàng ngậm ngùi đi sau trong cuộc đua Basel II
- 27-08-2019Ngân hàng Bản Việt trình NHNN cho áp dụng Basel II sớm
- 25-07-2019Ngân hàng Bản Việt lãi gần 50 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong quý 3 sẽ trình NHNN cho áp dụng Basel II
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc triển khai Basel II cũng giúp ngân hàng nâng cao uy tín, và có cơ hội được cơ quan điều hành tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tăng trưởng tín dụng cũng như mở rộng mạng lưới. Chính bởi thế, mà không chỉ với những nhà băng được thí điểm triển khai, mà hầu hết các ngân hàng đều đang rất nỗ lực để có thể tiệm cận được tiêu chuẩn của Basel II.
Hiện đã có 9 nhà băng được NHNN công nhận đáp ứng chuẩn này là Vietcombank, VIB, OCB, ACB, MB, TPBank, VPBank, Techcombank, MSB, trong đó có 2 cái tên không nằm trong danh sách 10 ngân hàng thí điểm là OCB và TPBank.
Ngoài 9 ngân hàng này, mới đây Viet Capital Bank thông báo đã trình NHNN cho phép áp dụng Basel II sớm hơn dự kiến vào cuối quý III/2019. Việc tính toán mức độ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II đã hoàn tất ở mức độ triển khai dự án, hiện nhà băng này tiếp tục triển khai các mô hình đánh giá an toàn vốn nội bộ ICAAP theo yêu cầu của Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Trước đó vào tháng 7/2019, Viet Capital Bank và đối tác tư vấn KPMG đưa vào đánh giá nghiệm thu theo quy trình kiểm định quốc tế và quyết định đưa mô hình vận hành chính thức từ đầu tháng 8/2019.
Sacombank đầu tháng 7 vừa qua cũng đã ký kết với Công ty TNHH PwC (Việt Nam) khởi động dự án “Nâng cấp mô hình định giá và xây dựng mô hình tính toán vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường” với mục tiêu hoàn thiện năng lực quản trị rủi ro, tạo nền tảng cho phép nhà băng này tuân thủ các quy định của NHNN và tăng tốc lộ trình tiến tới áp dụng Basel II, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2020. NCB trong tháng 6 cũng đã ký kết hợp đồng với Liên danh Blackice và Raffles Việt Nam để triển khai Dự án Thông tư 41 và Basel II.
Tuy nhiên, với diễn biến hiện nay, không loại trừ trường hợp có ngân hàng không tuân thủ được Thông tư 41 theo đúng thời hạn đã được đặt ra là đầu năm 2020. Bởi theo TS.LS Bùi Quang Tín, trong Basel II có ba trụ cột, trong đó trụ cột khó nhất đối với các ngân hàng Việt Nam hiện nay là hệ số an toàn vốn (CAR). Có thể tăng vốn trong điều kiện thị trường chứng khoán hiện nay càng khó. Trường hợp ngân hàng có thể bán vốn cho nhà đầu tư ngoại cũng là cả một câu chuyện không đơn giản.
Ngoài ra, để đáp ứng CAR đòi hỏi ngân hàng phải điều chỉnh, cơ cấu lại danh mục cấp tín dụng, nhất là trong bối cảnh khi NHNN ngày càng nâng hệ số rủi ro trong cho vay kinh doanh bất động sản - vốn là “món hời” tạo lợi nhuận cho ngân hàng.
Thiết nghĩ, về việc tăng vốn, các ngân hàng có thể thực hiện đa dạng các giải pháp để tăng vốn với thời gian thực hiện khác nhau. Nhưng chuyên gia cho rằng quan trọng chính là sử dụng phần vốn tăng được như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chuyên gia này cũng chia sẻ, cái khó không phải chỉ nằm ở tổng vốn hay tổng tài sản mà là vấn đề làm sao để tính toán được theo chuẩn Thông tư 41 là cực khó. Tổng tài sản có rủi ro xét tới cả rủi ro thị trường là loại rủi ro rất khó để đo lường, đây là một hàm số đa biến. Việc tính cả rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường cũng sẽ đặt ra cho ngân hàng bài toán làm thế nào để kiểm soát hai danh mục này, đặc biệt là danh mục trading là nơi tiềm ẩn rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng đối tác.
“Công nghệ thông tin phải thế nào, dữ liệu phải được lọc ra sao, chưa đảm bảo được chất lượng trong xây dựng các mô hình đo lường rủi ro và thiết lập các hệ thống báo cáo quản trị phục vụ giám sát rủi ro và ra các quyết định kinh doanh chính là điểm nghẽn gây khó khăn cho các ngân hàng”, ông Tín cho biết.
Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận thấy ngoài công thức tính thì vấn đề rất lớn nằm ở việc các ngân hàng phải thu thập những dữ liệu về cho vay của mình trong nhiều năm trước đó, từ đó mới có thể đưa ra xác suất vỡ nợ cho khách hàng. Nếu dữ liệu không thống nhất trong những năm trước thì vấn đề thu thập dữ liệu để tính một xác suất vỡ nợ là rất khó cho các ngân hàng, đặc biệt với các nhà băng có quy mô nhỏ bởi dữ liệu của họ không đầy đủ, việc phân loại nợ không thống nhất.
“Ở đây không phải là phân loại nợ xấu, mà là phân loại theo lĩnh vực không được đồng nhất. Ví dụ như ở thời điểm này món nợ được định là bất động sản, nhưng tại thời điểm khác là không phải dẫn tới khi thu thập không có độ chính xác cao”, ông Hiếu cho hay.
Thực tế, ở không ít ngân hàng tại Việt Nam, dữ liệu còn chủ yếu ở dạng hồ sơ bản giấy, chưa được hệ thống hóa bằng phần mềm, hay cập nhật khi lưu trên các hệ thống khác nhau.
Bên cạnh Thông tư 41, các ngân hàng cũng cần chú trọng tới Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng. Trong đó đòi hỏi các ngân hàng phải xây dựng hệ thống quản lý rủi ro từ hội đồng quản trị tới ban điều hành, các cấp của một tổ chức, xây dựng ba phòng tuyến đề phòng rủi ro.
Nói thêm về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc MB nhận định, việc ứng dụng công nghệ là yêu cầu then chốt trong công tác quản trị rủi ro hiện đại. Tuyên ngôn khẩu vị rủi ro toàn ngân hàng cần được văn bản hóa để định hướng hoạt động kinh doanh phù hợp với mục tiêu và chiến lược kinh doanh của nhà băng, củng cố và nâng cao văn hóa quản trị rủi ro tới toàn thể cán bộ nhân viên.
Ông Il Dong Kwon - Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn Oliver Wyman cũng nhận thấy trong quá trình đánh giá vốn an toàn nội bộ, việc giám sát của hội đồng quản trị và lãnh đạo là vô cùng quan trọng khi phải hiểu rõ bản chất và mức độ của tất cả các rủi ro trọng yếu mà ngân hàng hiện đang đối diện để đưa ra những giải pháp, thiết lập chính sách và quy trình hài hoà giữa lợi nhuận và rủi ro.
Thời báo ngân hàng