MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Việt đang muốn giành lại "mảnh đất màu mỡ" từ các tổ chức quốc tế

12-04-2016 - 09:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường kiều hối được đánh giá là miếng bánh màu mỡ có nhiều tiềm năng để phát triển tuy nhiên lợi nhuận chính từ thị trường này lại đang thuộc về các tổ chức quốc tế.

Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã xin ý kiến cổ đông thành lập công ty kiều hối với kỳ vọng chuyển tiền kiều hối là dịch vụ có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia nhận kiều hối cao nhất thế giới và lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng trưởng trong nhiều năm gần đây.

Nguyên nhân do lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông và định cư tại nhiều quốc gia, vũng lãnh thổ trên thế giới; trong đó lượng người đi lao động xuất khẩu chiếm tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, nhà nước có nhiều chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư, cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tê, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc bán cho ngân hàng.

Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), trước tiềm năng thị trường lớn, lợi nhuận chính từ thị trường đang thuộc về các tổ chức quốc tế. Các hình thức giao dịch với khách hàng chủ yếu diễn ra tại quầy, hình thức trực tuyến 100% chưa được chú trọng khai thác.

Hiện nay một số ngân hàng đã có công ty kiều hối, ví dụ như VietinBank đã sớm thành lập Công ty THHH MTV Chuyển tiền toàn cầu và ngân hàng Đông Á thành lập Công ty Kiều hối Đông Á,..

Năm nay, Đại hội đồng cổ đông của BacABank cũng đã thông qua kế hoạch thành lập Công ty TNHH MTV Kiều hối Bắc Á với số vốn điều lệ 77 tỷ đồng. Theo ngân hàng, việc thành lập công ty này là cần thiết nhằm khai thác tiềm năng to lớn của thị trường. Công ty sẽ cung cấp dịch vụ chuyển kiều hối về Việt Nam theo hình thức online và offline, trong đó online sẽ chiếm vai trò chủ đạo.

"Tư tưởng lớn" gặp nhau, nhìn ra yếu tố tiềm năng từ thị trường này, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) năm nay cũng xin ý kiến cổ đông về việc thành lập Công ty chuyển tiền quốc tế ngân hàng Phương Đông với vốn điều lệ ban đầu là 25 tỷ đồng. Công ty này sẽ thu hút nguồn tiền kiều hối chính thức để gửi về Việt Nam, giúp bổ sung nguồn ngoại tệ.

Theo dự kiến của ngân hàng này, hoạt động của Công ty chuyển tiền Quốc tế Ngân hàng Phương Đông sẽ hiệu quả thông qua khoản doanh số có được dự tính năm 2016 là 2.160 tỷ đồng, năm 2017 là 4.131 tỷ đồng và năm 2018 là 6.885 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo phân tích của giới quan sát, không phải ngân hàng cũng sẽ được phép thành lập công ty kiều hối vào thời điểm nay. Vừa qua, tháng 1/2016, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những quy định theo hướng thắt chặt hơn việc thành lập và hoạt động công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng.

Ngân hàng phải có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh trong 2 năm gần nhất có lãi, tỉ lệ nợ quá hạn dưới 3%; không vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động... mới được thành lập công ty kiều hối. Đây là những điều kiện mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong văn bản hợp nhất, quy định về thành lập và hoạt động công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng mới được ban hành.

Ngoài ra, ngân hàng xin thành lập công ty kiều hối trực thuộc phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ, có bộ máy quản trị điều hành và hệ thống kiểm tra nội bộ hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải đảm bảo số vốn điều lệ thực có sau khi trừ đi số vốn đã cấp cho công ty trực thuộc.

Như vậy, sau làn sóng đua nhau thâu tóm, mua lại, hoặc thành lập công ty tài chính, liệu sắp tới các ngân hàng có tạo thành một "trào lưu" mới - đổ xô thành lập công ty kiều hối.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên