Ngân hàng Việt đang xử lý yêu cầu từng được ước định 20 tỷ USD như thế nào?
Thị trường đón thêm một ngân hàng thương mại nữa nhập cuộc, trong hành trình đáp ứng yêu cầu từng được ước định cần tới 20 tỷ USD.
- 23-04-2019Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: ACB đã được chấp thuận áp dụng Basel II
- 22-04-2019Basel II: Hoãn rồi sẽ hoãn mãi?
- 17-04-2019Thêm VPBank được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II
Ngày 3/5, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định về việc Ngân hàng Á Châu (ACB) được áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN từ tháng 5/2019.
Theo đó, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam tiếp tục đón thêm thành viên đáp ứng được chuẩn mực Basel 2 (phương pháp tiêu chuẩn) trước thời hạn (so với mốc 01/01/2020).
Tính đến thời điểm này, hệ thống đã có 7 thành viên thực hiện được, gồm: Vietcombank, VIB, OCB, MB, VPBank, TPBank và ACB. Một số ứng viên khác đã nộp hồ sơ về Ngân hàng Nhà nước và đang chờ thẩm định để có thể nhập cuộc trước hạn.
Như vậy, từ tháng 11/2018 đến nay, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đã bước vào thực hiện quá trình đáp ứng tiêu chuẩn mới trong an toàn hoạt động, một quá trình từng được ước định cần tới 20 tỷ USD.
Cụ thể, trung tuần tháng 9/2018, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings công bố một bản báo cáo đánh giá về nhu cầu vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó, Fitch đánh giá hệ thống này có thể phải đối mặt với mức thiếu hụt vốn gần 20 tỷ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng việc triển khai tiêu chuẩn Basel 2.
Cũng ở báo cáo trên, Fitch cho rằng các ngân hàng có thể đẩy mạnh phát hành tăng vốn, điều này có thể cải thiện hồ sơ tín dụng của các ngân hàng được xếp hạng nếu tăng vốn thành công. Tuy nhiên, thị trường vốn trong nước thiếu chiều sâu có thể là rào cản cho việc này, đặc biệt khi một số ngân hàng có sở hữu nước ngoài đã gần tới mức giới hạn.
Như vậy, chưa đầy một năm sau báo cáo của Fitch, ít nhất 7 ngân hàng thương mại Việt Nam đã bước đầu xử lý yêu cầu trong quy mô dự kiến 20 tỷ USD nói trên. Dù mới chỉ 1/4 về số lượng thành viên trong hệ thống thực hiện được, nhưng đây là những thành viên có quy mô hoạt động lớn và thị phần lớn.
Ngoài ra, hiện có một số ngân hàng thương mại khác có quy mô lớn như Techcombank, HDBank, MSB… cũng đã khẳng định sẵn sàng áp dụng Basel 2 trước hạn, theo thông tin cập nhật tại mùa đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 4 vừa qua.
Để đáp ứng “yêu cầu 20 tỷ USD” nói trên, trong năm 2018 và 2019, ngoại trừ một số thành viên đang thực hiện tái cơ cấu, hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đều đã và đang triển khai các kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ; một số trường hợp đã quyết định giữ lại lợi nhuận và không chia cổ tức để bổ sung nguồn vốn hoạt động…
Cá biệt, thay vì đáp ứng bằng tăng vốn điều lệ, do đặc thù giới hạn mô hình sau cổ phần hóa, VietinBank vừa qua đã chọn giải pháp thoái bớt tín dụng, cơ cấu lại tài sản để chuẩn bị cho việc áp dụng Basel 2.
Hoặc những năm gần đây, một số ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank cũng đã phát hành lượng lớn trái phiếu có kỳ hạn dài để nâng vốn cấp 2, cũng là một trong những giải pháp để đáp ứng yêu cầu trên. Nhưng đây là giải pháp tình thế và ngắn hạn.
Với sự phân hóa trong hệ thống, việc đáp ứng được tiêu chuẩn Basel 2 đúng thời hạn, đặc biệt là về yêu cầu đủ vốn, hiện vẫn là ẩn số đối nhiều thành viên trong hệ thống, nhất là với những trường hợp đang tái cơ cấu, đang được hưởng một số cơ chế hỗ trợ trong giãn lộ trình xử lý nợ xấu và thoái lãi dự thu…
Đó cũng là ẩn số lớn nhất trong kết quả cuối cùng thực hiện yêu cầu mà Fitch từng ước định lên tới 20 tỷ USD nói trên.
Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel 2. Đến 2025, tất cả ngân hàng thương mại áp dụng Basel 2 theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel 2 theo phương pháp nâng cao.
BizLive