Ngân hàng xin tăng vốn mùa họp cổ đông
Nhiều nhà băng có kế hoạch tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu quỹ hoặc chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ. Việc tăng vốn giúp ngân hàng nâng cao hệ số an toàn vốn, tạo tiền đề tăng trưởng tín dụng.
- 16-03-2021Cổ đông ngân hàng thụ động đón mùa cổ tức mới
- 15-03-2021SHB dự kiến chia 20,5% cổ tức cho năm 2019 và 2020
- 15-03-2021Nhiều ngân hàng dự kiến chia cổ tức khủng trong năm nay
Từ đầu tháng 3, một số ngân hàng bắt đầu phát đi thông báo mời cổ đông họp thường niên 2021. BIDV là đơn vị đầu tiên trong ngành tổ chức họp, trong khi MSB, SHB, ACB… cũng đã công bố một số nội dung và tờ trình.
Nâng vốn điều lệ tiếp tục là vấn đề được nhiều nhà băng chú trọng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng phải đi cùng đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) với Basel II. Hệ số CAR nhiều ngân hàng đang ở mức an toàn, nhưng nếu không tăng vốn điều lệ, chỉ tiêu này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro tăng lên trong tương lai. Khi đó, việc mở rộng hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế.
Vừa qua, BIDV được thông qua kế hoạch nâng vốn điều lệ năm 2021 thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%. Ngân hàng sẽ phát hành 488,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và 2020. Bên cạnh đó, ngân hàng dự kiến chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ thêm 341,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 8,4%.
Tại phiên họp thường niên ngày 24/3 sắp tới, MSB cũng trình cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, CAR của MSB ở mức 10,6%, cao hơn con số 8% theo yêu cầu của Thông tư 41/2016. Nhà băng này đã hoàn thành 3 trụ cột của Basel II trước thời hạn và đang hướng tới các chuẩn mực của Basel III.
Các ngân hàng trình việc tăng vốn điều lệ tới cổ đông. Ảnh: Bảo Linh.
Kế hoạch 5 năm, ngân hàng dự kiến tăng trưởng vốn điều lệ bình quân 8%/năm và sẽ đạt hơn 17.300 tỷ đồng vào năm 2024, nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế để lại mỗi năm. Năm 2021, ngân hàng dự kiến trình cổ tức tỷ lệ 15%. Bên cạnh đó, MSB cũng để ngỏ khả năng tìm kiếm, huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. CEO Nguyễn Hoàng Linh từng chia sẻ lộ trình nâng vốn điều lệ đã được ban lãnh đạo tính toán nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, mở rộng quy mô và phát triển của ngân hàng.Nhà băng này vừa hoàn thành chào bán 82,5 triệu cổ phiếu quỹ, ước tính thu về hơn 950 tỷ đồng, bổ sung vốn chủ sở hữu và dùng nguồn tiền đầu tư cho các dự án công nghệ. Trên thị trường, cổ phiếu MSB quanh giá 21.900 đồng/cp, tăng 46% so với giá chào sàn HoSE.
Ngoài MSB, SHB dự kiến sẽ trình cổ đông chia cổ tức tổng tỷ lệ 20,5% gồm cổ tức 2019 tỷ lệ 10% và năm 2020 tỷ lệ 10,5%. Sau khi thành công, ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ lên gần 21.300 tỷ đồng. Năm trước, nhà băng này cũng tăng vốn từ 12.036 tỷ đồng lên 17.558 tỷ đồng.
ACB cũng có kế hoạch chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 21.615 tỷ đồng lên 27.019 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý III. Ngân hàng cũng dự kiến năm sau sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%.
VIB cũng trình cổ đông phương án tăng vốn, gồm chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 40% và chào bán thêm tối đa gần 46,6 triệu cổ phiếu. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ sẽ tăng từ hơn 11.000 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng.
Cuối năm trước, VietinBank được thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gần 48.000 tỷ đồng, bằng việc phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ gần 28,8%. Một số ngân hàng khác như HDBank, OCB, VIB… cũng sẽ trình kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định nâng vốn điều lệ giúp ngân hàng tăng bộ đệm thanh khoản, qua đó ứng phó tốt hơn với rủi ro tiềm ẩn dịch bệnh. Ngân hàng có vốn chủ sở hữu dồi dào sẽ trụ vững. Các nhà băng cần tăng vốn để gia cố bộ đệm và chia cổ tức bằng cổ phiếu là cách đơn giản nhất.
Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research, triển vọng ngành ngân hàng 2021 là khả quan và việc tăng vốn sẽ thuận lợi hơn năm 2020. Thị trường chứng khoán tích cực có thể hỗ trợ tăng vốn điều lệ, đặc biệt trong nửa đầu năm.
NDH