"Ngân khố" VNG sụt giảm gần 2.000 tỷ đồng chỉ trong năm 2022, tiền của kỳ lân sàn chứng đã đi đâu?
Thời điểm cuối năm 2022, VNG chỉ còn 3.080 tỷ đồng tiền các loại trên bảng cân đối kế toán, thay vì con số 5.017 tỷ đồng hồi đầu năm.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản hợp nhất của VNG là 9.092 tỷ đồng, giảm 1,6% so với thời điểm đầu năm. Mặc dù chênh lệch tài sản không lớn nhưng đã có sự chuyển dịch khá lớn về cơ cấu tài sản, theo hướng tỷ trọng tài sản ngắn hạn giảm, tài sản dài hạn tăng.
Đầu năm, Tài sản ngắn hạn chiếm tới 79% Tổng tài sản của VNG, đến cuối năm chỉ còn chiếm 53% Tổng tài sản.
Trong TSNH, tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi (sau đây gọi chung là Tiền) của công ty giảm tới 39%, từ 5.017 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 3.080 tỷ đồng cuối năm. Về số tuyệt đối, Tiền của VNG đã giảm gần 2.000 tỷ đồng, chủ yếu ở các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng, trên 3 tháng.
Ở bên TSDH, Chi phí xây dựng cơ bản dở dang đến cuối 2022 tăng thêm 820 tỷ đồng, tương đương tăng 3,7 lần, chủ yếu do đầu tư dự án VNG Data Center.
BCTC hợp nhất VNG
Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất phần mềm VNG thuộc sở hữu của VNG Corporation (VNG Data Center), nằm ở Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh có quy mô gồm 3 tầng, tổng diện tích sàn: Block 1 là 15.829 m2, Block 2 là 14.971 m2.
Dự án này cũng chính là lý do khiến trên BCTC hợp nhất của VNG xuất hiện khoản vay trung dài hạn với Ngân hàng MSB, dư nợ đến cuối năm 2022 là 444 tỷ đồng. Khoản vay có kỳ hạn trả gốc từ 26/08/2023 -20/05/2028, lãi suất 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, từ tháng thứ 13 trở đi lãi suất theo công thức cộng.
VNG đã thế chấp toàn bộ tiền thuê đất, chi phí xây dựng, chi phí máy móc thiết bị của dự án này cho MSB.
Hình ảnh VNG Data Center
Khoản mục thứ hai trong TSDH của VNG tăng đó là các khoản đầu tư vào công ty liên kết, thể hiện ở số dư từ 277 tỷ đồng lên 1.233 tỷ đồng cuối năm 2022.
VNG cho biết, từ giữa năm 2020, công ty đã bắt đầu đẩy mạnh chiến lược tìm kiếm các công ty khởi nghiệp trong nước để đầu tư và đồng hành lâu dài, tiêu biểu như các hợp tác đầu tư với Eco Truck, Got It, Telio.
Trong năm 2022, tổng cộng VNG đã đầu tư thêm vào 1 công ty liên kết là Ecotruck 50,8 tỷ đồng và đầu tư mới 2 công ty liên kết là Telio số tiền 515 tỷ đồng và Fungding Asia 513 tỷ đồng.
Trong số 7 công ty liên kết của VNG, mới đang chỉ có Dayone cho kết quả khả quan với lãi lũy kế 289 triệu đồng, còn lại đều ghi nhận lỗ. Cá biệt có khoản đầu tư đã lỗ hết 100% vốn như trường hợp của Tiki Global.
Ở bên kia bảng cân đối, Nợ phải trả của VNG tăng 844 tỷ đồng, tương đương 29%, chủ yếu do tăng nợ dài hạn do vay ngân hàng MSB đầu tư dự án VNG Data Center. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giảm 990 tỷ đồng, tương đương 16%, chủ yếu do kết quả kinh doanh không thuận lợi năm 2022 khiến lợi nhuận chưa phân phối âm 858 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường