Ngân sách nhà nước: Thu được 3 đồng thì tiêu mất 2 đồng
4 tháng đầu năm, thu ngân sách ước đạt 446.400 tỷ đồng, tổng chi khoảng 410.000 tỷ đồng, trong đó, chi thường xuyên chiếm tới 73,5% tổng chi.
- 06-04-2018Đây là lý do khiến thu ngân sách nhà nước giảm gần 8.000 tỷ trong 3 tháng đầu năm
- 14-03-2018Sabeco chưa nộp ngân sách nhà nước gần 2.500 tỉ
- 04-12-2017Thu, chi Ngân sách Nhà nước đạt chậm hơn so với tiến độ dự toán
Bộ Tài chính vừa công bố Báo cáo về tình hình thu, chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2018. Theo đó, tổng số thu nội địa 4 tháng qua ước đạt 446.400 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nội địa đạt khá với hơn 368.000 tỷ đồng.
Nếu không kể các khoản thu có tính chất đặc thù như thu từ sử dụng đất, thu từ xổ số, cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước thì số thu nội địa ước đạt 281.400 tỷ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, số thu từ dầu thô đóng góp hơn 19.000 tỷ đồng, bằng 53,3% dự toán năm do giá dầu thô từ đầu năm tăng trở lại. Mặc dù vậy, sự đóng góp của dầu thô chiếm tỉ lệ chỉ 4% tổng thu ngân sách, con số rất nhỏ so với 5-7 năm trước đây là 15-20%.
Đóng góp vào tổng số thu của cả nước phải kể đến thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Lũy kế thu 4 tháng ước đạt 90.000 tỷ đồng, giảm khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng 31.000 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu còn 59.000 tỷ đồng, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2017.
Về tổng chi ngân sách trong 4 tháng qua ước đạt 410.000 tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt khoảng 65.000 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 15,8% tổng chi.
Chi trả nợ lãi là 41.750 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ và chiếm 10,1% tổng chi. Chi thường xuyên ước khoảng 301.500 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ và chiếm 73,5% tổng chi.
Thu được 3 đồng thì tiêu 2 đồng
Theo các chuyên gia kinh tế, bức tranh về chi 4 tháng đầu năm nay khá “tối” khi chi thường xuyên, trả nợ lãi tăng trong khi chi đầu tư lại giảm so với cùng kỳ. Nếu so chi thường xuyên tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước với tổng số thu thì chi thường xuyên chiếm 66% tổng thu. Hay nói cách khác là thu được 3 đồng thì tiêu 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và chi đầu tư.
TS Phan Hữu Nghị, Trưởng Bộ môn Tài chính công, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nguyên tắc cơ bản trong điều hành là thu thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) nói chung phải lớn hơn chi thường xuyên của NSNN để dành một phần thu thường xuyên cho chi đầu tư phát triển.
“Nhà nước đi vay nợ chỉ nhằm cho chi đầu tư phát triển chứ không phải chi thường xuyên và đó chính là công cụ trái phiếu Chính phủ hay công trái. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, thu thường xuyên chỉ đủ cho chi thường xuyên, thậm chí, có nhiều năm không đủ. Nếu giảm trừ thu từ dầu thô, thuế tài nguyên hay thu hồi vốn của doanh nghiệp nhà nước thì thu thường xuyên không đủ chi thường xuyên, tức là nhà nước phải đi vay cho chi thường xuyên”, TS Phan Hữu Nghị chỉ rõ.
Còn theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, ngân sách rất căng thẳng trong vài năm nay, khi mà chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm, nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chưa có nhiều cải thiện.
TS Nguyễn Đức Thành khuyến cáo, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, quyết liệt thực hiện thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước.
“Nếu không kiểm soát tốt nợ nước ngoài và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới và Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh”, TS Nguyễn Đức Thành cảnh báo.
VOV