MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách quốc gia đang “mở cờ trong bụng”

Giá dầu đang vượt qua mức 50 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 26/5, tăng cao nhất sau gần 7 tháng trở lại đây đang được xem là tin vui cho túi tiền của quốc gia.

Trong bối cảnh dư cung toàn cầu khiến "vàng đen" rớt giá thê thảm gần hai năm qua, thì việc giá dầu tăng trở lại vượt mốc 50 USD/thùng đã giúp cho tình trạng này được cải thiện.

Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 26/5, giá dầu Brent đã tăng 56 cent, lên 50,30 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất gần 7 tháng qua là 50,71 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ (WTI) cùng thời điểm tăng 48 cent, lên 50,04 USD/thùng, sau khi đạt mức 50,21 USD/thùng, cao nhất từ giữa tháng 10 qua.

Việc giá dầu bật tăng trở lại ở mức trên 50 USD/thùng đang được xem là tín hiệu tích cực cho ngân sách quốc gia, khi nhiều tháng qua, giá dầu chỉ ở quanh mức 30 USD/thùng. Trong khi dự toán ngân sách được Chính phủ trình Quốc hội vào đầu năm là ở mức giá bình quân 60 USD/thùng, với mức thu từ dầu thô là 54.500 tỷ đồng, thì đây được xem là áp lực lớn cho những nhà điều hành ngân sách.

Ám ảnh giá dầu tan dần?

Mặc dù Bộ Tài chính đã khẳng định, ngân sách đã không còn quá phụ thuộc vào dầu thô, nên giá dầu có xuống mức 20 USD/thùng thì cũng không có gì đáng lo ngại. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, còn đưa ra dẫn chứng là trong cơ cấu thu ngân sách năm 2015 giá dầu chỉ còn chiếm khoảng 6% trong tổng thu.

Kết quả này có được là do có sự thay đổi trong cơ cấu thu ngân sách, khi tỷ lệ thu nội địa tăng lên. Song không thể phủ nhận những “thiệt hại” lớn của túi tiền quốc gia, khi mà giá dầu liên tục giảm. Nghiên cứu được Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng việc giá dầu giảm có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế do thu ngân sách giảm và tác động chi tiêu Chính phủ.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong nghiên cứu “Tác động của diễn biến giá dầu tới ngân sách” thì nhận định cứ 1 USD giá dầu giảm, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 2.100 tỷ đồng. Như vậy, so với mức giá dự toán là 60 USD/thùng cho năm 2016, giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng thì ngân sách có thể giảm hơn 40.000 tỷ đồng.

Trong trường hợp giá dầu ở quanh mức 32 USD/thùng trong năm 2016 thì ngân sách có thể bị hụt thu khoảng gần 60.000 tỷ đồng. Còn trong trường hợp xấu nhất, nếu giá dầu xuống mức 20 USD/thùng thì ngân sách có thể giảm tới gần 85.000 tỷ đồng. Những tính toán này được đưa ra khá phù hợp với nhận định của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Cứ mỗi USD giá dầu giảm, ngân sách trung ương hụt thu 1.600 – 2.000 tỷ đồng.

Bởi vậy, việc giá dầu vượt lên ngưỡng trên 50 USD/thùng, gần với mức dự toán mà Chính phủ trình Quốc hội, sẽ dần giúp giải tỏa những khó khăn và áp lực trong quản lý ngân sách, đặc biệt là ngân sách trung ương. Theo một nhận định mới đây được cơ quan NCIF đưa ra, nếu như giá dầu thế giới duy trì ở mức khoảng 43 USD/thùng kể từ quý II/2016 đến quý II/2017, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tăng thêm 0,5 %, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện thêm 0,33%.

Kỳ vọng đạt mục tiêu GDP 6,7%

TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới của NCIF, cho rằng nhu cầu dầu thế giới tiếp tục tăng trong năm 2016, và xu hướng giá dầu sẽ tăng dù không đạt mức cao như trước khủng hoảng. Theo đó, với mức trung bình 43USD/thùng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt được mức 6,7% trong năm nay.

Diễn biến giá dầu vẫn đang được nhận định là hết sức khó lường, nhưng việc trở lại mốc 50 USD/thùng là thông tin tích cực cho ngân sách và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Thái, chuyên gia của VEPR, cho biết khai thác dầu thô ở Việt Nam với mức giá bán 40 USD/thùng là có lãi.

Điều này có nghĩa, khi giá dầu thô xuống tăng trở lại ở mức 50 USD/thùng, không chỉ những đơn vị sản xuất và kinh doanh dầu thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hưởng lợi và các nhà quản lý ngân sách quốc gia cũng yên tâm hơn để tiến đến mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội đặt ra là 6,7% trong năm nay.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên