Ngân sách tăng thu 76,48 nghìn tỷ đồng: Điều bất ngờ đằng sau những con số
95,27% số tăng thu ngân sách năm 2017 đến từ thu tiền sử dụng đất và dầu thô. Số tăng thu chưa xuất phát từ sự tăng trưởng, phát triển của các doanh nghiệp là đánh giá của Ủy ban tài chính – Ngân sách của Quốc hội trong buổi cho ý kiến về báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ngày 14/5.
- 15-05-2018Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Không đầu tư vào Việt Nam là thiệt thòi cho nhà đầu tư Mỹ"
- 15-05-2018Ngân sách vẫn chủ yếu tăng thu từ đất
Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, số liệu về ước thu ngân sách báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 chênh lệch khá xa so với thực tế. Cụ thể, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán.
"Điều này cho thấy, chỉ trong quý 4/2017, thực hiện thu ngân sách tăng thêm khá lớn so với dự toán và số dự ước đã báo cáo Quốc hội. Theo đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lập dự toán năm 2018. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo, nâng cao hơn chất lượng dự báo", ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm.
Không những vậy, thu nội tại nền kinh tế chưa bền vững. Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, trong 3 năm liền kề, thu từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh) thấp hơn khá lớn so với dự toán và đều thấp hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.
Báo cáo cho thấy, tăng thu ngân sách vượt dự toán chủ yếu dựa vào tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán). Tăng từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng so với dự toán và số báo cáo Quốc hội), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán). Điều này chứng tỏ rằng, số tăng thu không xuất phát từ sự tăng trưởng, phát triển của các doanh nghiệp và vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào số thu từ đất và tài nguyên.
Mặc dù thu ngân sách địa phương tăng khoảng 78 nghìn tỷ đồng so với dự toán, nhưng nếu không kể thu tiền sử dụng đất và các khoản thu không tính cân đối thì có 33 địa phương hụt thu cân đối (khoảng 13,2 nghìn tỷ đồng).
Nguyên nhân của tình trạng này là do Trung ương giao chỉ tiêu thu nội địa cao, không căn cứ vào thực tế địa phương. Trong khi đó, một số khoản thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh rất cao (tăng hơn 40% đối với nhiều địa phương ở phía Nam) và nhiều HĐND lại giao bổ sung phấn đấu thu cao hơn, dẫn đến việc nhiều địa phương không hoàn thành dự toán. Kết quả giám sát tại 9 địa phương ở cả 3 miền đã giúp Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhìn rõ hơn tình trạng này.
Tại phiên họp chiều 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016. Theo báo cáo dự toán, tổng số thu năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng. Trong đó, đã quyết toán 1.107.381 tỷ đồng, tăng 9,2% (92.881 tỷ đồng) so với dự toán. Số tăng thu được thừa nhận là do có sự đóng góp chủ yếu từ tiền sử dụng đất và thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước.