MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành bán lẻ ICT dần bão hoà, Digiworld (DGW) giải bài toán tăng trưởng như thế nào?

Ngành bán lẻ ICT dần bão hoà, Digiworld (DGW) giải bài toán tăng trưởng như thế nào?

Bên cạnh việc hoàn thiện chuỗi giá trị phân phối với Dịch vụ mở rộng thị trường – MES, Digiworld còn chủ động mở rộng thêm các ngành hàng mới. Tiềm năng là khá rõ ràng nhưng hiệu quả vẫn cần thời gian chứng minh.

Sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, thị trường thiết bị công nghệ (ICT) đang có dấu hiệu bão hoà. Thu nhập bị ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng bị thắt chặt, đặc biệt đối với nhóm hàng hoá không thiết yếu. Cạnh tranh ngày càng gay gắt buộc các nhà phân phối thiết bị ICT phải tìm kiếm động lực mới để giải bài toán tăng trưởng.

CTCP Thế giới số (Digiworld – mã DGW) cũng không nằm ngoài xu hướng trên dù không trực tiếp tham gia vào khâu bán lẻ. Bởi, điện thoại, máy tính xách tay và máy tính bảng vẫn là trụ cột chính đóng góp đến 81% tổng doanh thu năm 2022. Trong đó, điện thoại di động chiếm 49% doanh thu (15% thị phần), máy tính bảng và máy tính xách tay đóng góp 32% doanh thu (40% thị phần). Hiện nay, Digiworld đang phân phối các sản phẩm của hơn 30 hãng với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Apple, Xiaomi, Acer, Dell.

Ngành bán lẻ ICT dần bão hoà, Digiworld (DGW) giải bài toán tăng trưởng như thế nào? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, khác với các “ông lớn” bán lẻ như Thế giới Di động (MWG), FPT Retail (FRT) trực tiếp mở các chuỗi bán lẻ đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, Digiworld chủ yếu bán buôn và là trung gian phân phối các sản phẩm từ các nhãn hàng đến các nhà bán lẻ. Các nhà bán lẻ sẽ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối.

Sự khác biệt với các nhà bán lẻ giúp bảo toàn lợi nhuận

Đa số các doanh nghiệp phân phối trong nước chủ yếu mới chỉ ở hai phân lớp bán hàng và hậu cần trong chuỗi giá trị ngành phân phối. Đây là hai phân khúc có lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị. Theo báo cáo mới đây của KBSV, mô hình kinh doanh bán buôn và cụ thể là Dịch vụ mở rộng thị trường – MES của Digiworld có nhiều khác biệt giúp tạo lợi nhuận bền vững.

Ngoài các công đoạn như các nhà bán buôn khác, Digiworld đưa ra các dịch vụ gia tăng như nghiên cứu phân tích thị trường, tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng, cung cấp cho đối tác những phân tích chuyên sâu về thị trường, thực thi những kế hoạch marketing hỗ trợ kinh doanh cho các đại lý, cửa hàng, trực tiếp vận hành cửa hàng cho thương hiệu.

Ngành bán lẻ ICT dần bão hoà, Digiworld (DGW) giải bài toán tăng trưởng như thế nào? - Ảnh 2.

Mô hình này có những khác biệt với hình thức bán lẻ thông thường như: (1) Không yêu cầu đầu tư quá nhiều vào tài sản cố định như đầu tư xây dựng cửa hàng của các công ty bán lẻ. Ngoài ra, công ty cũng không có nhiều chi phí cố định (chi phí mặt bằng, nhân viên bán hàng) đa số là các chi phí biến đổi chỉ khi bán được hàng thì mới phát sinh, do đó khi thị trường biến động nhu cầu theo chiều hướng xấu, Digiworld vẫn bảo đảm kinh doanh có lãi.

(2) Digiworld cũng không bị ảnh hưởng ở biên lợi nhuận gộp do không phải tham gia cuộc chiến giá giành giật thị phần và đa số giá tới các nhà bán lẻ cũng đã thoả thuận trong một khoảng cố định được hãng đưa ra. Thay vào đó, công ty sẽ hỗ trợ các nhà bán lẻ trong việc trả chậm và hỗ trợ chi phí thực hiện các chiến dịch marketing.

(3) Digiworld cũng nhấn mạnh bán lẻ và phân phối là hai mảng khác nhau, do đó công ty không lo ngại việc phải cạnh tranh với các công ty bán lẻ. Sự phát triển của các nhà bán lẻ cũng sẽ giúp công ty hưởng lợi. Các nhà bán lẻ khi nhập hàng từ Digiworld có lợi thế về thời gian so với nhập trực tiếp từ hãng do công ty luôn sẵn hàng trong kho so với việc phải nhập trực tiếp từ hãng mất thời gian vận chuyển, thời gian làm thủ tục giấy tờ…

Khi mở rộng thị trường mới đòi hỏi các hãng cần phải tự xây dựng hệ thống phân phối, tổ chức đội ngũ bán hàng, tự nghiên cứu thị trường và marketing vốn mất thời gian và chi phí đầu tư. Đây là lý do mà các “ông lớn” như P&G, Samsung, Xiaomi, Nestle… dù đủ nguồn lực nhưng vẫn sử dụng MES. Xu hướng sẽ ngày càng có nhiều hãng thuê ngoài MES nhằm tối ưu chi phí và tinh gọn bộ máy.

Các ngành hàng và nhãn hàng mới tiềm năng

Nhận thấy không thể phụ thuộc mãi vào các sản phẩm ICT, Digiworld đã chủ động tìm kiếm động lực tăng trưởng đến từ các ngành hàng mới như đồ gia dụng, F&B, thiết bị bảo hộ. Kể từ cuối năm 2022 đến nay, công ty liên tục ký kết hợp đồng với các nhãn hàng và ngành hàng mới, có thể kể đến các thương vụ với các hãng lớn như ABInbev, Westinghouse, Achison.

Với quy mô thị trường ước tính 12,5 – 13 tỷ USD tăng trưởng khoảng 10%/năm, ngành hàng tiêu dùng sẽ là thị trường màu mỡ cho các nhãn hàng lớn. Đối với các mặt hàng ít phổ biến tiềm năng thị trường và tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn nhiều. Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngành có thể kể đến như xu hướng tách hộ gia đình, dân số trẻ nhu cầu hàng gia dụng lớn, thu nhập bình quân cải thiện xu hướng phụ thuộc vào các sản phẩm gia dụng hơn (robot lau nhà, máy rửa bát).

Lợi thế của Digiworld khi bước chân vào ngành hàng này là kênh phân phối khá gần với ngành hàng ICT có thể kể như các chuỗi điện máy lớn Dienmayxanh, Nguyenkim hay các chuỗi điện thoại như FPT Shop, CellphoneS cũng bắt đầu phân phối mặt hàng gia dụng.

Ngành bán lẻ ICT dần bão hoà, Digiworld (DGW) giải bài toán tăng trưởng như thế nào? - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, Digiworld cũng đã nhập cuộc ngành F&B với hãng bia lớn nhất thế giới ABInbev. Thị trường bia Việt Nam có giá trị ước tính lên đến 9,2 tỷ USD dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 11%/năm trong 3 năm tới. Việt Nam hiện cũng là nước tiêu thụ bia thứ 3 châu Á và miếng bánh thị phần đang nằm trong tay các doanh nghiệp dẫn dầu như Heneiken, Sabeco, Habeco và tại mỗi khu vực địa phương lại thường có một hãng bia riêng.

Với kinh nghiệm và nguồn lực của mình, ABInbev cũng đang cùng Digiworld tích cực thực hiện nhiều chiến dịch marketing nhằm xâm nhập và mở rộng thị trường. KBSV dự báo khi nền kinh tế phục hồi, sức mua tăng trưởng trở lại, các sản phẩm của ABInbev với chất lượng đã được khẳng định sẽ có sự tăng tốc mạnh mẽ, chiếm lấy thị phần của các thương hiệu yếu hơn.

Ngành thiết bị công nghiệp và bảo hộ lao động hiện có quy mô lớn và có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai khi mà dòng FDI cùng với sự dịch chuyển của nhiều nhà máy công nghệ cao của các thương hiệu lớn toàn cầu như Lego, Samsung đã và đang dịch chuyển mạnh mẽ vào Việt Nam. Theo nghiên cứu của FCDO, nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hộ cá nhân (PPE) dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ 6-9%/năm tối thiểu cho đến năm 2025 tuỳ vào từng sản phẩm.

Ngành bán lẻ ICT dần bão hoà, Digiworld (DGW) giải bài toán tăng trưởng như thế nào? - Ảnh 4.

Digiworld đã hoàn thành sở hữu Achison – Công ty phân phối thiết bị công nghiệp hàng đầu với hơn 20 năm kinh nghiệm. Không chỉ tiềm năng ở mảng phân phối thiết bị công nghiệp, công ty còn nhận thấy với mạng lưới phân phối của Achison còn có thể giúp cộng hưởng với hệ sinh thái hiện tại nhằm bán chéo các sản phẩm khác như các thiết bị văn phòng, laptop.

Cần thời gian để chứng minh hiệu quả

Theo KBSV, các ngành hàng mới như đồ gia dụng, F&B, thiết bị bảo hộ có biên lợi nhuận gộp cao hơn (dao động trong khoảng 10-15% tuỳ theo ngành hàng) so với các mặt hàng ICT trước đây (biên gộp chỉ khoảng 6-7%). Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nhiều ngành hàng mới như ngành đồ gia dụng, F&B, thiết bị bảo hộ, Digiworld sẽ cần thời gian để chứng minh mức độ đóng góp của những ngành hàng mới, một khi thành công sẽ giải quyết bài toán tăng trưởng trong tương lai.

Với mô hình MES, Digiworld có thể phân phối đa dạng các mặt hàng. Khi bước vào một ngành hàng mới, lợi thế của mô hình này vẫn còn do nhiều quy trình trong mô hình MES có thể dùng chung cho các mặt hàng khác nhau có thể kể đến như hệ thống logistic hiện đại quản lý bởi ERP, đội ngũ nghiên cứu, marketing.

Mặt khác, khó khăn của Digiworld khi bước chân vào một ngành hàng mới ngoài ICT là các ngành hàng mới có quy mô lớn hơn nhưng đã có rất nhiều đối thủ phân phối ở sẵn trong ngành (DKSH, Zuellig Pharma, MESA, Phú Thái) và nhiều nhãn hàng lâu năm trong ngành có sẵn năng lực logistic và phân phối;

Bên cạnh đó, công ty sẽ mất thời gian nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược marketing, xây dựng kênh phân phối mới. Ngoài ra, danh mục sản phẩm cần phải đủ đa dạng và các sản phẩm từ nhà sản xuất cần có danh tiếng, cần một thời gian tương đối để các nhãn hàng mới chiếm thị phần từ các sản phẩm hiện hữu, không phải nhãn hàng nào khi xâm nhập thị trường cũng có được thành công ngay lập tức.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên