MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành bán lẻ Mỹ tiếp tục khủng hoảng, dự đoán có hơn 12.000 cửa hàng phải đóng cửa

12-09-2019 - 15:23 PM | Tài chính quốc tế

Tốc độ phá sản và đóng cửa cửa hàng trong ngành bán lẻ Mỹ từ đầu năm đến nay đã vượt qua cả mức của năm 2018, một báo cáo mới được công bố cho hay.

Theo báo cáo của công ty dịch vụ BDO USA LLP, trong 6 tháng cuối năm 2019 ngành bán lẻ Mỹ sẽ chứng kiến nhiều vụ phá sản hơn nữa và các cửa hàng truyền thống sẽ tiếp tục đóng cửa.

Từ nhiều năm nay câu chuyện về cái chết của bán lẻ truyền thống liên tục được mang ra bàn luận trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng rời xa các trung tâm thương mại để tới với các nhà bán lẻ trực tuyến. Những con số mới nhất cho thấy nỗi đau của các nhà bán lẻ truyền thống không hề có dấu hiệu thuyên giảm.

Các nhà bán lẻ tiếp tục phải đối mặt với cảnh nợ nần chồng chất, áp lực từ các nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân và sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó còn là 1 mùa mua sắm cuối năm quá đỗi ảm đạm trong năm ngoái, dẫn đến mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ yếu kém nhất kể từ tháng 12/2009.

Theo BDO, các nhà bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ trận chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, đợt đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử Mỹ và thời tiết không thuận lợi. Một số nhà bán lẻ đã phải đưa ra mức chiết khấu sâu.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, 14 nhà bán lẻ có từ 25 cửa hàng trở lên đã nộp đơn xin phá sản. Trong cùng kỳ năm 2018, có 13 nhà bán lẻ có từ 20 cửa hàng trở lên bị phá sản.

Số cửa hàng phải đóng cửa trong 6 tháng đầu năm đã vượt quá cả tổng số năm 2018. Khoảng 19 nhà bán lẻ thông báo đóng cửa tổng cộng hơn 7.000 cửa hàng trên khắp cả nước. Chỉ riêng Payless, Gymboree và Charlotte Russe phá sản đã khiến 3.700 cửa hàng bị đóng cửa.

Để giảm chi phí duy trì cửa hàng vật lý, một số nhà bán lẻ đã xóa bỏ các cửa hàng flagship và lựa chọn những cửa hàng có diện tích nhỏ hơn ở các vùng đô thị.

Coresight Research dự đoán cả năm 2019 sẽ có hơn 12.000 cửa hàng phải đóng cửa, tức gấp đôi con số chưa đến 6.000 của năm 2018.

Dẫu vậy ngành bán lẻ Mỹ vẫn có một số điểm sáng. Tổng doanh thu bán lẻ 6 tháng đầu năm vẫn ở mức tốt nhờ kinh tế Mỹ khỏe mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng.

Báo cáo của BDO nhận định các nhà bán lẻ nên cẩn trọng khi bước vào 2020 bởi vì tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể diễn biến khó lường và Mỹ đang có nợ tiêu dùng ở mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào của nền kinh tế cũng sẽ gây nên những tác động khủng khiếp đối với các nhà bán lẻ yếu ớt.

Tú Anh

WSJ

Trở lên trên