Ngành cá tra chồng chất khó khăn, sẽ chậm phục hồi
Giá cá tra giảm thấp từ tháng 4/2019 đến nay, đặc biệt những tháng đầu năm 2020 ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng xuất khẩu tỷ đô này gặp vô vàn khó khăn, người nuôi ‘treo ao’, doanh nghiệp bế tắc, sản xuất kinh doanh đình đốn...
- 08-05-2020Khôi phục các thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng sau dịch Covid-19
- 01-05-2020Giá cá tra thấp nhất trong 10 năm qua
- 24-03-2020Ngành cá tra lao đao, người nuôi 'treo ao'
- 15-09-2019Ngành cá tra nếm "trái đắng" vì phát triển quá nóng
Giá bán dưới mức giá thành sản xuất hơn 1 năm nay
Theo ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong 4 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi thương phẩm và xuất khẩu (XK) cá tra của vùng ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng. Giá cá giảm sâu và kéo dài, cá tra thương phẩm dao động 18.200-18.500 đồng/kg, người nuôi vẫn tiếp tục bị lỗ khoảng 4.000-5.000 đồng/kg.
Nguyên nhân do các thị trường truyền thống như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc giảm đơn hàng nhập khẩu sản phẩm cá tra từ 20-40% sản lượng, việc này gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành cá tra thời gian qua, hoạt động thu mua của doanh nghiệp (DN) giảm, các hộ nuôi không ký hợp đồng được với DN dẫn đến mùa vụ kéo dài và tồn đọng.
Tình hình sản xuất, tiêu thụ khó khăn, giá cá tra giảm sâu khiến người nuôi phải 'treo ao' hoặc cho ăn cầm chừng. Ảnh: Cảnh Kỳ
Còn tại Đồng Tháp, đại diện Sở NN&PTNT cho biết, thời điểm 4 tháng đầu năm 2019, giá cá tra giống và cá tra thương phẩm giảm dần so với thời điểm cuối năm 2018 nhưng người nuôi vẫn có lãi. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4/2019, giá cá tra tiếp tục giảm mạnh ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nên người nuôi lỗ.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động XK sang các thị trường đều diễn ra rất chậm và giảm mạnh, chủ yếu do lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, giao thương. Giá cá tra thương phẩm ở mức thấp (dưới giá thành) kéo dài, người nuôi và DN lỗ nặng, dẫn đến việc ‘treo ao’ hoặc cho ăn cầm chừng.
Ông Võ Đông Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ cho rằng, chưa bao giờ tình hình khó khăn như hiện nay, tất cả gần như bế tắc, đồng loạt từ bán hàng, tồn kho, thanh toán, nuôi trồng, người lao động trong DN…, khó khăn chồng chất. Theo ông Đức, hiện không có một ý kiến nào quan trọng hơn là mong đợi việc hỗ trợ để các DN vượt qua giai đoạn này.
Tương lai gần vẫn còn nhiều khó khăn
Theo dự báo, ngành cá tra sẽ hoàn toàn phục hồi từ quý III/2020, riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, theo đại diện các DN, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc dự báo thị trường không phải dễ dàng.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn cho biết, với thị trường Trung Quốc và Mỹ, nhà hàng là kênh phân phối chiếm đến khoảng 70% cá tra Việt Nam XK sang đây; trong khi với thị trường EU, siêu thị là kênh tiêu thụ chiếm tỷ trọng lớn hơn.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến kênh tiêu thụ nhà hàng gần như tê liệt do lệnh dừng hoạt động của loại hình kinh doanh này ở các nước. “Qua đợt dịch bệnh này, chúng ta cần cân bằng lại kênh phân phối giữa siêu thị và nhà hàng. Phải mở rộng thị trường tiêu thụ cho cá tra Việt Nam, nhưng cũng cần chú trọng tháo gỡ khó khăn với những thị trường đã được định hình” - bà Tâm đề xuất.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ
Theo Tổng cục Thủy sản, một số chuỗi liên kết cá tra đã bị phá vỡ, trong đó có nguyên nhân do giá thu mua cá nguyên liệu cao trong hai năm 2017-2018 khiến một số người nuôi muốn chủ động hơn trong việc quyết định bán sản phẩm.
Mặt khác, chúng ta còn thiếu các cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường cụ thể đối với những thị trường trọng điểm (nhất là Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN…) để phục vụ công tác đánh giá, dự báo và tham mưu chỉ đạo điều hành. Trong khi nhiều quốc gia khác đã có sản lượng nuôi cá tra lớn như Ấn Độ, Indonesia, Băng-la-đét, Trung Quốc. Trong tương lai gần, ngành cá tra Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn do có nhiều đối thủ cạnh tranh tiềm năng...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch XK cá tra quý I/2020 đạt 334 triệu USD, giảm hơn 29% so với cùng kỳ 2019, nguyên nhân lớn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mục tiêu XK cá tra cả năm 2020 đạt 1,6 tỷ USD (giảm 400 triệu USD so với năm 2019).
Phát biểu tại hội nghị “Bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra trong bối cảnh dịch COVID-19” diễn ra ngày 7/5 mới đây tại An Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian qua ngành hàng này còn những hạn chế như sản phẩm nhìn chung còn rẻ, chưa tương xứng tầm vóc giá trị của nó, sự trồi sụt lên xuống. Rất nhiều DN thành công nhưng cũng không ít DN phá sản, rất nhiều người dân khá giả nhưng cũng nhiều người khánh kiệt vì con cá tra...
“Chúng ta cần phân tích, nhận dạng cho đúng để đưa ngành hàng này trở lại đúng nghĩa với thương hiệu của nó. Từ một loài cá ngoài tự nhiên, chúng ta rất tự hào thuần hóa con cá này để trở thành một ngành kinh tế, hiện đã có mặt ở 119 nước trên thế giới, thu về 2 tỷ USD (năm 2019 - PV), mặc dù chỉ với diện tích trên 6.000ha. Không chỉ thế, đã phát huy lợi thế của vùng châu thổ, cùng với lúa gạo, cá tra Việt Nam đã được khắp nơi trên thế giới biết đến. Đó là niềm tự hào.” – Bộ trưởng Cường nói.
Tiền phong