Ngành công nghiệp hỗ trợ đang ở đâu?
Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), trong khi Việt Nam tiếp tục có tiềm năng đặc biệt trong việc sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và môi trường thương mại mới để đưa khu vực sản xuất thành động lực cho tăng trưởng thì năng lực yếu kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ là một rào cản đáng kể.
- 01-12-2016Toàn bộ ngành công nghiệp sữa thiệt hại 420 triệu USD bởi... một con bò đực
- 17-11-2016Ngành công nghiệp ô tô: Giằng co vấn đề mở cửa - bảo hộ
- 25-08-2016Ngành công nghiệp tái chế có thể tạo ra hơn 1.000 tỉ USD
Công nghiệp giảm sâu và vấn đề đặt ra
Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp (SXCN) có dấu hiệu chững lại trong thời gian qua đến từ nhiều nguyên nhân, chủ quan lẫn khách quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm 2015 cũng như kế hoạch phải đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2016 này. Không ít chuyên gia cảnh báo về khả năng “còn tăng trưởng thấp” của nền kinh tế, nếu không có ngay các giải pháp cấp bách, kịp thời và bài bản.
Yêu cầu bức thiết
Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là yêu cầu bức thiết của bất cứ nền kinh tế nào, bởi đây chính là cơ sở để phát triển, tăng trưởng một ngành công nghiệp bền vững. Nhờ có CNHT, các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất được chủ động hơn, qua đó giảm được nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa.
Thế nhưng, sau tròn 30 năm đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa (xây dựng một nền kinh tế công nghiệp, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong các ngành kinh tế - mà ở đó là tỷ trọng về lao động, về giá trị gia tăng…) Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bước đầu phát triển CNHT.
Theo Phó trưởng ban Hợp tác quốc tế, Tổng hội Cơ khí Việt Nam Trần Minh Huân, Việt Nam đang nhập siêu cả với những lĩnh vực không khuyến khích, do đó, cần hạn chế và phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Đây là hệ quả của việc chưa coi trọng đầu tư phát triển CNHT.
Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT có hiệu lực (ngày 15.4.2011) - được coi là văn bản pháp lý đầu tiên của ngành CNHT Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù chỉ có 6 nhóm ngành được “gọi tên” trong chính sách khuyến khích phát triển CNHT này (gồm, công nghiệp cơ khí - chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày và CNHT cho phát triển công nghệ cao), song quá trình triển khai thực hiện lại dàn trải, manh mún, thậm chí “cào bằng” dẫn đến phân tán nguồn lực.
Đó là chưa kể, đối tượng chính tạo ra sự phát triển của CNHT được xác định là doanh nghiệp nhỏ và vừa - doanh nghiệp tư nhân trong nước - đã không có được nhiều ưu tiên, ưu đãi như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lại cũng không có được các cơ chế hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI như các cam kết đầu tư.
TS. Nguyễn Mạnh Hải - Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu tiếp tục đi theo lối mòn, không cẩn thận các ưu thế của hội nhập sẽ thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong phát triển các ngành công nghiệp liệu nên theo hướng phát triển dàn đều hay phát triển tập trung trong một số ngành mũi nhọn? Sự gắn kết của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu như thế nào? Mối quan hệ lan tỏa giữa khu vực DNNN và khu vực FDI và DN tư nhân trong điều kiện DNTN trong nước còn đang khá nhỏ bé như thế nào, TS. Nguyễn Mạnh Hải đặt vấn đề.
Thiếu đầu tư khoa học - công nghệ
Một yếu tố căn bản nữa được đánh giá là then chốt, quyết định sự phát triển thành công của CNHT - đó chính là đầu tư công nghệ - cũng chưa được quan tâm, chú trọng. Ông Kazuhito Hagiwara - Phó Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu - Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), khi nghiên cứu thực tế về hướng phát triển CNHT của Việt Nam đã nhận định rằng, trong khi các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Nhật Bản tập trung hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ thì Việt Nam lại tập trung vào hỗ trợ về hành chính như thủ tục đầu tư, hướng dẫn cách làm “phom mẫu” thế nào, hay hỗ trợ về mặt pháp lý…
Ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại đặt vấn đề: Tại sao chủ trương công nghiệp hóa qua nhiều năm vẫn chưa vào cuộc sống? Công nghiệp hỗ trợ đang ở đâu khi những tồn tại của một nền kinh tế làng xã đang là lực cản lớn trong nền kinh tế thị trường và công nghiệp hóa? Các nước công nghiệp phát triển luôn luôn đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, do đó nếu không cẩn thận sẽ dễ bị “rơi” vào “bẫy” của sự dịch chuyển công nghệ lạc hậu hoa hồng cao”.
Họ thường chuyển công nghệ cũ lạc hậu ô nhiễm sang các nước đang và kém phát triển… Thực trạng nhập nhà máy xi măng lò đứng, nhập toa xe cũ... vào nước ta như vừa qua là những ví dụ điển hình.
Công nghiệp hỗ trợ đang ở đâu - Đó là câu hỏi mà ngay cả những người làm chính sách cũng không dễ trả lời. Bởi, nhìn vào Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến 2020 của Bộ Công thương (ban hành ngày 8.10.2014) “tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu, là linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao”, nhiều chuyên gia cho rằng, với cơ chế hỗ trợ và cách thức đầu tư như hiện nay, 4 năm nữa, Việt Nam không thể đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ cung cấp trong nước từ chưa đủ 50% lên tới 65% cho ngành dệt may, từ 40 - 45% lên 75 - 80% cho ngành da giày, và càng không dễ đáp ứng được 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước cũng như có thể tham gia vào thị trường khu vực và quốc tế.
Theo khuyến nghị của chuyên gia WB, Việt Nam cần tập trung tăng cường năng lực các ngành công nghiệp hỗ trợ để sử dụng tốt hơn dòng vốn FDI, nhất là khi Việt Nam có vị trí chiến lược, lực lượng lao động dồi dào, thị trường nội địa tăng trưởng, và môi trường thương mại mới cho tăng trưởng và chuyển đổi về cấu trúc.
Đại biểu nhân dân