Ngành đường lại kêu cứu
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, khi thị trường đường biến động bất lợi, chính nông dân sẽ gặp khó.
- 17-10-2017Giá mía giảm, nỗi lo tăng
- 13-10-2017Hậu Giang: Mía rớt giá, nông dân lao đao
- 26-09-2017Cơ cấu lại ngành mía đường: Xu hướng tất yếu khi hội nhập
Theo lộ trình triển khai Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, mặt hàng mía đường sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan, đồng thời mức thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết từ đầu tháng 10 -2017 đến nay, mặc dù giá đường tinh luyện đang thấp, chỉ hơn 12.000 đồng/kg nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn không bán được và đang tồn kho hàng trăm ngàn tấn. Nguyên nhân là do các DN bánh kẹo cố tình "neo" lại đến ngày 1-1-2018.
Thu hoạch mía đường bằng máy và canh tác mía trên cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí giá thành
Trước tình hình này, VSSA đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017. VSSA cũng kiến nghị thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan giảm 50% so với trước đây, chỉ còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng.
Một chuyên gia có nhiều năm theo dõi ngành mía đường cho rằng việc giảm thuế xuống mức thấp đột ngột sẽ tạo cú sốc cho thị trường. Vì vậy, Chính phủ cần giảm dần chứ không nên từ 80% xuống 5% là bất ổn. Đặc biệt, lúc này đang vào vụ mía, nếu tình trạng nêu trên vẫn tiếp diễn, chắc chắn các nhà máy sẽ không thể thu mua giá cao cho nông dân; không đầu tư hạ tầng, hướng dẫn nông dân trồng mía, tăng năng suất nữa mà chỉ cần nhập đường thô và đầu tư máy đốt than đã có thể sản xuất được đường. Vì vậy, khi thị trường đường biến động bất lợi, chính nông dân sẽ gặp khó.
Quan trọng hơn, vị chuyên gia này cho rằng Chính phủ nên có cơ chế quản lý, điều tiết đường chứ không thể để ngành mía đường hoạt động tự do. Bởi lẽ, đường là nguồn nguyên liệu đầu vào của đa số nhu yếu phẩm, nếu không kiểm soát sẽ gây "nhiễu loạn". Cụ thể, khi đường Thái Lan làm chủ thị trường, họ sẽ nâng giá lên cao mà ta thì không thể kiểm soát được.
Chuyên gia nêu trên cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc, Nhật Bản kiểm soát ngành đường rất kỹ. Họ biết được những rủi ro khi giá đường biến động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành khác của nền kinh tế.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA, cho biết nhiều người lầm tưởng thị trường đường là của DN đường, lợi ích của ngành đường là của các nhà máy sản xuất nhưng thực chất là của chính nông dân. Bởi lẽ, mỗi ký đường làm ra thì tỉ lệ giá thành là 75%-80% do giá mía tác động, chỉ 20%-25% còn lại là do tác động của nhà máy, của DN. Nếu không hiểu được vấn đề này thì nhà nước sẽ hoạch định chính sách sai, tác động lớn đến thị trường và nền kinh tế.
Thực tế, nếu đường Thái Lan tràn vào sẽ làm khó thêm ngành mía đường của Việt Nam. "Chúng ta rất khó đoán biết được chính sách trợ giá đường của Thái Lan như thế nào, bởi đường tiêu thụ nội địa của họ còn cao hơn cả hàng lậu tràn qua đường phi mậu dịch vào Việt Nam" - ông Hải lo ngại.
Theo ông Hải, từ năm 2018, nếu các nước trong khối ASEAN không còn bị hạn chế nhập khẩu đường vào Việt Nam và thuế suất nhập khẩu chỉ ở mức 5%, nhiều nhà máy sản xuất mía đường trong nước, nhất là các nhà máy có công suất nhỏ, sẽ có nguy cơ "đắp chiếu" bởi sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh nổi. Điều này có thể dẫn đến hàng ngàn lao động ngành mía đường có nguy cơ bị mất việc làm.
Ngay sau kiến nghị của VSSA, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan địa phương xem xét, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-10. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa hoàn thiện được báo cáo vì còn nhiều ý kiến khác nhau.
Người lao động