Ngành đường sắt cần cuộc cách mạng để “lột xác”
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cho rằng ngành đường sắt đang quá tụt hậu, cần có cuộc cách mạng để thúc đẩy đường sắt Việt Nam phát triển.
- 11-09-2016Ngành đường sắt Việt Nam trì trệ, nhiều sai phạm nghiêm trọng
- 17-07-2016Doanh thu ngành đường sắt liên tục giảm
- 22-01-2016Không phải đường cao tốc, đây mới là lý do làm ngành đường sắt ngày càng yếu đi
Ngày 11/11, thảo luận về dự án Luật đường sắt (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, ngành đường sắt đang quá tụt hậu so với những “người anh em” của mình là đường bộ, đường hàng không. Việc đầu tư đúng mức vào ngành đường sắt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh minh họa: Hà Khánh
Đường sắt chưa được đầu tư đúng mức
Đại biểu Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) chia sẻ, đi tàu vào Đà Nẵng ông thấy nhiều vấn đề của ngành đường sắt: dịch vụ kém, quản lý kém, phục vụ và vật chất đều rất lạc hậu. Theo ông, cần phải có một cuộc cách mạng của ngành đường sắt.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Vũ Xuân Cường (đoàn Lào Cai) cũng nhận định, sự phát triển đường sắt vẫn quá chậm so với đường thuỷ, đường không… Do vậy, tại nạn đường sắt xảy ra liên tiếp, gây bức xúc trong dư luận. Theo ông Cường, nguyên nhân tồn tại xuất phát từ việc hạn chế nguồn lực cho đầu tư đường sắt, chưa có sự phân ngôi rõ ràng trong quản lý, khai thác kinh doanh trên đường sắt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ (đoàn Lào Cai) cho rằng, trong thời gian dài, mũi nhọn về công tác vận tải, đó là ngành đường sắt không được đầu tư đúng mức mặc dù địa hình Việt Nam rất thuận tiện cho việc phát triển đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong quy hoạch đường sắt, kết cấu phải đồng bộ, đầy đủ. Cụ thể như đường sắt đô thị phải có đường sắt trên cao, tàu điện, tàu điện ngầm. Đặc biệt là tàu điện ngầm hoạt động rất hiệu quả, như một thành phố ngầm, rất tốt cho quốc phòng - an ninh.
“Đô thị nhất thiết phải có đường sắt đô thị, tàu điện và tàu điện ngầm – nhất thiết phải bổ sung tàu điện ngầm ngay trong luật, có thể luật đưa ra theo nguyên tắc phân kỳ, có thể làm ngay hoắc làm sau nhưng nhất thiết phải có trong luật,” ông Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đánh giá, đầu tư đường sắt có chi phí không đắt so với các loại hình giao thông khác, trong khi đó chi phí vận chuyển đường sắt rẻ hơn các loại hình khác.
Đại biểu Lê Thanh Vân
Ngoài ra, đại biểu Lê Thanh Vân, đề xuất tạo ra những chính sách thu hút doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng đầu tư, kinh doanh phát triển ngành đường sắt.
Đại biểu Bùi Thanh Sơn (đoàn Đắk Nông) có chung quan điểm này khi ông cho rằng, nếu ngành đường sắt chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì không không thể kham nổi. Cần phải có các nền kinh tế khác tham gia vào ngành đường sắt.
Ở châu Âu, hệ thống đường sắt phản ánh rõ nền kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia. Khi đường sắt phát triển thì kinh tế - xã hội cũng phát triển, ông Sơn lưu ý.
Tránh “độc canh” đường sắt
Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa nêu quan điểm: Phải tách bạch hạ tầng và vận tải, phải xây dựng một cơ chế đảm bảo khách quan, tránh tình trạng “độc canh” trong ngành đường sắt.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa
Bộ trưởng nhấn mạnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau này cũng chỉ là một đơn vị thành phần thôi. Nếu vừa quản hạ tầng, vừa tham gia vận tải, sẽ làm mất tính khách quan, nhất là khi tới đây các doanh nghiệp tham gia vận tải đường sắt sẽ nhiều lên.
Đại biểu Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) cho biết, việc cơ cấu lại đường sắt theo hướng có kinh doanh hạ tầng độc lập với kinh doanh vận tải là rất phù hợp, đảm bảo minh bạch, khách quan, chống được chuyển giá nội bộ.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên) cho rằng, phải tách bạch thì doanh nghiệp mới có thể chủ động, linh hoạt trong đầu tư phát triển.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu thực tế: Tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp, không phù hợp với cơ cấu đầu tư trong nước và xu thế phát triển của lĩnh vực này trên thế giới.
Trong thời gian qua, lĩnh vực giao thông đường sắt không được quan tâm đầu tư tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó so với các loại hình giao thông khác và không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước hiện nay.
Theo ông Dũng, để phát triển ngành đường sắt một cách lành mạnh, theo hướng hiện đại, bên cạnh đầu tư chủ yếu của Nhà nước, cần tăng cường xã hội hóa hoạt động đường sắt, thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt…/.
VOV