Ngành hàng nào là lực kéo xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ đạt cột mốc 110 tỷ USD?
Trong lịch sử ngoại thương của Việt Nam, Hoa Kỳ là đối tác thương mại thứ hai đạt được mốc 100 tỷ USD sau Trung Quốc.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 96,29 tỷ USD hàng hóa sang Hoa Kỳ, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 15,27 tỷ USD hàng hóa từ Hoa Kỳ, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020.
Như vậy, trong lịch sử ngoại thương của Việt Nam, Hoa Kỳ là đối tác thương mại thứ hai đạt được mốc 100 tỷ USD sau Trung Quốc. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng hơn 200 lần so với thời điểm 1995. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 28,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong 5 năm gần nhất, trung bình hàng năm, hàng Việt xuất sang Hoa Kỳ tăng 230%, từ Hoa Kỳ nhập vào Việt Nam tăng 175%. Giai đoạn 2020 – 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, nhưng Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
Có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, dệt may, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.
Cụ thể, giá trị và mức tăng của các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ như sau:
Dữ liệu từ Tổng cục Hải Quan
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Đây là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng như mức tăng so với cùng kỳ cao nhất. Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác sang Hoa Kỳ đạt 17,82 tỷ USD, tăng mạnh 45,9%.
Hàng dệt may: Nhóm hàng này đứng thứ hai về giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 16,1 tỷ USD, tăng 15%.
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: Nhóm hàng này đứng thứ ba về giá trị. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 12,76 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện: Xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2022 đạt trị giá 9,69 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giày dép các loại: Việt Nam xuất khẩu giày dép các loại sang thị trường: Hoa Kỳ đạt 7,42 tỷ USD, tăng 17,8%.
Gỗ và sản phẩm từ gỗ: Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường chính, cụ thể: Hoa Kỳ đạt 8,8 tỷ USD, tăng mạnh 22,4%, đứng thứ ba.
Đặc biệt, theo dữ liệu thống kê từ Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu đồ nội thất gỗ từ thị trường Việt Nam nhiều nhất, đạt 6,7 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ, tăng 4,5 điểm % so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam đã vượt Trung Quốc xuất khẩu nhiều thành phẩm nội thất nhất vào Hoa Kỳ.
Hàng thủy sản: Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường: Hoa Kỳ đạt 2,05 tỷ USD, tăng 26,2%.
Bên cạnh hoạt động thương mại, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Mỹ có 1.134 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 10 tỷ USD.
Hầu hết các tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G… Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thời điểm tháng 8/2021, khi Việt Nam đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, 90 CEO các nhãn hàng hàng đầu của Mỹ như Adidas, Coach, Gap, Hanebrands, Nike, Under Amour... đã đồng loạt kêu gọi Tổng thống Mỹ tăng viện trợ vaccine cho Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, mới đây, hãng xe VinFast của Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Vingroup đã công bố đầu tư hơn 200 triệu USD tại Califonia, dự kiến sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm tại đây. Mgày 16/11 vừa qua, VinFast đã chính thức công bố và đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh tại Hoa Kỳ. Trụ sở này tọa lạc tại khu vực Playa Vista - được mệnh danh là "Silicon Beach" của thành phố Los Angeles.