Ngành học hot được học sinh năm nay đăng ký thi ồ ạt: Công việc ra trường nghe rõ oai nhưng không phải ai cũng "chịu được nhiệt"
Đây là nghề cần phải có đam mê thì mới có thể theo đuổi lâu dài.
- 07-04-2021Những bức ảnh biết nói: Loạt bí mật nghề nghiệp sẽ chẳng ai biết nếu người trong cuộc không chia sẻ, công việc nào cũng có vui buồn riêng
- 02-04-2021Lặn lộn đủ nghề nhiều năm, sự nghiệp phát triển tôi mới nhận ra 6 điều cần phải tránh xa nếu muốn thăng tiến: Càng ngẫm càng thấy giá trị!
- 30-03-20219 nghề nghiệp hái ra tiền lạ lùng không ngờ : Có nghề nhàn tênh, "được ăn được nói, được gói mang về"
Một mùa tuyển sinh đại học nữa lại đến. Thời điểm này, các em học sinh cuối cấp đang đau đầu ôn luyện và cân nhắc đăng ký trường cũng như ngành học. Mới đây, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa có phân tích về tỷ lệ nguyện vọng 1 của thí sinh đăng ký đại học năm nay so với tổng chỉ tiêu mỗi nhóm ngành.
Theo đó, những ngành hot nhất, nhiều thí sinh đăng ký nhất năm nay là: An ninh Quốc phòng (566,82%); Báo chí và thông tin (311,65%), Nghệ thuật 210,7%); Du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân (201%), Khoa học xã hội và hành vi (197,97%).
Ngành báo chí thông tin học những gì? Trường nào tuyến sinh?
Xếp thứ 2 trong số những ngành hot năm nay là ngành Báo chí và thông tin. Đây là ngành học quen thuộc nhưng chưa chắc em học sinh cuối cấp nào cũng nắm rõ thông tin về tuyển sinh, nội dung đào tạo,...
Theo đó, Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội được thể hiện thông qua chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử.
Còn ngành Báo chí là một ngành khoa học xã hội đào tạo kiến thức về phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tế. Xây dựng chuyên môn để xử lý những vấn đề có quy mô địa phương, vùng miền.
Báo chí được mệnh danh là ngành "quyền lực mềm".
Tại Hà Nội, có 2 trường đại học top đầu đang đào tạo ngành Báo chí là:
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC, 36 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy). Đây là ngôi trường đào tạo về báo chí top đầu cả nước. Hiện tại khối ngành Báo chí của trường bao gồm các chuyên ngành ngành Báo in; Ảnh báo chí; Báo phát thanh; Báo truyền hình (hệ chuẩn); Quay phim truyền hình; Báo mạng điện tử (hệ chuẩn); Báo truyền hình (chất lượng cao); Báo mạng điện tử (chất lượng cao).
Để trúng tuyển ngành Báo chí của AJC, thí sinh còn phải trải qua Bài kiểm tra năng khiếu do trường ra đề và tổ chức chấm thi. Tổng thời gian làm bài thi Năng khiếu báo chí là 150 phút. Các thí sinh phải trải qua hai phần thi. Phần thứ nhất chiếm 3/10 điểm bao gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 30 phút. Nội dung đề thi nằm trong các môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn của chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12. Phần thứ hai chiếm 7/10 điểm.
Đề thi trắc nghiệm môn Năng khiếu Báo chí.
Đề thi tự luận môn Năng khiếu Báo chí.
Đối với thí sinh dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình, Ảnh báo chí, thí sinh sẽ xem hình ảnh (ảnh chụp, video clip) và viết luận không quá 500 chữ về hình thức, kỹ thuật, nội dung hình ảnh được xem trong thời gian 30 phút. Số điểm tối đa đạt được ở bài viết này là 3 điểm.
Với 4 điểm còn lại, thí sinh sẽ trả lời phỏng vấn trực tiếp trước ban giám khảo. Nội dung phỏng vấn sẽ xoay quanh những hiểu biết về lĩnh vực quay phim truyền hình, ảnh báo chí; kiến thức về tạo hình và bố cục, tư duy hình ảnh; ý tưởng sáng tạo; khả năng giao tiếp.
Học viện Báo chí và truyên truyền.
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (336 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân): Hiện trường đang tuyển sinh 2 chuyên ngành là Báo chí (Mã ngành: QHX01) và Báo chí chương trình đào tạo CLC (Mã ngành: QHX40). Với chương trình đào tạo CLC, thí sinh phải đảm bảo điều kiện môn Ngoại ngữ (tiếng Anh) của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt tối thiểu điểm 4.0 trở lên (theo thang điểm 10) hoặc có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương theo quy định của Bộ GD-ĐT và ĐHQGHN.
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Vì sao ngành Báo chí lại có sức hút lớn?
Nếu là một người có tính cách năng động, ưa tìm hiểu và khám phá thì ngành Báo chí chắc chắn là lựa chọn đúng đắn. Bởi người làm báo cần có tư duy, tác phong làm việc nhanh nhẹn, bám sát các sự kiện nóng diễn ra trong nước và thế giới. Cũng bởi tính chất nghề nghiệp nên họ thường biết các tin tức sốt dẻo trước người thường.
Ngoài ra, nghề biên tập viên/ phóng viên giúp bạn được gặp gỡ với người nổi tiếng, những nhân vật thú vị, những nhân vật có câu chuyện éo le, cảm động. Nhờ vậy mà sự hiểu biết, các mối quan hệ cũng phong phú hơn.
Thu nhập của ngành Báo chí có ổn không?
Thu nhập cao hay không là câu hỏi chung của tất cả những em học sinh cuối cấp đang có nguyện vọng đăng ký ngành Báo chí. Giống như mọi ngành nghề khác, thu nhập của ngành Báo chí cũng tùy thuộc vào kinh nghiệm và năng lực thực tế. Đặc biệt, Báo chí là ngành cần rất nhiều kinh nghiệm.
Hiện tại, thu nhập của các biên tập viên/ phóng viên thường được tính theo lương cứng và nhuận bút. Tổng thu nhập của họ sẽ dao động từ 8 - 20 triệu đồng, hoặc hơn, tùy vào năng lực, độ chăm chỉ và vị trí công việc. Bất kỳ công việc nào cũng vậy, càng có năng lực, mức lương sẽ càng cao.
Ngành báo chí: Vui nhưng cũng... khá mệt!
Ngành báo chí giúp bạn có cơ hội gặp gỡ nhiều người, nắm bắt nhanh nhạy các sự kiện xã hội. Tuy nhiên mặt trái là các biên tập viên/ phóng viên sẽ không có giờ làm việc cố định. Bất kỳ khi nào có tin nóng, ngay cả khi nửa đêm, thì bạn sẽ phải "lên đường" ngay và luôn để tìm hiểu, cập nhật tin tức nhanh và chính xác nhất tới độc giả.
Bên cạnh đó, người làm báo còn lao vào các vùng nguy hiểm như vùng lũ lụt, sạt lở đất, dịch bệnh,... để tác nghiệp. Do vậy họ phải có sức khỏe thật tốt, cùng đam mê nghề nghiệp. Nếu không khó mà theo đuổi nghề lâu dài.
Quan trọng nhất, người làm báo phải cẩn thận, chân thật trong từng con chữ, tuyệt đối không được phản ánh thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân và tập thể.
Xã hội ngày càng phát triển, xu hướng báo chí cũng thay đổi chóng mặt từ báo in sang các trang báo điện tử. Vì vậy, người làm báo cần rèn luyện các kỹ năng làm việc độc lập, linh hoạt và sáng tạo để thích ứng với sự chuyển biến của ngành. Chẳng hạn như trau dồi thêm các kỹ năng quay phim, chụp ảnh,...
Nhịp sống Việt