MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu thép bứt phá: NKG, SMC, TLH đồng loạt tăng trần, HSG và HPG tiếp đà tăng với thanh khoản cao

Mặc dù cả nhóm thép tăng mạnh nhưng dòng tiền chủ yếu tập trung vào 3 mã HPG, HSG và NKG.

Thông tin mới nhất từ Bloomberg ghi nhận, trong một phân tích sơ bộ của thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối, Moderna cho biết vắc-xin Covid-19 của họ đã có hiệu quả 94,5% trên người. Kết quả tích cực của Moderna được công bố chỉ 1 tuần sau thông báo tương tự của Pfizer cùng BioNTech với hiệu quả hơn 90%. Hiện, cả 2 loại vắc-xin đều được nghiên cứu dựa trên RNA.

Một lần nữa, thị trường chứng khoán tăng điểm tích cực trước kỳ vọng mới về việc đẩy lùi Covid-19. Cùng với đó, triển vọng mới nhất từ hiệp định RCEP cũng hỗ trợ đà tăng cho nhiều nhóm ngành liên quan, đặc biệt ngành thép.

Chốt phiên 17/11, các doanh nghiệp thép niêm yết NKG, HPG, HSG, TLH, POM… hút mạnh dòng tiền và sự chú ý của nhà đầu tư. 

Riêng mã NKG của Thép Nam Kim sớm kịch trần, giao dịch tại mức 11.400 đồng/cp với thanh khoản khớp lệnh đạt 8,5 triệu đơn vị. Tăng trần còn có POM của Thép Pomina, TLH của Thép Tiến Lên, VIS của Thép Việt – Ý, TVN của VNSteel... Trong đó POM đã có 5 phiên tăng trần liên tiếp.

Cổ phiếu thép bứt phá: NKG, SMC, TLH đồng loạt tăng trần, HSG và HPG tiếp đà tăng với thanh khoản cao,  - Ảnh 1.

Giá đóng cửa phiên 17/11

Riêng 2 mã được quan tâm gần đây là HSG của Tập đoàn Hoa Sen và HPG của Tập đoàn Hoà Phát, lần lượt vượt vùng giá 33.000 đồng/cp và 19.000 đồng/cp, thanh khoản tốt. Trong đó, HSG và NKG đang hưởng lợi từ việc gia tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng nhờ mức thuế thấp hơn thông qua Hiệp định CPTPP, EVFTA, và mới nhất là kỳ vọng từ RCEP.

Cổ phiếu thép bứt phá: NKG, SMC, TLH đồng loạt tăng trần, HSG và HPG tiếp đà tăng với thanh khoản cao,  - Ảnh 2.

Ghi nhận, tại mảng tôn mạ nơi HSG và NKG kinh doanh chính, sản lượng xuất khẩu tăng trưởng mạnh đã thúc đẩy tổng tiêu thụ sản phẩm này. Các nhà sản xuất Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 530 nghìn tấn trong quý 3, tăng 75,6% so với quý liền trước và 65,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, tiêu thụ tôn mạ đã tăng mạnh 15,2%, từ 952 nghìn tấn trong quý 3/2019 lên 1.100 nghìn tấn trong quý 3/2020.

Riêng HSG, quý cuối niêm độ 2019-2020 (1/7/2020 - 30/9/2020) Công ty xuất 275.668 tấn, tăng 154% so với cùng kỳ. Tương ứng, Công ty đạt 8.349 tỷ, LNST 400 tỷ đồng. Luỹ kế cả niên độ 2019-2020, HSG báo lãi 1.100 tỷ đồng - tăng 204% so với năm ngoái và vượt 175% chỉ tiêu đề ra ban đầu.

NKG cũng khép lại quý 3/2020 với lãi sau thuế 83 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng, Công ty đạt lãi sau thuế 141 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm 2019.

Còn với HPG, doanh nghiệp hiện có sản phẩm chính là thép xây dựng và ống thép: Điều này khiến HPG trở thành ứng cử viên sáng giá nhất trong việc hưởng lợi từ đầu tư công. Trong phân khúc thép xây dựng, cạnh tranh trực tiếp với HPG là POM, VCA, Việt Nam Kyoei... Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không có được năng lực sản xuất lớn như HPG. Dù vậy, HPG cũng đang đối mặt với áp lực giá quặng thép tăng cao, biên lãi theo giới phân tích có thể bị thu hẹp trong quý cuối năm.

Riêng 9 tháng đầu năm, HPG ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 65.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019. Yếu tố tăng mạnh phải kể đến thép thô khi doanh nghiệp vượt lên dẫn đầu về sản lượng sản xuất với 575.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 19% so với tháng 8/2020 và gần gấp đôi so với cùng kỳ 2019. Trong năm 2020, HPG đã ký hợp đồng xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc với Tập đoàn CIEC Hàng Châu với sản lượng 120.000 tấn thép tương đương với giá trị 1.000 tỷ đồng.

Chưa kể, khi tổ hợp Dung Quất xây dựng xong, HPG sẽ bắt đầu mở rộng sang thị trường thép cán nóng (vốn chỉ có Formosa Hà Tĩnh là nhà sản xuất duy nhất ở Việt Nam) và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm tôn mạ.

Cổ phiếu thép bứt phá: NKG, SMC, TLH đồng loạt tăng trần, HSG và HPG tiếp đà tăng với thanh khoản cao,  - Ảnh 3.

Nguồn: PHFM.

Tựu chung, dù không tránh khỏi áp lực từ Covid-19, ngành thép năm nay ngược lại cũng nhận được nhiều cơ hội mới: Từ việc mở rộng đường xuất khẩu, chính sách đầu tư công quyết liệt của Chính phủ đến kỳ vọng về nhu cầu nhà ở, xây dựng sẽ hồi phục trở lại tronh quý cuối năm.

Riêng RCEP, sau 8 năm đàm phán, Hiệp định đã được 15 nước, bao gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, ký kết sáng 15/11/2020. Với ngành thép, Trung Quốc - nguồn cung nguyên liệu chủ yếu hiện nay – có mặt trong RCEP sẽ hỗ trợ tháo gỡ vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên