MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành tôm Thái Lan điêu đứng vì Covid-19

21-12-2020 - 12:00 PM | Thị trường

Ngành tôm Thái Lan điêu đứng vì Covid-19

Thái Lan hôm 19/12/2020 đã buộc phải phong tỏa khẩn cấp tỉnh Samut Sakhon, một tỉnh ở miền Tây Nam nước này và là trung tâm của ngành thủy sản quốc gia với hàng nghìn công nhân nhập cư, sau khi ổ dịch Covid-19 bùng phát ở chợ tôm của tỉnh này. Ngày 20/12/2020, Thái Lan bắt đầu tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho hàng chục nghìn người và truy tìm dấu vết những người liên quan.

Somsak Paneetatyasai, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan, cho biết đợt bùng phát dịch bệnh này là tin xấu đối với xuất khẩu tôm vì có tới 30% tôm của nước này đến từ Samut Sakhon. Thái Lan là một trong 10 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.

Ông Somsak dự báo, xuất khẩu tôm của Thái Lan năm nay sẽ giảm 14%, chỉ đạt 150.000 tấn, với trị giá giảm 21% xuống 44 tỷ baht, chủ yếu do đại dịch Covid-19 và đồng bath tăng giá.

Theo ông Somsak, đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất này đã làm suy giảm nghiêm trọng nhu cầu tôm đúng vào dịp Giáng sinh và Năm mới, giữa bối cảnh ngành du lịch năm nay vô cùng ảm đạm do dịch Covid-19.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Hiệp hội này dự báo xuất khẩu tôm Thái Lan năm 2020 sẽ hồi phục với mức tăng trưởng đạt 20% nhờ sản lượng tăng.

Nhưng trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của nước này chỉ đạt 123.279 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái; trị giá giảm 11% xuống 35,9 tỷ baht.

Ngành tôm Thái Lan điêu đứng vì Covid-19 - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm của Thái Lan trong giai đoạn tháng 1-10/2020 so với 2019

Ông Somsak cho biết, sản lượng tom Thái Lan năm nay ước tính giảm 7% so với năm 2019, từ 290.000 tấn (năm 2019) xuống 270.000 tấn, do dịch bệnh ở tôm và nhu cầu toàn cầu suy yếu vì đại dịch.

Sản lượng tôm thế giới năm nay dự báo cũng sẽ giảm 3% xuống 3,32 triệu tấn.

Ngành tôm Thái Lan điêu đứng vì Covid-19 - Ảnh 2.

Sản lượng tôm thế giới từ 2013 đến 2020 (2020 là con số ước tính)

Tuy nhiên, ông Somsak lạc quan về triển vọng năm tới, dự báo sản lượng tôm của nước này sẽ tăng 15% trong năm 2020 lên 310.000 tấn, và xuất khẩu cũng sẽ tăng 15%.

Theo ông, nhu cầu trong nước năm tới có thể sẽ tăng cao do các biện pháp kích thích tiêu dùng của chính phủ, chủ yếu thông qua chương trình đồng thanh toán.

Nhu cầu nội địa ước tính chiếm khoảng 25% tổng sản lượng tôm Thái Lan, chủ yếu nhờ ngành du lịch phát triển. Hiệp hội Tôm dự kiến tiêu thụ tôm nội địa năm tới sẽ tăng 40-50%.

"Trở ngại chính đối với ngành tôm là đồng baht. Đồng tiền này hiện mạnh hơn 11% so với năm 2017 (khi đó baht trung bình ở mức 33,68 THB/USD). Trong khi đó, đồng rupee Ấn Độ và tiền đồng của Việt Nam giảm lần lượt 14% và 2% trong cùng khoảng thời gian", ông Somsak cho biết, và khẳng định: "Đồng baht mạnh lên là vấn đề của cấp quốc gia mà chính phủ cần giải quyết."

Banjonk Nissapawanich, Chủ tịch Liên đoàn Nuôi trồng Thủy sản Thái Lan, cho biết người nuôi tôm ở tất cả các khu vực đang phải đối mặt với dịch bệnh trên tôm lan rộng (hội chứng phân trắng, hội chứng đốm trắng hoặc hội chứng chết sớm), đang cản trở hiệu quả sản xuất tôm nói chung.

Tham khảo: Bangkokpost và Reuters

Tuấn Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên