MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày mai 11/4, tòa tuyên án với các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát

10-04-2024 - 16:08 PM | Bất động sản

rước đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổng hợp mức hình phạt là tử hình đối với 3 tội danh.

Sau hơn một tháng xét xử và nghị án, ngày mai (11/4), dự kiến TAND TP.HCM sẽ tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo khác liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

SCB - công cụ tài chính của Trương Mỹ Lan

Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là bị cáo duy nhất bị đề nghị tổng hợp mức án là tử hình về 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngày mai 11/4, tòa tuyên án với các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình. Ảnh: Tỷ Huỳnh

Quá trình tranh tụng tại toà, bị cáo Lan và các luật sư bào chữa từng nhiều lần đề nghị HĐXX xem xét lại hoàn cảnh xảy ra vụ án, xem xét lại các cáo buộc “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” đối với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đồng thời, đề nghị HĐXX xem xét lại hậu quả thiệt hại trong hành vi vi phạm quy định về cho vay.

Theo các luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ là một nhà đầu tư hợp pháp của SCB, đưa rất nhiều tài sản của gia đình vào ngân hàng này nhằm cơ cấu lại các khoản nợ xấu, bảo đảm thanh khoản cho Ngân hàng SCB tránh bị sụp đổ. Bị cáo Trương Mỹ Lan không có vai trò là người quản lý, điều hành Ngân hàng SCB nên không có đủ dấu hiệu là chủ thể của tội “Tham ô tài sản”.

Về cáo buộc tội “Đưa hối lộ”, các luật sư bào chữa cho bị cáo Lan cho rằng, ngoài lời khai của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) hoàn toàn không có chứng cứ nào khác chứng minh thân chủ đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra SCB). Theo các luật sư, tính khách quan của lời khai này của Võ Tấn Hoàng Văn cần được đánh giá lại.

Ngày mai 11/4, tòa tuyên án với các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát- Ảnh 2.

Các Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại toà. (Ảnh: H.H)

Đối đáp tại toà, đại diện VKSND cho biết, tính đến tháng 10/2022, bị cáo Lan đã thâu tóm và nắm giữ trên 91% vốn điều lệ của Ngân hàng SCB. Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, toàn bộ tài sản bị cáo Trương Mỹ Lan đưa vào Ngân hàng SCB chỉ là phương thức, thủ đoạn phạm tội.

Theo cơ quan công tố, kết quả điều tra đã chứng minh rõ, thực tế bị cáo Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản như bị cáo trình bày. Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng tiền thân của SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan còn rất nhiều khoản nợ tại SCB và Ngân hàng Tín Nghĩa.

Đến khi hợp nhất, SCB xác định đây là những khoản nợ khó thu, tài sản đảm bảo có giá trị thấp. Bị cáo không hề có tiềm lực tài chính nhưng lại muốn sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền của dân phục vụ cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích kinh doanh bất động sản.

Ngày mai 11/4, tòa tuyên án với các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát- Ảnh 3.

Nói lời sau cùng, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt, giữ lại mạng sống cho vợ để cùng khắc phục hậu quả vụ án. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Nhiều bị cáo nhận thức được sai phạm

Xuyên suốt phiên toà, nhóm bị cáo nguyên lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát luôn thừa nhận sai phạm của mình. Các bị cáo cho biết, việc thực hiện các hành vi sai phạm lập khống hồ sơ vay và cho vay là vì quá tin tưởng bà Trương Mỹ Lan trong việc tái cơ cấu thành công Ngân hàng SCB.

Khi nhận ra những sai phạm của bản thân và thiệt hại quá lớn, nhiều bị cáo đã chủ động nghỉ việc. Họ cho rằng không được hưởng lợi gì ngoài “làm công ăn lương” nên mong HĐXX xem xét, xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Phủ nhận hầu hết các cáo buộc, song tại toà, bị cáo Trương Mỹ Lan tự nguyện xin được xử lý các tài sản nhằm giải quyết hậu quả vụ án. Bị cáo cũng tự nguyện hứa sẽ kêu gọi bạn bè, người thân cùng phối hợp giải quyết hậu quả.

Ngày mai 11/4, tòa tuyên án với các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát- Ảnh 4.

Với cáo buộc tội "Nhận hối lộ", bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị đề nghị mức án chung thân (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Quá trình tranh tụng, HĐXX đã tạo điều kiện tối đa cho các bên đối đáp, nhiều tranh luận bổ sung. Nhiều bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, từ đó tỏ ra ăn năn hối cải. Một số bị cáo đã tác động gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Trong quá trình này, sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với các bị cáo, sự thành khẩn của các bị cáo tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị lại mức hình phạt theo hướng giảm nhẹ cho 22 bị cáo, trong đó có chồng và cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Đối với bị cáo bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn cùng các bị cáo còn lại, Viện Kiểm sát nhân dân giữ nguyên quan điểm truy tố và nội dung luận tội.

Ngày mai 11/4, tòa tuyên án với các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát- Ảnh 5.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng được Viện Kiểm sát đề nghị lại theo hướng giảm nhẹ hình phạt, với mức án 11 – 12 năm tù. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Theo Tỷ Huỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên