MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngay trước khi gặp ông Tập Cận Bình, ông Trump cấm vận thêm 4 công ty và 1 viện nghiên cứu công nghệ của Trung Quốc

22-06-2019 - 09:26 AM | Tài chính quốc tế

Thông báo được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra hôm qua cho biết 4 công ty và 1 viện nghiên cứu tham gia vào nỗ lực phát triển siêu máy tính của Trung Quốc đã bị cho vào danh sách đen.

Chỉ vài ngày trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump vừa bổ sung thêm 5 thực thể của Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại.

Thông báo được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra hôm qua cho biết 4 công ty và 1 viện nghiên cứu tham gia vào nỗ lực phát triển siêu máy tính của Trung Quốc đã bị cho vào danh sách đen mà theo đó giống như Huawei, các thực thể này sẽ không thể mua các linh kiện và phần mềm từ Mỹ. Bộ này cho rằng chương trình phát triển siêu máy tính của Trung Quốc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của nước Mỹ vì chúng được sử dụng trong quân đội.

Những công ty mới bị đưa vào danh sách gồm có: công ty Sugon, công ty Higon, công ty Chengdu Haiguang Integrated Circuit và Chengdu Haiguang Microelectronics Technology, Viện Công nghệ Máy tính Vô Tích Giang Nam (Wuxi Jiangnan Institute of Computing Technology).

Trong đó Viện công nghệ Máy tính Vô Tích Giang Nam do Viện Nghiên cứu số 56 thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa sở hữu. Theo Bộ Thương mại Mỹ, nhiệm vụ của tổ chức này là hỗ trợ "việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc".

Động thái của Mỹ với Huawei đã làm dấy lên nỗi lo rằng cuộc chiến thương mại nổ ra từ năm ngoái nay đang trở thành xung đột kinh tế có phạm vi rộng hơn, tập trung vào việc cắt đứt con đường tiếp cận công nghệ Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời buộc các doanh nghiệp Mỹ phải chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Và động thái hôm qua của Bộ Thương mại Mỹ càng khiến nỗi lo này trở nên lớn hơn.

Sự việc xảy ra trong bối cảnh cả hai bên đều đang cố gắng tránh leo thang chiến tranh thương mại – cuộc chiến mà nhiều người cho là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang tăng trưởng chậm lại.

Hôm đầu tuần, ông Trump thông báo sẽ gặp ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào ngày 28-29/6 tại Nhật Bản, trong nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại đã đổ vỡ tháng trước. Trong 1 động thái được coi là "hướng tới hòa bình", hôm qua Nhà Trắng thông báo hoãn bài phát biểu quan trọng về nhân quyền ở Trung Quốc do Phó Tổng thống Mike Pence thực hiện do đã đạt được một số tiến triển trong các cuộc thảo luận với Bắc Kinh.

Theo lịch ban đầu, ông Pence sẽ phát biểu vào thứ hai tuần sau. Tuy nhiên, quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đã quyết định sẽ lùi bài phát biểu lại sau khi hội nghị G20 kết thúc.

Những động thái trái chiều cho thấy xung đột ngay trong chính quyền Trump về quan điểm đối với Trung Quốc. Trong khi một số người muốn đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để tạo lực đẩy cho nền kinh tế Mỹ (vốn đang trì trệ) nhằm tạo điều kiện thuận lợi bước vào cuộc bầu cử năm 2020, một số người lại muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc trên nhiều mặt trận.

An Nguyên

Bloomberg

Trở lên trên