Nghe con trai kể chuyện "bán mình được 150 đô" để hoàn thành bài tập trên lớp, nữ doanh nhân nổi tiếng dạy con 4 bài học khắc-cốt-ghi-tâm
Được giao đề bài làm sao để kiếm đủ tiền trả sinh hoạt phí, con trai của nữ doanh nhân Đoàn Thu Thủy đã phải đưa ra "phương án" cuối cùng là bán mình với giá 150 đô để hoàn thành bài tập thầy giáo giao. Bài học mà nữ doanh nhân để lại cho con: "Trên đời này có khi mạng người rẻ hơn kim cương, vàng bạc. Lẽ ra cái cần bán là trí tuệ, là cái đầu của con thì giá trị sẽ được định tuỳ theo khả năng con có, còn bán mình làm lao động chân tay thì giá rẻ mạt là đúng rồi."
- 20-11-2020Tỷ phú Mark Cuban: Đây là kỹ năng cần thiết cha mẹ nên dạy cho con cái
- 17-11-2020Chàng trai bán thận mua iPhone 4 ngày ấy: Cuộc sống hiện tại quá bi kịch, các bậc cha mẹ nhìn vào rút ngay kinh nghiệm dạy con
- 16-11-2020Chủ tịch Lotte: Vinh quang cả đời nhưng cuối cùng bị con trai lật đổ, nhìn sang các gia tộc giàu có khác mới thấy ông mắc 1 sai lầm nghiêm trọng khi dạy con
Là một người mẹ đơn thân với nhiều quan điểm dạy con sâu sắc, nghệ nhân Ẩm thực Đoàn Thu Thủy có lẽ không còn xa lạ gì với các bậc phụ huynh, nhất là chị em phụ nữ. Bên cạnh nhiều vai trò trên thương trường khi vừa là Giám đốc của một công ty về vận tải biển, vừa là chủ sở hữu nhà hàng rất có tiếng tăm tại TP. HCM, chị cũng thường dành thời gian để chia sẻ những mẩu chuyện thường ngày với con nhưng mang đậm tính giáo dục.
Giáo dục một đứa trẻ chưa bao giờ là dễ, đặc biệt cách dạy con gái và cách dạy con trai không hề giống nhau. Mới đây, nữ doanh nhân Đoàn Thu Thủy đã kể lại một câu chuyện sau khi nói với con trai về sự kiện xảy ra ở trường. Bằng giọng văn êm dịu, từ tốn của người mẹ, chị Thủy đưa ra rất nhiều bài học sau cùng dành cho con trai.
"Chiều về nhà, cậu con trai kể chuyện ở trường:
- Hôm nay các lớp 5 của trường con có một buổi học chung với nhau, tụi con làm sao để kiếm tiền trả tiền nhà, tiền điện nước, nếu không đủ sẽ bị đuổi ra khỏi nhà và đến ở trại tế bần.
Tôi hỏi, vậy con bán thứ gì?
- Mới đầu con bán đôi giày được 20 đô, không đủ tiền cuối cùng con bán mình được 150 đô mới đủ.
- Vậy nghĩa là con bán mình làm nô lệ, vậy con sẽ làm gì?
- Thầy bắt con lau bàn... Mà không hiểu sao bạn con bán sợi dây chuyền được 400 đô, hơn cả con luôn?"
Từ bài học mà cậu con trai học được ở trường, chị Thủy phân tích kĩ càng cho con rằng mọi thứ trên đời không tự nhiên sinh ra. Tất cả những thứ con sở hữu, đó có thể là công sức làm việc vất vả của cha mẹ.
"Con trai,
Các thầy đang dạy cho con bài học: trên đời này có khi mạng người rẻ hơn kim cương, vàng bạc. Lẽ ra cái cần bán là trí tuệ, là cái đầu của con thì giá trị sẽ được định tuỳ theo khả năng con có, còn bán mình làm lao động chân tay thì giá rẻ mạt là đúng rồi.
Còn bạn con có đứa bán con mắt, bán cái tay nên bị bịt mắt lại, bị cột tay không được hoạt động tới 3 giờ chiều, phải nhờ bạn dẫn đi.
Con trai,
Các thầy đang dạy cho các con bài học biết quý trọng các bộ phận trên cơ thể, không được đem bán bất cứ bộ phận nào. Vừa rồi mẹ đọc báo thấy có người thanh niên bán thận mua iPhone giờ nằm liệt giường. Còn người còn của, có sức khỏe mới làm ra của cải vật chất.
Rồi có người lấy cái kính cận của bạn đem đi bán mà không hỏi ý bạn nên cuối cùng phải làm bài cho bạn đó vì bạn không thấy đường.
Con trai,
Đồ đạc của người khác không bao giờ được lấy khi chưa có sự đồng ý của người ta, nếu không sẽ phạm tội trộm cắp, nhẹ thì phải đền, nặng có khi bị bắt vào tù.
Và hôm nay con đã học được bài học rất quan trọng. Để có nơi ở, các con đã phải làm rất nhiều việc, thậm chí cả bán mạng. Vậy con có biết cha mẹ đã phải làm việc thế nào để các con có căn nhà che mưa che nắng, có cơm ăn áo mặc, được đi học đàng hoàng hay không?
Những việc vặt trong nhà như hút bụi, rửa chén, giặt đồ đôi khi các con còn lười biếng không muốn làm, muốn ăn ngon, mặc đẹp mà đâu có biết muốn có những thứ đó cha mẹ phải lao động kiếm tiền cật lực."
Kết thúc cuộc trò chuyện là câu trả lời vô-cùng-thấm-thía đến từ phía cậu con trai: "Dạ bây giờ con biết không có tiền thì không có gì cả, không có nhà để ở, không có cơm để ăn, không được đi học, không được đi chơi... rất khổ. Vậy con phải học để sau này dùng trí tuệ để kiếm tiền."
Trí thức trẻ