Nghề "lạ" đang nổi như cồn trong giới trẻ Trung Quốc - thúc giục khách hàng làm việc của mình: Doanh thu lên đến 300 triệu VNĐ/tháng, bản thân cũng tự hoàn thiện hơn
Công việc này không chỉ là "cứu cánh" cho những người lười, mà còn đem lại khoản thu nhập khá ổn dành cho các sinh viên đại học.
- 08-07-2021Nghỉ hưu ở tuổi 27 với khoản tiết kiệm 100 triệu VNĐ, cô gái trẻ Hưng Yên khiến CĐM tranh cãi dữ dội: Là dũng cảm sống thật với chính mình hay vô trách nhiệm với bản thân và xã hội?
- 07-07-2021Đọc hàng chục cuốn sách tài chính, tôi nhận ra công thức đổi đời chỉ gói gọn trong 7 chiến lược đã tồn tại suốt nghìn năm qua: Ai cũng có thể giàu, bởi giàu là một tư duy
- 01-07-2021Hàng nghìn người nghỉ hưu trước tuổi 45 đã chia sẻ cách giúp họ đạt được mục tiêu lý tưởng: Siêu tiết kiệm không phải thượng sách!
Yu Benqin là sinh viên năm nhất ngành kỹ thuật mạng tại ĐH Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang). Năm 2018, khi đang học năm nhất, Yu Benquin hết sức chểnh mảng. Cậu chơi video game mỗi ngày đến tận 3-4h sáng, nên luôn đi học muộn.
Bực bội với chính mình, Yu tìm mọi cách để sửa đổi. Từ lên thời gian biểu cá nhân đến dùng các câu trích dẫn hay để động viên bản thân, cậu áp dụng nhưng không hiệu quả. Cuối cùng, Yu đành nhờ tới bạn cùng phòng.
Cả hai thống nhất sẽ dậy cùng một giờ mỗi sáng; nếu ai không dậy, người còn lại sẽ kéo người kia ra khỏi giường. Giao kèo này giúp Yu thức dậy đúng giờ, nhưng cậu vẫn lười biếng trong các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, cậu luôn mất quá nhiều thời gian để học bài và thường xuyên quên làm việc nhà.
Trong một lần tìm mua sách trên trang thương mại điện tử Taobao, Yu được quảng cáo về một dịch vụ kỳ lạ: giám sát khách hàng hoàn thành công việc của mình. Nhận thấy nghề này "cung chưa đủ cầu", cậu nhanh chóng nắm bắt cơ hội.
Tháng 2/2018, Yu mở cửa hàng online trên Taobao, thành lập đội ngũ giám sát viên gồm khoảng chục bạn học. Họ có một nhiệm vụ duy nhất: thúc giục khách hàng hoàn thành công việc, chẳng hạn như giảm cân, thức dậy đúng giờ, dắt chó đi dạo, đón con từ trường…
Khách hàng của Yu rất đa dạng, từ những đứa trẻ 5-6 tuổi cho đến người già 50 tuổi. Trong khi đó, đa số các chủ cửa hàng cung cấp dịch vụ này chỉ mới hơn 20 tuổi, còn các giám sát viên part-time phần nhiều là sinh viên đại học hoặc vừa ra trường, đang muốn kiếm thêm tiền.
Nhu cầu cao, doanh thu hơn 300 triệu VNĐ/tháng
Chỉ mất khoảng 2 năm, chàng trai 21 tuổi này đã đạt mức doanh thu hơn 100.000 NDT/tháng (355 triệu VNĐ). Yu đã mở thêm 2 cửa hàng trên Taobao, mỗi cửa hàng đều có nhân viên riêng.
"Vì không có lợi thế cạnh tranh, cách duy nhất để chúng tôi kiếm thêm khách hàng là mở thêm cửa hàng", cậu cho biết.
Dịch Covid-19 bùng phát càng khiến doanh số cửa hàng tăng cao. Trong giai đoạn phong tỏa, tất cả các cửa hàng của Yu đều có mặt trong top 5 dịch vụ giám sát của Taobao. Mỗi cửa hàng của cậu có thể mang về đến 4.000 NDT/ngày (14 triệu VNĐ).
Vào lúc cao điểm, Yu phải thuê tới 1.000 giám sát viên. Mỗi ngày, có khoảng 400 bạn trẻ ứng tuyển cho công việc với mức lương 100-150 NDT/tháng/khách (355.000-533.000 VNĐ) này.
Yu cung cấp 2 gói dịch vụ cho khách hàng: cơ bản và chuyên sâu. Đầu tiên, khách hàng phải viết sẵn kế hoạch cho ngày hôm sau và gửi đến giám sát viên. Ai dùng dịch vụ cơ bản sẽ phải tự mình gửi báo cáo tiến độ, còn giám sát viên sẽ chỉ kiểm tra 3 lần/ngày - vào trưa, tối và trước khi đi ngủ.
Với những người lựa chọn dịch vụ chuyên sâu, họ sẽ được giám sát viên nhắc nhở trước và sau mỗi công việc. Kết quả sẽ được kiểm tra theo thời gian thực thông qua ảnh hoặc video. Mỗi đêm, khách hàng sẽ ngồi nói chuyện với giám sát viên của mình.
Tại cửa hàng của Yu, gói cơ bản có giá 133 NDT/tháng (472.000 VNĐ), còn gói chuyên sâu có giá 400 NDT/tháng (1,4 triệu VNĐ).
Bản thân Yu cũng đăng ký gói chuyên sâu của cửa hàng mình để quản lý thời gian biểu của bản thân. Sau khoảng 1 tháng, cậu cho biết mình đã tự giác hơn nhiều và không còn cần đến dịch vụ nữa.
Kể từ đó, Yu bắt đầu tham gia một dự án kinh doanh khác và trở nên bận rộn hơn. Quay cuồng trong đống deadline nghiêm ngặt và khao khát kiếm tiền, cậu có thêm động lực để tự mình duy trì sự tập trung.
Zhu Hecun (21 tuổi) đã mở cửa hàng trước Yu khoảng 3 năm. Khi ấy, dịch vụ này chưa có mấy khách hàng, nhiều nhất là 100 người/tháng. Cậu tự mình giám sát khách hàng, làm việc cả ngày đến mức chẳng có thời gian để ăn.
Tuy nhiên, cửa hàng của Yu bỗng dưng nổi tiếng trên truyền thông vào năm 2018, khiến cho đơn đặt hàng tăng gấp 5-6 lần. Không thể làm việc một mình, cậu bắt đầu thuê thêm nhân viên part-time. Số lượng nhân viên của Yu đã lên tới 100 thành viên tính tới hiện tại.
Zhe Hecun khởi nghiệp từ nghề giám sát khách hàng từ khá sớm
Nữ giới chiếm đa số, phải quản lý cùng lúc cả chục khách hàng
Zhu cho biết, đa số các giám sát viên đều là phụ nữ. "Cứ 100 ứng viên thì 98 người là phụ nữ, 2 người đàn ông còn lại cũng không trụ được lâu", cậu nói. Nguyên nhân là do nam giới động viên không giỏi và kém tự nhiên hơn so với phái nữ.
Theo Zhu, phần lớn các giám sát viên làm việc cho cậu vì tò mò, hoặc vì thích giúp đỡ người khác. Nhiều người trong số đó còn sổng rất khá giả. Chẳng hạn, có người sở hữu 5 khối bất động sản ở Thượng Hải, một số lại là du học sinh. Công việc part-time này chỉ vừa đủ khoản tiêu vặt hàng ngày của họ.
Songsong - một sinh viên năm nhất tại Thành Đô - hiện đang làm việc part-time cho Zhu. Sở hữu khả năng thích nghi nhanh, cô đã giám sát khoảng 100 người trong vòng 3 tháng bắt đầu công việc. Mỗi ngày, nữ sinh này có thể giám sát khoảng 45 người cùng lúc.
Bí quyết làm việc của Songsong gồm có: đặt danh sách công việc của khách làm hình nền trong khung chat, đặt báo thức nhắc nhở bản thân kiểm tra khách hàng, cài đặt giờ sẵn cho lời nhắc tiếp theo trên mạng xã hội.
Thế nhưng, ngay cả các giám sát viên đôi khi cũng gặp khó khăn. Càng có nhiều khách hàng, càng có nhiều lời nhắc mà họ phải thực hiện cùng lúc. Khách hàng chỉ thông cảm nếu chậm 1-2 phút chứ hiếm khi hơn.
Có lần, Songsong gọi điện cho khách hàng muộn một chút, khiến anh ngủ quên và không thể đón con đúng giờ. Sau đó, vị khách hàng khó tính này đã hủy toàn bộ đơn đặt hàng với cô.
Mua thẻ tập gym không có nghĩa là sẽ tập thể dục đều đặn; thuê giám sát viên không có nghĩa là sẽ chăm chỉ và tự giác hơn. Giám sát viên chỉ có vai trò hỗ trợ và động viên khách hàng tự tiến bộ.
Theo Songsong, trở ngại lớn nhất trong công việc này là việc khách hàng từ chối giao tiếp.
"Nhiều người trẻ từ chối trò chuyện, bởi họ chỉ sử dụng dịch vụ vì tò mò, chứ bản thân không hề muốn thay đổi", Nianhui - một giám sát viên part-time đang làm việc tại Cáp Nhĩ Tân - cho biết.
Để khách hàng không bỏ cuộc giữa chừng, Nianhui sẽ trao đổi thẳng thắn với họ trước khi bắt đầu dịch vụ. Cô yêu cầu khách phải thành thật, dám nhận lỗi khi mắc sai lầm.
Sau vài ngày giám sát, Nianhui sẽ nắm được một phần tích cách và thói quen của khách hàng. Cô cảm thấy công việc giám sát có chút tương đồng với nghề giáo viên mà mình mơ ước.
"Khi khách hàng đang cố gắng giảm cân mà lại đột nhiên nhắn tin cho bạn, có nghĩa là họ đang cảm thấy đói. Khi khách hàng đang học mà lại muốn chat với bạn, có nghĩa là họ vừa chat xong với bạn bè", Nianhui tiết lộ.
"Bạn phải ngăn cản họ, gợi ý họ uống chút nước hoặc quay lại việc học."
Vui, buồn đằng sau nghề giám sát viên
Theo Bingyan - một sinh viên năm hai ở Bắc Kinh, người đã giám sát khoảng 300-400 khách hàng trong vòng 1 năm qua, ngay cả những sinh viên top đầu cũng cần được giám sát.
Một khách hàng của Bingyan là sinh viên ĐH Oxford đang bị kẹt lại ở Trung Quốc vì dịch Covid-19. Người này chật vật với sự khác biệt về múi giờ và muốn buông xuôi.
Một khách hàng khác của cô là sinh viên ĐH Bắc Kinh. Người này cần ai đó trò chuyện với mình trong lúc học để vơi bớt cảm giác cô đơn. Khách hàng thứ ba là một nghiên cứu sinh thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc. Người này không thể thức dậy đúng giờ mỗi ngày và cần ai đó nhắc việc mỗi ngày.
Bingyan cho biết, không phải khách hàng không làm được mà là họ không muốn bắt tay vào làm. Một giám sát viên giỏi sẽ nhanh chóng nhận ra đâu là động lực thúc đẩy khách hàng và khiến họ thực hiện điều đó.
Bên cạnh đó, một số khách hàng thuê giám sát viên chỉ vì muốn có người trò chuyện cùng. Đôi khi, họ không cần được tư vấn hay giảm sát, mà cần một đôi tai biết lắng nghe.
Một khách hàng của Nianhui đang chuẩn bị thi đại học thì cha mẹ đột ngột ly hôn. Cô bé không giao tiếp nhiều và có rất ít bạn bè. Sau khi gia đình xảy ra chuyện, cô bé tìm tới Nianhui để trò chuyện bất cứ khi nào xuống tinh thần.
Nhờ sự cổ vũ của Nianhui, cô bé này sau đó đã thi đỗ vào một trường đại học ở Cáp Nhĩ Tân.
"Tôi luôn nhắc nhở khách phải trút bỏ được cảm giác phiền muộn", Nianhui nói. "Nếu họ không tìm được ai đó để nói chuyện, tôi sẵn sàng trợ giúp qua tin nhắn".
Sau 3 tháng làm giám sát viên part-time, Songsong đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ khách hàng.
Khi Songsong quá bận để ăn, một khách hàng đã gửi đặc sản tự làm đến cho cô. Một khách hàng khác lại gửi tặng Songsong 4 hộp trà khi biết cô thường ngủ gật trong lớp vì kiệt sức. Một khách hàng khác là thạc sĩ tại ĐH Giao thông Thượng Hải thậm chí còn giúp cô hoàn thành luận văn đại học.
(Ảnh minh họa)
Từ ngày làm giám sát viên, Songsong ngày càng trở nên quy củ. Cô không còn ngủ nướng đến tận trưa vào các dịp cuối tuần, cũng như biết cách sắp xếp công việc và cải thiện tính khí. Do làm việc với nhiều khách hàng khó tính, Songsong buộc phải rèn cho mình tính kiên nhẫn, kể cả khi người sai không phải là cô.
Hiện tại, mỗi tháng Songsong kiếm được khoảng 2.000-3.000 NDT/tháng (10,6-14,2 triệu VNĐ) từ công việc này. Cô dự định sẽ tiếp tục làm công việc này ít nhất thêm 1 năm nữa, bởi nó đem lại cho cô những trải nghiệm ấm áp cùng sự thay đổi tích cực.
"Khi khách hàng trao cho tôi thời gian và kế hoạch của họ, tôi đang gánh vác một phần nào trách nhiệm của họ. Tôi có đủ kiên nhẫn và dũng cảm để đối mặt với nhiều kiểu khách hàng khác nhau. Tôi có thể kiếm tiền từ chính công sức của mình", Songsong nhận xét về công việc part-time cô đang làm.
(Theo Sixthtone)