MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị quyết mới về TP.HCM khơi thông nguồn lực từ lợi thế dòng vốn

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Các doanh nghiệp đang rất mong muốn Nghị quyết mới sớm được triển khai để từ đó tháo gỡ những nút thắt chính sách, cơ chế phát triển.

Gỡ điểm nghẽn dòng vốn

Ông Nguyễn Minh Luân, Cố vấn chiến lược Công ty Cổ phần Phong Phú Vina TP.HCM, doanh nghiệp có hơn 14 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics và năng lượng tái tạo cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các nguồn tín dụng trong nước hầu như bị “đóng băng”.

Để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty buộc phải linh hoạt bằng các dòng tín dụng “hành lang” với lãi suất, chi phí bên lề cao.

Nghị quyết mới về TP.HCM khơi thông nguồn lực từ lợi thế dòng vốn - Ảnh 1.

Nghị quyết 54 mới tập trung nhiều hơn cho các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Theo ông Nguyễn Minh Luân, với Nghị quyết mới về TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ chế, chính sách để đa dạng hình thức huy động nguồn đầu tư, trong đó từ chính nhân viên của mình.

“Nghị quyết 54 mới có các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, dự án để dòng vốn đầu tư “chạy” nhanh hơn. Qua đó giúp doanh nghiệp TP.HCM cũng có sự bứt phá tốt sau thời gian dài khó khăn do bế tắc về dòng tiền” - ông Nguyễn Minh Luân nói.

Theo một số doanh nghiệp, Nghị quyết mới rất cấp thiết đối với TP.HCM. Bởi một số quy định hiện nay chưa bao quát hết các vấn đề của TP, đòi hỏi có khung pháp lý phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo ra không gian, động lực mới để TP.HCM phát triển, khẳng định vai trò đầu tàu.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) bày tỏ tin tưởng thông qua nghị quyết mới sẽ thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược.

Trong nghị quyết mới về TP.HCM có chủ trương cho phép HFIC được tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn cổ phần hóa và nguồn lợi nhuận được doanh nghiệp tích lũy. Khi vốn điều lệ của HFIC tăng lên sẽ cho phép huy động nguồn vốn đối ứng và toàn bộ nguồn vốn huy động được giúp phục vụ cho các chương trình kích cầu của TP.HCM.

Nghị quyết mới về TP.HCM khơi thông nguồn lực từ lợi thế dòng vốn - Ảnh 2.

Nghị quyết 54 mới: Tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, thu hút đầu tư. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Những chương trình này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp ở nhiều nhóm ngành công nghiệp chủ lực. Trong đó, cho phép áp dụng một số cơ chế liên quan đến hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Hình thức “Xây dựng- Chuyển giao” (BT) … .

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết thêm: “Phần nguồn lực của Nhà nước là phần vốn 1 và chúng ta huy động phần vốn đối ứng thứ 2 từ của xã hội, của doanh nghiệp để tăng quy mô đầu tư lên… thì như vậy rõ ràng là chúng ta đang đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn vốn. Có phần vốn của Nhà nước, có phần vốn của xã hội để tạo nên sự cộng hưởng, hợp lực về vốn đáp ứng các nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn của TP.HCM”.

Chủ động khơi thông dòng vốn

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua 1 Nghị quyết có 2 nội dung lớn. Đó là cơ chế phân cấp phân quyền và các chính sách đặc thù.

Theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố là hạt nhân, nguồn động lực. Vì vậy, với Nghị quyết mới được thông qua sẽ tạo cơ chế vượt trội trong thu hút nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo… phù hợp hoặc huy động các nguồn lực tài chính, đất đai.

Nghị quyết mới về TP.HCM khơi thông nguồn lực từ lợi thế dòng vốn - Ảnh 3.

Mở rộng đầu tư theo hình thức PPP, là cách để tạo dòng vốn đầu tư vào các công trình chiến lược về giao thông. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Hiện, TP.HCM đã rất chủ động triển khai các kế hoạch nhằm khơi thông dòng vốn, nhất là dòng vốn cho vấn đề phát triển kinh tế liên vùng.

“Điểm nghẽn về hạ tầng rất quan trọng. Các công trình hạ tầng giao thông được tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới đây nhất là vấn đề liên kết phát triển vùng. Hai điểm nghẽn nay khi được tháo gỡ chính là điều kiện môi trường phát triển mới. Theo tôi là rất căn bản” - TS. Trần Du Lịch nói.

Nghị quyết mới về TP.HCM được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đánh giá cao. TP.HCM cũng đã sẵn sàng để triển khai Nghị quyết. Với những cơ chế chính sách vượt trội, Nghị quyết được kỳ vọng là đòn bẩy quan trọng để kinh tế của TP.HCM và của vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển sang một giai đoạn mới.

Theo Nguyễn Quang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên