Nghị quyết Quốc hội và những yêu cầu có thể khiến ngân hàng “bối rối”
“Nguồn lực phù hợp” trong xử lý nợ xấu đang là nội dung chờ những dẫn giải cụ thể...
Ngày 8 và 9/11, Quốc hội lần lượt thông qua hai nghị quyết quan trọng: nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Xét riêng trong lĩnh vực ngân hàng, một số định hướng và mục tiêu tại hai nghị quyết trên có thể cần phải dẫn giải cụ thể hơn.
Không được kê vốn, sao với tiêu chuẩn cao?
Ở nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu (nghị quyết thứ nhất), ngày 8/11, Quốc hội yêu cầu từng bước áp dụng tiêu chuẩn Basel 2 tại các tổ chức tín dụng. Đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel 2, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel 2 (phương pháp tiêu chuẩn trở lên).
Yêu cầu trên được xác định hoàn thành trước năm 2019.
Ở nghị quyết về kế hoạch tài chính (nghị quyết thứ hai), ngày 9/11, Quốc hội chính thức xác định không sử dụng ngân sách Nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại.
Đặt hai nội dung trên cạnh nhau, dường như có mâu thuẫn. Thực tế nội dung này đã nổi lên trong hoạt động ngân hàng từ đầu 2016 đến nay: các ngân hàng thương mại Nhà nước không thể tăng được vốn.
Trong nhóm “Big 4”, ngoại trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có đặc thù tập trung phục vụ khu vực nông nghiệp - nông thôn và chưa cổ phần hóa, ba thành viên còn lại là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đều là những ứng viên thí điểm thực hiện chuẩn mực Basel 2.
Xét về thị phần, khối “Big 4” đang áp đảo toàn hệ thống các tổ chức tín dụng về tổng tài sản, chiếm trên dưới 50% tổng tín dụng và huy động. Hiệu quả kinh doanh là chuyện khác, còn điều luôn được khẳng định thì đây là những trụ cột của thị trường, trụ cột trong thực thi chính sách tiền tệ và cả nhiều công việc của chính sách tài khóa.
Xét theo yêu cầu trong nghị quyết thứ nhất, các ngân hàng thương mại Nhà nước này có vai trò và trách nhiệm đạt được chuẩn mực Basel 2. Nhưng ngược lại, xét theo định hướng ở nghị quyết thứ hai, lại mâu thuẫn khi họ không thể tăng được vốn, đáp ứng được quy mô vốn tự có như nghị quyết thứ nhất yêu cầu.
Thứ nhất, Quốc hội đã thông qua định hướng không dùng ngân sách Nhà nước để cấp vốn điều lệ cho họ. Phần vốn không được cấp này được hiểu là từ tiền đầu tư thêm và cổ tức giữ lại, hoặc cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì cổ tức cũng là ngân sách.
Thứ hai, các ngân hàng trên cũng không tăng được vốn qua chủ động phát hành thêm và giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước.
Điển hình như hiện nay, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank đã giảm hết mức cho phép, ngân hàng này không thể phát hành thêm để tăng vốn khi chủ trương ngân sách Nhà nước không tham gia nói trên. Hay ở hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước qua bán vốn cho nước ngoài, như trường hợp Vietcombank vừa qua, hay cả việc tìm kiếm đối tác tại BIDV, đến nay vẫn chưa thành.
Các thành viên trên đang phải dùng giải pháp dự phòng, phát hành trái phiếu kỳ hạn rất dài, lãi suất rất cao để tính vào vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR - một tiêu chuẩn quan trọng và áp lực trong Basel 2). Nhưng đây không phải là cách để thực hiện yêu cầu của nghị quyết thứ nhất, vì vá víu, thiếu bền vững và chi phí lớn.
Để thực hiện được nghị quyết thứ nhất nói trên của Quốc hội, giải pháp chung và gần như duy nhất ở thời điểm này, với tình hình hiện nay cùng thế kẹt trên, là khối “Big 4” phải co lại tổng tài sản, hạn chế tín dụng. Trong khi đó, trước mắt, năm 2017, mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội thông qua vẫn khá cao với 6,7%, mà một động lực chính suốt nhiều năm qua vẫn là mở rộng đòn bẩy tín dụng.
Nguồn lực nào xử nhanh nợ xấu?
Cũng tại nghị quyết thứ nhất về tái cơ cấu, Quốc hội đã xác định “bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu”. Mục tiêu giảm được nợ xấu về thực chất dưới 3%, tức là tỷ lệ này bao gồm cả phần đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).
Trước đó, tại Nghị quyết số 5 của Ban Chấp hành Trung ương, ban hành ngày 1/11/2016, cũng đã định hướng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế.
Thế nhưng ở nghị quyết thứ hai về kế hoạch tài chính nói trên, Quốc hội chính thức xác định không dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước.
Hiện chưa có dẫn giải cụ thể về điểm nội dung này trong các nghị quyết nói trên. Tuy nhiên, có thể hiểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội đã cùng thống nhất sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, nhưng nghị quyết về kế hoạch tài chính Quốc hội lại không cho phép dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.
Như vậy có mâu thuẫn giữa các nghị quyết hay không?
VnEconomy tham vấn một chuyên gia tài chính về nội dung trên, câu trả lời là cần xác định rõ và phân biệt “nguồn lực phù hợp” với “ngân sách Nhà nước”.
Theo chuyên gia này, ngân sách Nhà nước là túi tiền quốc gia, chủ trương không sử dụng để xử lý nợ xấu đã có hai năm nay. Trong khi đó, “nguồn lực phù hợp” có thể xác định tạo ra bằng các cơ chế, như cho vay tái cấp vốn để xử lý nợ xấu, hoặc các ngân hàng được phát hành dạng trái phiếu huy động nguồn lực xử lý nợ xấu…; hoặc bằng các nguồn lực trên thị trường.
Khi nói về “nguồn lực phù hợp” này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lại cho rằng, nó có từ ngân sách Nhà nước. Bởi vì, các nguồn lực khác và sự phù hợp của nó là của thị trường, hoặc từ các cơ chế, thời gian qua hệ thống đã vận dụng, đã tìm cách huy động cả rồi.
“Nếu chưa xác định được “nguồn lực phù hợp” là gì, hoặc nó không phải là ngân sách, không được dùng ngân sách, không có nguồn hỗ trợ xác định cụ thể, thì mục tiêu và yêu cầu đẩy nhanh, xử lý triệt để nợ xấu trước 2019 sẽ không có thêm cơ sở nào như đã và đang làm hiện nay”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nhìn nhận.
Và theo góc nhìn này, trong tình huống trên, các ngân hàng vẫn phải tự xử lý nợ xấu là chính. Điều này khiến họ phải tăng cường trích lập dự phòng, lợi nhuận hạn chế và nộp ngân sách càng bị ảnh hưởng, lãi suất cho vay càng khó giảm, mục tiêu đưa nợ xấu về thực chất dưới 3% càng thử thách.
The đó, theo các nghị quyết trên, “nguồn lực phù hợp” trong xử lý nợ xấu đang là nội dung chờ những dẫn giải cụ thể từ Chính phủ và Quốc hội.
VnEconomy