MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghỉ việc, bỏ phố về quê sống: Tiết kiệm 10 triệu đồng/tháng, đi làm thoải mái như du lịch

20-11-2023 - 06:39 AM | Lifestyle

Cùng lắng nghe tâm sự của hai cô gái này sau khi chọn rời Hà Nội, chuyển về quê sinh sống.

Tại sao người trẻ chọn bỏ phố về quê?

Trước khi chuyển về sống tại Hạ Long, Thảo Linh (26 tuổi, graphic designer) từng có 5 năm học tập và làm việc tại Hà Nội. Dù có công việc ổn định, mức thu nhập đủ sống nhưng cô lại thấy kiệt sức và mất cân bằng. Đỉnh điểm là khi Thảo Linh gặp stress nặng vì áp lực công việc, dẫn đến mắc nhiều bệnh, chẳng hạn như liệt 2 ngày do bị chèn dây thần kinh. Đó cũng là lúc, Thảo Linh nghĩ cần tìm hướng đi mới cho bản thân sau này.

Cô nàng tâm sự: "Sau cơn ốm nặng ấy, mình nhận ra nếu cứ cắm đầu cắm cổ làm việc, đến lúc mình kiếm nhiều tiền thì sao? Nếu ngày mai, mình không thể thức dậy thì có ý nghĩa gì đâu.

Sau đó, mình lựa chọn về tỉnh lẻ, không có tắc đường, sống giữa kì quan. Ngày nào, mình đi làm cũng thấy chill như đi du lịch. Mình nhận ra tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống, sống vui vẻ mỗi ngày mới là điều quan trọng nhất. Nỗi khó nhọc ngày nào thì đủ cho ngày đó thôi.

Thời đại ngày nay, mình nghĩ chúng ta không thiếu ăn, thiếu mặc. Nếu bản thân mong cầu ít đi thì không cần cắm đầu làm việc, hay nghĩ cách căn ke từng đồng một cho mệt".

Một trường hợp khác, Bảo Ngọc (22 tuổi, giáo viên tiếng Anh) chọn chuyển về vùng ngoại thành Hà Nội sinh sống sau khi vừa tốt nghiệp Đại học. "Một phần lý do là mình muốn ở gần mẹ, các chị và cháu hơn. Một phần nữa là để tiết kiệm chi phí sinh hoạt", cô nàng nói về nguyên nhân bỏ việc sinh sống tại quận nội thành ở Hà Nội để về quê.

Nghỉ việc, bỏ phố về quê sống: Tiết kiệm 10 triệu đồng/tháng, đi làm thoải mái như du lịch - Ảnh 1.

Bảo Ngọc (Ảnh: NVCC)

So với thời điểm còn sinh sống tại thành phố lớn, việc chuyển về quê gần gia đình giúp người trẻ tiết kiệm được nhiều chi phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, họ có thêm thời gian gần gũi với gia đình sau thời gian dài sống xa nhà.

Bảo Ngọc cho hay từ khi sống ở quê, cô bớt được hàng loạt khoản chi tiêu cố định hàng tháng khi còn là sinh viên như tiền thuê nhà, chi phí xăng xe đi lại…

"So với việc ở trọ, mình đã tiết kiệm được tiền thuê trọ (2 triệu đồng), tiền xăng xe (300 ngàn đồng) và tiền ăn. Mua sắm cũng ít đi vì ở quê không có quá nhiều sự lựa chọn như ở Hà Nội. Hồi trước, tổng chi phí mua sắm linh tinh mỗi tháng của mình là 5-6 triệu đồng. Ngoài ra, mình còn tiết kiệm được tiền đi gội đầu dưỡng sinh 4 buổi/tháng, tổng là 1,2 triệu đồng".

Tuy nhiên, nhược điểm về tài chính khi ở quê là lương sẽ không cao như thời điểm còn sinh hoạt tại thành phố. Bản thân Ngọc đã giảm một nửa thu nhập trong thời gian đầu chấp nhận chuyển từ phố về quê. Bên cạnh đó, Ngọc đánh giá nếu sống ở quê sẽ có ít chỗ vui chơi. Nếu cô nàng muốn di chuyển lên vùng nội thành Hà Nội thì thường mất 45 phút - 1 tiếng di chuyển.

Còn với Thảo Linh, cô nàng đã có thể để dành 70% lương nhờ cắt giảm các khoản chi phí và biết cách tiêu dùng thông minh. Cụ thể hơn trong 15 triệu lương hàng tháng, Thảo Linh chỉ tiêu khoảng 5 triệu. Số tiền sinh hoạt phí được cô phân bổ thành những khoản như sau:

- Tiền nhà: 1,2 triệu đồng.

- Tiền xăng xe và phí dịch vụ điện thoại: 200 ngàn đồng.

- Tiền mua quần áo, giày dép và mỹ phẩm: 500 ngàn đồng.

- Tiền ăn + chi phí sinh hoạt khác: 3 triệu đồng/tháng.

Thảo Linh cho hay, do được công ty bao ăn bữa trưa, nên cô chỉ nấu bữa tối tại nhà. Ngoài ra, mỗi tháng cô dành khoảng 500 ngàn đồng để mua đồ ăn bên ngoài và hẹn gặp bạn bè.

Thảo Linh tâm sự, sở dĩ cô để dành được nhiều tiền không phải vì bản thân quá đề cao tiết kiệm. Nguyên nhân sâu xa là vì cô nàng đã sống tối giản hơn. Thảo Linh chỉ tập trung mua món đồ cần thiết, hạn chế chưng diện, giảm tần suất mua sắm vì muốn dành thời gian cho những khoá học và mối quan hệ chất lượng.

Nghỉ việc, bỏ phố về quê sống: Tiết kiệm 10 triệu đồng/tháng, đi làm thoải mái như du lịch - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Có ý định quay lại thành phố sau khi bỏ về quê?

Nếu có ai đó hỏi Thảo Linh trong 3 năm về quê, cuộc sống của cô nàng có ổn không. Câu trả lời là "Có". Thảo Linh tự thấy đã học được cách chăm sóc bản thân, sống hạnh phúc và biết cách đầu tư lâu dài cho tương lai. Nói về dự định sau này, cô vẫn muốn định cư tại quê nhà Hạ Long.

Dù tiết kiệm được khá nhiều tiền theo thu nhập hàng tháng, song Thảo Linh cho biết cô không đặt nặng chuyện đầu tư một tài sản vật chất nào đó. Cô cũng không muốn quá ép bản thân tiếp tục phải tăng ca để kiếm thêm thu nhập hay nghĩ ra phương pháp đầu tư sinh lời.

Thảo Linh nói, số tiền dành dụm bây giờ, cô tính sẽ mua một gói bảo hiểm cho bản thân, còn lại mua đồ cho gia đình. Với cô, món "đầu tư" lớn nhất hiện tại là dành cho sức khỏe về cả mặt thể chất và tinh thần, tiếp đó là năng lực chuyên môn.

Còn về phía Bảo Ngọc, cô nàng cũng hài lòng với cuộc sống hiện tại ở quê. Dẫu vậy Ngọc cho rằng dự định sinh sống ở quê của mình là kế hoạch tạm thời. Nếu tìm được công việc phù hợp ở thành phố thì cô cũng sẵn sàng đi làm xa nhà. Công việc mà Ngọc mong muốn nhất là nằm ở khu vực gần ngoại thành Hà Nội, thuận tiện để cô "đi đi về về" sống cạnh mẹ.

Theo Vân Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên