MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghỉ việc để ở nhà chăm bố đã 91 tuổi, nửa năm sau, tôi gạt nước mắt để đưa ông vào viện dưỡng lão

17-02-2024 - 16:36 PM | Sống

Mong muốn được làm tròn chữ hiếu với cha, song dường như người đàn ông này không thể gánh vác được công việc này

Bài viết dưới đây là chia sẻ của ông Sửu (Trung Quốc) đang thu hút sự chú ý của nhiều người trên nền tảng Toutiao.

Nghỉ việc để ở nhà chăm bố

Tôi năm nay vừa tròn 55 tuổi, còn bà xã cũng bước sang tuổi 53. Chúng tôi có 2 người con 1 trai, 1 gái. Sau khi con dâu sinh thêm 1 cháu trai, vợ tôi đã nghỉ nghiệp để ở nhà chăm cháu. Còn tôi vẫn duy trì công việc cũ nhằm có thêm thu nhập để gửi tiền phụng dưỡng cha vẫn sống ở quê nhà.

Tưởng mọi chuyện sẽ đi đúng hướng như vậy cho đến khi tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của người hàng xóm ở quê nhà. Người này thông báo cho chúng tôi rằng không biết chuyện gì đã xảy ra. Song cha tôi bị ngã trong nhà vệ sinh và phải đi cấp cứu gấp.

Ngay trong buổi tối hôm đó, vợ chồng tôi đã về quê và có mặt ở bệnh viện. Sau khi kiểm tra và chụp chiếu cẩn thận, bác sĩ khẳng định cha tôi may mắn chỉ bị trầy xước bên ngoài nên có thể ra về ngay.

Tuy nhiên, lúc thanh toán viện phí, bác sĩ có kéo tôi sang một bên và nói: “Cha anh đã 91 tuổi rồi. Tuổi càng cao, sức khoẻ càng yếu, dễ ngã. Gia đình cần bố trí người chăm sóc, đừng để ông cụ sống một mình. Bởi nếu lần ngã này nếu không có người phát hiện sớm, không biết cha anh giờ sẽ ra sao?”.

Nghe những lời của bác sĩ, tôi nhận ra lời khuyên này hoàn toàn đúng. Sau khi bàn bạc với gia đình, tôi quyết định nghỉ công việc hiện tại để đích thân về quê chăm sóc cha mình ở những năm cuối đời.

Nghỉ việc để ở nhà chăm bố đã 91 tuổi, nửa năm sau, tôi gạt nước mắt để đưa ông vào viện dưỡng lão- Ảnh 1.

Nhiều người thắc mắc tại sao tôi không thuê người giúp việc. Thực tế, đối với một người nhiều tuổi như bố tôi, số tiền bỏ ra để thuê ít nhất là 5.000 NDT/tháng. Trong khi đó, mức lương đi làm của tôi cũng chỉ quanh khoảng này. Nếu như thuê người thì tôi chẳng dư đồng nào.

Điều quan trọng hơn cả là tôi muốn làm tròn chữ hiếu với người cha của mình. Tôi muốn gánh vác công việc này, muốn được sống gần cha những năm cuối đời.

Tôi tràn đầy sự hào hứng và toàn tâm toàn ý muốn chăm sóc cha. Song thực tế không như những gì tôi tưởng tượng.

Kể từ sau lần ngã đó, sức khoẻ của ông ngày 1 yếu đi. Không chỉ vậy, tôi còn thấy tính nết ông cũng có nhiều thay đổi. Ông trở nên kén ăn hơn trước. Tôi nấu món gì cha cũng chê. Chỉ được vài thìa cơm, ông đã lắc đầu không muốn ăn tiếp.

Chiều theo nguyện vọng của cha, tôi cũng lên mạng học thêm nhiều món lạ và chuẩn bị cẩn thận mỗi ngày. Song ông vẫn chê. Thậm chí, ông còn nói tôi bất hiếu, cố tình nấu những món không ngon để ông không ăn được. Tuy nhiên, tôi hiểu việc mình đang làm với tâm nguyện 1 lòng phụng dưỡng cha nên bỏ ngoài tai những lời nói đó.

Do cha tôi bị liệt nửa người nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Tôi buộc phải đóng bỉm cho ông để thuận tiện vệ sinh. Tuy nhiên, kể từ khi ra viện trở về, ông nhất quyết từ chối. Dĩ nhiên, có lần nhớ, ông sẽ gọi tôi để đưa đi. Song đôi khi quên, tôi lại phải dọn dẹp, giặt lại toàn bộ chăn ga, đệm. Đều đặn, mỗi tuần, tôi phải dọn dẹp giường chiếu 2-3 lần. Nhiều lúc, tôi mất bình tĩnh với cha mình nhưng vẫn cố gắng hết sức có thể.

Nhất quyết đưa bố vào viện dưỡng lão

Tuy nhiên, chỉ được nửa năm tôi không còn đủ sức để chăm sóc nên đã đi đến quyết định vô cùng đau đớn là đưa bố vào viện dưỡng lão. Tôi và vợ đã phải đi khảo sát đến 10 địa điểm nhằm chọn cho bố chỗ nghỉ ngơi tốt nhất.

Ngày đưa bố vào viện dưỡng lão, cả bố và tôi đều khóc. Thậm chí ông còn liên tục nói tôi là đứa con bất hiếu. Chính tôi cũng day dứt trong lòng bởi không thể chăm sóc được cho cha.

Sau khi đưa ông vào viện dưỡng lão, tôi quay trở lại với công việc cũ. Tuy lương chỉ đủ trang trải chi phí trả tiền cho bố hàng tháng song tôi cảm thấy tâm trạng của mình dần khá hơn.

Sau khoảng 1 tháng, tôi được nghe y tá ở đây nói rằng bố tôi không hề ồn ào. Ông biết bấm chuông khi muốn được phục vụ. Ông cũng không kén ăn như ở nhà. Nhờ thế, sức khoẻ của ông đã cải thiện hơn rất nhiều so với ngày đầu bước vào đây.

Nghỉ việc để ở nhà chăm bố đã 91 tuổi, nửa năm sau, tôi gạt nước mắt để đưa ông vào viện dưỡng lão- Ảnh 2.

Sau khi bố chuyển vào viện dưỡng lão chúng tôi càng trân trọng từng khoảnh khắc bên ông. Mỗi cuối tuần, tôi đều đưa vợ con đến thăm và mang những món ngon mà bố thích. Vào ngày sinh nhật ông, vợ chồng tôi đều mở tiệc để ông mời 1 vài người bạn thân của mình.

Dù không thể bên bố thường xuyên nhưng mỗi lần gặp nhau gia đình tôi lại tràn ngập tiếng cười. Dẫu người ngoài nhìn vào có thể nói tôi là kẻ bất hiếu. Nhưng tôi biết rằng quyết định này là vì hạnh phúc và bình yên của bố. Tôi tin chắc rằng dù ở bất kỳ nơi nào, chỉ cần chúng ta vẫn quan tâm đến nhau bằng cách này hay cách khác thì sợi dây tình cảm sẽ không bao giờ đứt đoạn.

Đinh Anh

Phụ nữ số

Trở lên trên