Nghỉ việc khi vừa sinh con 6 tháng, bán nhà đi khởi nghiệp, startup của cô gái Việt này đã có mặt tại hàng chục quốc gia: Ai cũng có một cuộc đời để sống!
""Niềm đam mê trong lĩnh vực du lịch thôi thúc mỗi ngày mỗi đêm, ngay cả khi ngủ..".
- 21-05-2018Chuyện anh kỹ sư nông nghiệp khởi nghiệp chuỗi Bác Tôm: Đi nhanh bằng nhượng quyền, chỉ để thuyết phục 1 hộ nông dân mà tuyên bố 'Ruộng anh chị có gì em mua sạch, mua đến từng quả cà chua luôn'
- 09-05-2018Doanh nhân Lê Đăng Khoa: Muốn khởi nghiệp mà không có tiền thì lấy gì khởi nghiệp!
- 02-05-2018Phó TGĐ tập đoàn Kido khuyên người khởi nghiệp: Các bạn nên đi hội thảo thật nhiều đặc biệt các hội thảo nước ngoài!
Bỏ việc PNJ, bán nhà để khởi nghiệp du lịch
Cùng với sự phát triển của công nghệ, ngành du lịch thế giới hiện còn phát triển theo hướng đi vào nền kinh tế chia sẻ. Cũng nương theo làn sóng cách mạng công nghệ 4.0, năm 2013 cô gái Lâm Thị Thúy Hà cùng chồng sáng lập dự án du lịch chia sẻ Triip.me với vốn liếng ban đầu là con số 0.
Theo chia sẻ của nhà sáng lập đồng thời là giám đốc vận hành Lâm Thị Thúy Hà, ý tưởng của Triip.me là kết nối khách du lịch quốc tế với người địa phương. Theo đó ai cũng có thể trở thành tour guide bằng việc cung cấp những trải nghiệm mà mình thích làm vào thời gian rảnh với mức giá mong muốn.
"Đó có thể là một người nội trợ mời vị khách tới nhà nấu một bữa cơm truyền thống Việt Nam, hoặc một anh thích cà phê mời thưởng thức cà phê Việt Nam", Hà cho biết.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, Lâm Thị Thúy Hà làm việc tại CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) về 1 dự án du lịch 5 năm. Thời điểm năm 2013, trào lưu khởi nghiệp công nghệ và gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài là làn sóng khổng lồ trên toàn thế giới. Vốn đam mê du lịch cùng với nền tảng công nghệ của chồng, Lâm Thị Thúy Hà quyết định nghỉ việc PNJ sau khi sinh em bé thứ hai được 6 tháng để bắt tay vào Triip.me.
Cũng phải nói thêm, chồng của Hà vốn là quản lý sản phẩm của dự án khởi nghiệp đình đám Misfit Wearable. Anh cũng từng sáng lập và phát triển một dự án cộng đồng trực tuyến từ 0 đến 500.000 thành viên chỉ trong 1,5 năm khi học tập tại đại học Bufalo, SUNY.
Với nền tảng công nghệ cùng với vốn kiến thức, kinh nghiệm của về du lịch Hà nghĩ rằng có thể dễ dàng gọi vốn tuy nhiên thời điểm ra mắt sản phẩm Triip.me, mô hình du lịch này chưa nhiều người biết đến, nhiều người chưa quen với nền kinh tế chia sẻ. Khái niệm dùng 1 ứng dụng có thể kết nối người dân địa phương để khi đến được phục vụ khi đi du lịch nước ngoài vẫn còn mới mẻ với người Việt Nam. Triip.me thất bại khi gọi vốn tại Việt Nam và một số nhà đầu tư nước ngoài khác.
"Lúc đó tôi và ông xã quyết định bán nhà, nghỉ việc PNJ dồn hết tâm sức cho mô hình này", Hà nhớ lại quyết định dũng cảm của mình. Theo cô, tại thời điểm này các đối thủ cạnh tranh mô hình này đến từ Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ có tốc độ phát triển thấp hơn Triip.me và cô không muốn bỏ lỡ cơ hội. Chỉ trong 6 tháng, Triip.me phát triển ở 21 quốc gia và bao phủ hết các nước Đông Nam Á.
Theo cô chia sẻ, thời điểm này không có ai tin vào dự án Triip.me và đối với những nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ không bỏ một số tiền lớn để đầu tư dự án khi mà người sáng lập không có quyết tâm trong nó, luôn muốn có giải pháp an toàn.
Ngay sau thời điểm bán nhà và những nhà sáng lập quyết tâm xây dựng nên công ty thì nhà đầu tư thiên thần đầu tiên đến từ Singapore quyết định bỏ vốn vào. Sau đó 6 tháng, chủ tịch Hiệp hội du lịch châu Á Thái Bình Dương quyết định trở thành nhà đầu tư thứ 2. Hai nhà đầu tư này giúp triip.me vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.
Ai cũng có một cuộc đời để sống
Động lực giúp Hà và chồng đi đến quyết định rủi ro, đánh đổi sự thoải mái hiện tại cũng như tương lai nghề nghiệp tại PNJ thì đó là đam mê du lịch của cô. Tại thời điểm này Hà đã có 10 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực du lịch. Ngay từ khi còn là sinh viên, cô từng sáng lập câu lạc bộ tình nguyện viên hướng dẫn khách du lịch nước ngoài miễn phí ở Tp. Hồ Chí Minh cũng như từng là hướng dẫn viên cho Saigon Tourist, sau này là làm dự án du lịch của PNJ.
"Niềm đam mê trong lĩnh vực du lịch thôi thúc mỗi ngày mỗi đêm, ngay cả khi ngủ. Ngay tại thời điểm mình cảm thấy hội tụ đầy đủ về kinh nghiệm làm sản phẩm, về công nghệ phối hợp với đam mê và mục tiêu. Đó là là động lực chính khi quyết tâm làm Triip.me", cô gái từng lọt top Forbes Asia 30 Under 30 chia sẻ.
Và một điều khác khiến vợ chồng cô quyết định khởi nghiệp là bởi ý nghĩ ai cũng có một cuộc đời để sống và cũng chứng kiến rất nhiều những người bạn xung quanh sống vật vờ suốt mấy chục năm trời, sống vì kỳ vọng của người khác.
"Tụi con rất may mắn tìm ra đam mê của tụi con và rất quyết tâm thực hiện đam mê đó. Rất nhiều người trong xã hội này cả đời không tìm ra đam mê của tụi con, vậy hãy để tụi con sống và có điều gì đó để sau này 3 đứa con lớn lên tự hào về quãng thời gian đó của ba mẹ", Hà chia sẻ về những lời cô nói với ba mẹ để thuyết phục bán nhà dồn tâm huyết vào Triip.me.
Tất nhiên Hà cũng đã có phương án nếu không có nhà đầu tư thiên thần rót vốn vào Triip.me thì tự thân cô làm tour guide, tự dẫn tour cho tất cả các khách du lịch đến Tp.HCM, lấy ngắn nuôi dài khởi nghiệp. Theo chia sẻ của cô, ngay tại thời điểm bán nhà, nghỉ việc PNJ thì doanh thu Triip.me tăng 300%. Cô cũng bật mí thêm chỉ trong 1 năm sau khi 2 nhà đầu tư thiên thần góp vốn xong thì tổng giá trị đầu tư tăng lên gấp 5 lần.
Bài học toàn cầu hóa
Du lịch và lữ hành là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới với đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu hơn 7,6 nghìn tỷ USD năm 2016. Khách du lịch quốc tế tăng từ 528 triệu người năm 2005 lên con số 1,19 tỷ người năm 2015 và dự báo vượt mức 1,8 tỷ vào năm 2030. Châu Âu được xem là điểm đến thu hút khách du lịch nhiều nhất trên thế giới, tiếp theo là khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Chia sẻ về kinh nghiệm đi nhanh khi toàn cầu hóa, COO này chia sẻ cách ban đầu là "cày rất nhiều". Với kinh nghiệm hướng dẫn viên cho 1.000 khách du lịch quốc tế cũng như có bạn bè quốc tế nên Hà biết được bạn bè mình thích cái gì, thích làm gì vào thời gian rảnh. Và chính cô là người tự tạo những tour theo sở thích của bạn bè vào thời gian họ rảnh. Sau đó Hà gửi email tới các bạn đa quốc gia mà cô biết, cũng như hỏi họ về nhu cầu chia sẻ với người khác đến địa phương của mình hay không.
Cách làm thứ hai là startup này tuyển sinh viên tại các trường đại học, chỉ cho họ cách làm việc, vào các trang tìm việc trên thế giới. Từ đó Triip.me đăng quảng cáo tuyển việc, tìm freelancer tại tất cả các quốc gia. Theo Hà, mỗi tuần có 1.000 hồ sơ CV được gửi về.
Trong quá trình toàn cầu hóa, một kinh nghiệm xương máu của Triip,me từng gặp phải là được tòa án Singapore gọi ra tòa. Và trong vòng 3 ngày đơn tòa án gửi về dự án này phải tắt hết tất cả IP liên quan tới sản phẩm tại Singapore, đóng hết tất cả tour, trải nghiệm người dùng tại Singapore.
"Bài học đơn giản nhưng vô cùng lớn: Mình nghĩ Uber, Airbnb có thể phát triển trên toàn cầu thì sản phẩm của mình cũng phát triển như vậy nhưng có một cái vô cùng thiếu là mình không hiểu luật của nước sở tại. Mình không hiểu luật của Singapore vô cùng khắt khe trong việc hướng dẫn viên phải thi bằng cấp và có thẻ hướng dẫn", cô chia sẻ.
Bất kỳ vi phạm nào phạm pháp ở Singapore được xem là vô cùng nghiêm trọng. Lần đầu tiên trong đời Thúy Hà đối diện một quan tòa. không phải ở Việt Nam mà ở Singapore. Một điều may mắn là vị cảnh sát về du lịch hiểu về mô hình của Triip.me tạo công ăn việc làm cho người địa phương, cũng như chấp hành nghiêm túc các quy định nên được bỏ qua.
"Sử dụng nền tảng công nghệ giúp rất tốt cho doanh nghiệp của mình nhưng các bạn nên nhớ chơi đúng luật, tìm hiểu kỹ luật ở quốc gia đó", nữ doanh nhân này chia sẻ.
Trí thức trẻ