Nghịch lý “BOT” đường thôn ở Hải Dương
Việc tổ chức thu tiền không có biên lai, không có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước và hoàn toàn tự phát diễn ra trong một thời gian dài.
Theo phản ánh của người dân, tại thôn An Xá, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương xảy ra tình trạng thu phí 5.000- 10.000 đồng/1 lượt xe tải khi vào thôn và xe tải của các hộ dân trong thôn nộp 1.000.000đ/năm.
Muốn đi qua những barie này, mỗi phương tiện là ô tô chở hàng phải mất phí.
Đường vào thôn An Xá, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương khá đông phương tiện lại qua. Bất kể là xe tải loại nào và không có ngoại lệ, cứ mỗi một chiếc xe tải tiến vào thôn là có những người đàn ông chạy ra chặn đầu xe và yêu cầu đóng tiền với mức từ 5.000-10.000 đồng/lượt.
Một lái xe thường xuyên qua lại con đường này kể: Do không chịu đóng phí theo quy định của thôn, anh này đã bị người thu phí lấy tấm ván có đinh để uy hiếp và chặn xe không cho di chuyển tiến lùi: “Em bị rất nhiều lần, việc này đã diễn ra từ rất lâu và nhất là vừa rồi trong thôn làm đường bê tông mới, người thu phí tuyên bố thu để duy tu, bảo dưỡng đường. Trước đây còn barie, nhưng từ 7/2018 không còn và bây giờ cứ mỗi lần vào thôn người thu phí sẽ đi xe đạp và thấy xe tải nào sẽ thu phí xe tải ấy. Từ trước đến giờ em chưa được nhìn thấy giấy tờ nào để làm bằng chứng là thu theo quy định”.
Ngày 1/7/2017, thôn An Xá từng ký 1 bản hợp đồng với tên gọi “Hợp đồng trông và bảo vệ đường làng thôn An Xá thời hạn từ năm 2017 – 2019” với một cá nhân tên là Trần Thế Phượng. Bản hợp đồng này nêu rõ: Những xe tải ở nơi khác đến nếu gây bụi bẩn cho đường làng hoặc có nhu cầu chỉ dẫn đường vào thôn, người trông có thể thỏa thuận dọn dẹp vệ sinh thay chủ xe hoặc chỉ dẫn đường lấy công. Theo đó, 5.000đồng/lần/xe tải 500kg đến dưới 1,5 tấn; không quá 10.000đồng/lần/xe tải từ 1,5 tấn đến dưới 3,5 tấn và không quá 15.000đồng/lần/xe từ 3,5 tấn đến 5 tấn. Phía thôn An Xá cũng yêu cầu bên ký hợp đồng phải có trách nhiệm nộp lại cho thôn số tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/vụ vào quỹ của thôn để duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh đường hàng năm và phục vụ một số công việc khác.
Mức thu phí từ 5.000-10.000đ/xe tải.
Cán bộ thôn An Xá, xã Quốc Tuấn lý giải: người dân bỏ công sức, tiền của đóng góp để làm đường nên có quyền thu phí các loại xe tải. Các loại xe tải của người dân trong thôn cũng phải đóng tiền phí hàng năm, đương nhiên các loại xe khác khi vào trong thôn cũng phải nộp phí. Thu phí như vậy để thôn có thể duy tu, bảo dưỡng và vệ sinh môi trường khi các xe chở vật liệu bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển, hạn chế những xe có trọng tải lớn đi vào trong thôn.
Ông Nguyễn Bá Dũng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách thừa nhận trên địa bàn thôn An Xá và Đông Thôn của xã có xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên ông Nguyễn Bá Dũng cũng khẳng định UBND xã không chỉ đạo việc đấu thầu mà điều này do nhân dân trong thôn tự bàn và quyết định: "Để mà nói đúng hay sai thì đây là chuyện dân bàn, dân tự làm, xã không chỉ đạo. Và tất cả các xe trong thôn đều phải đóng góp, để xây dựng kết cấu hạ tầng. Hai nữa là những xe từ ngoài vào đều đóng từ 5.000-10.000 đồng để tu bổ, hỏng hóc sửa chữa và bảo vệ môi trường".
Việc thu phí hoàn toàn diễn ra tự phát |
Thông tư số 32 ngày 8/8/2014 của Bộ GT-VT quy định chi tiết các tuyến đường khi được đưa vào khai thác phải lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ và hệ thống ATGT. Nếu các địa phương cho lắp đặt barie, đắp ụ bê tông gây mất ATGT trên các tuyến đường thì yêu cầu tháo dỡ và thực hiện việc quản lý, vận hành theo đúng quy định.
UBND tỉnh Hải Dương đã có chỉ thị số 10 ngày 22/6/2018 yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã rà soát hệ thống đường giao thông được giao quản lý theo phân cấp, yêu cầu tháo dỡ và chấm dứt ngay việc lắp đặt barie để thu tiền trái quy định; tháo dỡ ụ gạch, bê tông gây mất ATGT trên các tuyến đường. Bên cạnh đó, việc thu phí đường theo quy định phải có vé được cấp có thẩm quyền cho phép. Chiếu theo các quy định này việc tự thu phí như 1 số thôn trên địa bàn huyện Nam Sách là trái với quy định…
Bất kể là xe tải loại gì khi đi vào trong thôn đều phải nộp phí và không có trường hợp ngoại lệ |
Ông Lê Quang Thụ - Chủ tịch UBND huyện Nam Sách nói: “Năm 2018, tỉnh đã có quy định và UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn khẩn trương tháo dỡ barie dựng trái phép trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Sau khi tiếp nhận thông tin về việc thu phí tại tuyến đường thôn trên địa bàn 1 số xã, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xem xét lại không chỉ đối với xã Quốc Tuấn mà phải kiểm tra trên địa bàn của toàn huyện. Nếu còn tình trạng này huyện sẽ có văn bản chỉ đạo rút kinh nghiệm chung và sẽ thông tin tới các xã về tình trạng này trong cuộc họp vào tháng 8 tới đây”.
Việc tổ chức thu tiền không có biên lai, không có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước và hoàn toàn tự phát diễn ra trong 1 thời gian dài khiến nhiều lái xe lưu thông qua khu vực này bức xúc. Thực tế này đang rất cần sự chỉ đạo giải quyết dứt điểm của chính quyền địa phương./.
VOV