MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý của Apple: iPhone cháy hàng toàn cầu không có bán trong khi dây chuyền sản xuất bị ‘treo’, công nhân chơi dài mùa cao điểm

08-12-2021 - 19:08 PM | Thị trường

Nghịch lý của Apple: iPhone cháy hàng toàn cầu không có bán trong khi dây chuyền sản xuất bị ‘treo’, công nhân chơi dài mùa cao điểm

2 năm giãn cách, thiết hụt chip, khủng hoảng năng lượng cuối cùng đã khiến nhà sản xuất iPhone điêu đứng.

Vào đầu tháng 10 hàng năm, khi hầu hết công ty ở Trung Quốc đóng cửa cho kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, các nhà máy đối tác của Apple lại hoạt động hết công suất. Đây là tuần mà những Foxconn, Pegatron đẩy hết tốc lực sản xuất 24h/ngày, hết ca này đến ca khác để sản xuất các mẫu iPhone thế hệ mới kịp cho mùa mua sắm xuối năm.

Nhưng mọi chuyện đã khác vào năm nay. Công nhân của họ được nghỉ lễ, thay vì làm thêm giờ.

Lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, dây chuyền sản xuất iPhone, iPad bị "treo" trong vài ngày do gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như hạn chế sử dụng điện tại Trung Quốc.

"Do thiếu linh kiện và chip, việc sản xuất thêm giờ chẳng có ý nghĩa gì", một quản lý chuỗi cung ứng nói với Nikkei Asia. "Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Các năm trước, Tuần lễ vàng luôn là khoảng thời gian các nhà các nhà máy tăng cường sản xuất".

Nghịch lý của Apple: iPhone cháy hàng toàn cầu không có bán trong khi dây chuyền sản xuất bị ‘treo’, công nhân chơi dài mùa cao điểm - Ảnh 1.

iPhone 13 trưng bày tại Apple Store ở Bắc Kinh.

Sau khi ra mắt iPhone 13 và iPad vào tháng 9, Apple rơi vào tình trạng thiếu hàng triệu máy so với mục tiêu ban đầu, đánh rơi nhiều tỷ USD doanh thu. Tại nhiều nước, người dùng không thể mua các sản phẩm của Apple vào dịp lễ cuối năm.

Apple có thể là "ông kẹ" của ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng với hơn 200 triệu iPhone, 20 triệu MacBook, 50 triệu iPad và hơn 70 triệu cặp AirPods bán ra mỗi năm nhưng vẫn không tránh khỏi chao đảo bởi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong tháng 9 và 10, lượng sản xuất iPhone 13 thấp hơn 20% so với kế hoạch ban đầu, theo thông tin từ chuỗi cung ứng. Con số này thậm chí còn là khả quan bởi Apple đã chủ động tích trữ linh kiện cần thiết cho mẫu iPhone mới nhất. 

Apple buộc phải điều chỉnh lại mục tiêu sản lượng cho năm 2021. Theo đó, Apple sản xuất 83-85 triệu iPhone 13 đến hết năm nay, thay vì mục tiêu tham vọng là 95 triệu máy ban đầu. Mặc dù đã gia tăng sản xuất vào tháng 11, hãng vẫn bị thiếu 15 triệu máy so với mục tiêu sản xuất 230 triệu iPhone trong năm nay.

Hiệu ứng cánh bướm

Nghịch lý của Apple: iPhone cháy hàng toàn cầu không có bán trong khi dây chuyền sản xuất bị ‘treo’, công nhân chơi dài mùa cao điểm - Ảnh 2.

Nguyên nhân khiến iPhone 13 bị gián đoạn sản xuất.

Nhìn vào chiếc iPhone 13 Pro Max, một thiết bị điện tử phức tạp với hơn 2.000 linh kiện để thấy được sự khó khăn của vấn đề.

Rào cản không đến từ những linh kiện quan trọng nhất như con chip A15 giá 45 USD hay model 5G hoặc màn hình OLED có giá lên đến 105 USD. Thay vào đó, cơn đau đầu đến từ những linh kiện chỉ tốn vài cent, chẳng hạn chip quản lý điện năng từ TI hay biến trở của Nexperia hay chip kết nối từ Broadcom. 

Những con chip này không chỉ có trên iPhone mà trên tất cả các dòng smartphone hay thiết bị điện tử khác, cùng với đó là máy tính, trung tâm dữ liệu, thiết bị gia dụng và ô tô.

"Nếu bạn có 99% linh kiện sẵn sàng trong tay nhưng chỉ cần thiếu 1,2,3 linh kiện, bạn vẫn không thể hoàn thiện sản phẩm cuối cùng", lãnh đạo một nhà cung cấp hàng đầu của Apple cho biết.

2021 được cho là năm vươn lên mạnh mẽ của Apple khi hãng đánh chiếm thị phần của Huawei. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số của iPhone tăng gần 30% so với năm 2020.

CEO Tim Cook – người được cho là giỏi nhất thế giới trong việc quản lý chuỗi cung ứng cho biết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến Apple đánh rơi 3-4 tỷ USD trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 và 6 tỷ USD khác trong quý từ tháng 7 đến tháng 9. Ông dự đoán ảnh hưởng còn nặng nề hơn nữa trong quý tiếp theo này.

Năm mới, vấn đề cũ

Với nhiều đối tác cung ứng hàng đầu của Apple, 2021 là một năm khó khăn. Pegatron – nhà lắp ráp iPhone, công bố lợi nhuận ròng giảm 60% trong quý III trong khi đối thủ nhỏ hơn là Luxshare Precision Industry công bố doanh thu giảm 25%. Foxconn, nhà lắp ráp iPhone cũng là hãng gia công thiết bị điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới công bố doanh thu ấn tượng trong quý III nhưng cảnh báo họ không chắc chắn về tình trạng của năm 2022. Nguyên nhân được đưa ra là do tình trạng thiếu chip toàn cầu, lạm phát và một số vấn đề chính trị.

Nghịch lý của Apple: iPhone cháy hàng toàn cầu không có bán trong khi dây chuyền sản xuất bị ‘treo’, công nhân chơi dài mùa cao điểm - Ảnh 3.

Foxconn - công ty sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới - dự báo không lạc quan về năm 2022.

Apple, mặc dù vậy, vẫn có kết quả kinh doanh khả quan. Theo dự báo của phố Wall, lợi nhuận ròng của Apple trong quý này có thể đạt 30,8 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái, ngay cả khi đã mất hàng tỷ USD doanh thu.

Tuy nhiên, với các nhà phân tích và nhà đầu tư, điều quan trọng nhất là cổ phiếu của Apple. Nó có thể được quyết định bởi những gì mà CEO Tim Cook dự đoán về chuỗi cung ứng trong năm 2022 và sau này.

Tham khảo: Nikkei

Đức Nam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên